Kinh tế số

Sếp Vinafco, Lazada, SLP "hiến kế" tăng tốc thị trường logistics

DNVN - Trong bối cảnh chuyển đổi số len lỏi vào mọi ngóc ngách của hoạt động logistics, để bắt kịp xu thế thị trường, các doanh nghiệp trong ngành này cho rằng cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp 3PL, 4PL làm mũi nhọn để kéo thị trường, có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành...

AGG đưa vào vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp / Ngày Thẻ Việt Nam lần 2: Trải nghiệm công nghệ thanh toán không tiền mặt

Cú hích từ đại dịch
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics" do báo Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 28/4, bàn về cơ hội cho ngành logistics sau đại dịch, bà Phan Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kargo 365 cho biết, xu hướng chuyển đổi số (CĐS) đã và đang diễn ra rất nhiều và ngành logistics cũng không thể đứng ngoài xu hướng này.
Trong một vài năm vừa qua và đặc biệt từ cú hích đại dịch COVID-19 cho thấy CĐS rất quan trọng, giúp các DN có thể ứng phó được với khủng hoảng, biến cố thị trường không mong muốn mang lại.
"CĐS là mặt trận trải rộng ở tất cả các lĩnh vực, bộ phận trong DN chứ không chỉ riêng ở một bộ phận nào cả. CĐS len lỏi vào tất cả các ngóc ngách của hoạt động logistics và vận tải từ quản lý kho bãi, quản lý đội xe cho đến công tác điều vận, hoạt động giao dịch với khách hàng, các nhà cung ứng. CĐS giúp nâng cao năng lực làm việc của con người", bà Bình nhấn mạnh.

Theo bà Bình (thứ 2 từ trái sang) từ cú hích đại dịch, CĐS đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của hoạt động logistics.
Trong bối cảnh cách ly xã hội do COVID-19, đội ngũ điều vận không thể làm việc trực tiếp tại DN trong khi tất cả hồ sơ sổ sách để trong máy tính cơ quan. Nếu DN không có hệ thống phần mềm hay truy xuất trên hệ thống Google Drive gây ra nhiều khó khăn, làm ngưng trệ hệ thống.
Hơn nữa, việc liên hệ với cả lái xe trước đây rất thủ công. Nếu như có hệ thống phần mềm hay kết nối nền tảng, kết nối tất cả các bộ phận trong DN với nhau thì chắc chắn công việc điều vận, hoạt động logistics không bị gián đoạn.
Theo bà Bình, CĐS sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác tối đa nguồn lực, mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí, tăng thêm năng lực ứng phó với các khủng hoảng, biến cố của thị trường.
Hơn nữa, CĐS giúp xóa đi khoảng cách giữa các bộ phận trong một DN vì khi áp dụng chuyển đổi số, DN đã tạo ra một nền tảng kết nối được tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. Từ đó nâng cao năng suất lao động của nhân viên, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Cần giải pháp công nghệ
Các xu thế của thị trường logistics mang đến nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trên con đường phát triển để có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đó là thách thức về tự do cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, nguồn nhân lực…
Theo bà Phạm Thị Lan Hương - Tổng Giám đốc Công ty Vinafco, để bắt kịp xu thế thị trường, đạt mục tiêu phát triển ngành logistics, Việt Nam cần phát triển thêm nhiều DN 3PL, 4PL (hậu cần bên thứ 3, thứ 4) làm mũi nhọn để kéo thị trường logistics lên.
Bà Hương kiến nghị, Việt Nam cần đầu tư, phát triển quy hoạch, có trung tâm đầu nối vận chuyển. Có cơ chế ưu đãi cho các đơn vị hoặc DN kỳ vọng sẽ có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành logistics; tăng cường sự liên kết giữa các DN trong ngành một cách lành mạnh.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Diệp - Giám đốc, Trưởng bộ phận Thương mại Công ty SLP Việt Nam đề xuất, Việt Nam cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào ngành logistics để nâng cao hiệu quả, tối ưu năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận hành cho DN. Ngoài ra, cần kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị phát triển và vận hành logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động như đơn vị sản xuất, kho vận, 3PL, vận chuyển. Khuyến khích đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam cũng là điều cần lưu tâm.
Đề cập đến thị trường thương mại điện tử, bà Ngô Thị Trúc Anh – Giám đốc Bộ phận Vận chuyển của Lazada Logistics Việt Nam cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm trở lại đây, tạo đà bứt phá cho ngành giao vận logistics. Tuy nhiên, các DN logistics cũng đang phải đối mặt với các thách thức lớn trong quy trình vận hành, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.
Với mục tiêu tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong logistics thương mại điện tử để tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng và nhà bán hàng, bà Anh cho rằng, kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững là năng lực cạnh tranh hiệu quả nhất.
Các đơn vị phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ logistics.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm