Kinh tế số

Fintech phát triển bùng nổ song còn thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy

DNVN – Dịch vụ trung gian thanh toán và công nghệ tài chính (Fintech) đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong hai năm 2020 và 2021 do nhu cầu thanh toán trực tuyến trong đại dịch tăng cao. Tuy nhiên cơ chế chính sách cho lĩnh vực này vẫn đang còn thiếu, chủ yếu là các chính sách thử nghiệm.

Đẩy mạnh công cụ trải nghiệm cho giới trẻ và người cao tuổi tại Lễ hội Mua sắm toàn cầu 11.11 / Sếp Alibaba: Kỹ thuật số có vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu

Fintech "hưởng lợi" trong đại dịch

Theo Hiệp hội Ngân hàng, tính đến hết tháng 10/2021, trên thị trường có khoảng trên 100 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai với khoảng trên 80.000 điểm QR Code thanh toán. Trong số 43 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, có 13 tổ chức là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.

Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp, nhưng trong nửa đầu năm 2021, giao dịch qua các dịch vụ trung gian thanh toán đã có chiều hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Dịch vụ cổng thanh toán điện tử tăng 46,77% về số lượng, 42,60% về giá trị; dịch vụ ví điện tử tăng 85,38% về số lượng, 91,57% về giá trị. Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ tăng 47,10% về số lượng, 78,09% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tăng 95,66% về số lượng, 16,94% về giá trị.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ trung gian thanh toán cho thấy, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các tổ chức trung gian thanh toán chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội một cách thông suốt, an toàn hiệu quả và có những chính sách phù hợp giảm phí cho người sử dụng.

Hoạt động nổi trội của dịch vụ trung gian thanh toán và công nghệ tài chính trong thời COVID-19 là điểm nhấn quan trọng hướng đến mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện của Nhà nước. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet Banking là gần 325,41 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 17.067,08 nghìn tỷ đồng, tăng 62,50% về số lượng và 32,03% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Mobile Banking cũng tăng chóng mặt lên tới gần 862,83 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 10.515,13 nghìn tỷ đồng, tăng 82,71% về số lượng và 115,11% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Do đặc thù của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và công nghệ tài chính, nên trong khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng đến các giao dịch thanh toán truyền thống, trực tiếp thì đối với lĩnh vực hoạt động này lại là lợi thế. Dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán trung gian đang trong giai đoạn phát triển, người dân đã bước đầu chấp nhận và sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến an toàn, đảm bảo của ví điện tử, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân có sự chuyển hướng từ ngoại tuyến (offline) sang không gian trực tuyến (online), cùng với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử và bối cảnh giãn cách xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Khách hàng có thể quét mã QRcode để mua sắm tại hàng chục nghìn điểm bán hàng trên toàn quốc.

Khách hàng có thể quét mã QRcode để thanh toán tại hàng chục nghìn điểm bán hàng trên toàn quốc.

Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trung gian thanh toán và Fintech

Song cũng giống như các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và công nghệ tài chính cũng có những trăn trở. Theo đó, hiện nay khung khổ pháp lý về dịch vụ trung gian thanh toán và Fintech còn thiếu và chưa đồng bộ do đó các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi triển khai thực hiện. Cụ thể:

Đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, ngoài văn bản hợp nhất quy định về hoạt động cung ứng ví điện tử thì hiện chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh chi tiết nội dung này; chưa có hành lang pháp lý tương ứng giúp cho các trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ cho một số mô hình đặc thù như các tổ chức từ thiện…có nhu cầu ngày càng gia tăng. Một số quy định pháp luật hiện hành về quản trị rủi ro, phòng chống rửa tiền đang được thiết kế chung cho hệ thống ngân hàng và yêu cầu mức độ tương đương áp dụng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong khi đối tượng, phạm vi hoạt động và cách thức tổ chức của ngân hàng và trung gian thanh toán có nhiều điểm khác biệt, nên hoạt động trung gian thanh toán còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với lĩnh vực Fintech, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox) còn đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến các Bộ, ngành. Tuy cơ chế thí điểm Sanbox là một cơ chế mới, phức tạp chưa từng có tiền lệ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nếu kéo dài thời gian sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến của ngân hàng.

Bên cạnh đó, có một số khó khăn mang yếu tố khách quan như: Lượng người dùng ví điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến ngày một gia tăng, song mức độ bao phủ còn thấp và tập trung phần lớn ở khu vực thành thị; hệ thống cơ sở hạ tầng, điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt tại vùng nông thôn còn ít. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo áp lực cạnh tranh ngày một cao. Bên cạnh đó, nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông; cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức trung gian thanh toán, Fintech… chưa rõ ràng, chưa thực sự mở.

 

Có thể thấy, lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng, đang từng bước phát triển mạnh mẽ. Để đạt được những kết quả khả quan như trong thời gian qua, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và công nghệ tài chính đều nhận thấy, đó là sự nỗ lực, thường xuyên kiểm tra rà soát, sửa đổi bổ sung qui trình nghiệp vụ, đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao của người dân. Đồng thời luôn chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động thanh toán. Sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp các tổ chức trung gian thanh toán có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm