Kinh tế số

Thí điểm cung cấp Mobile Money: Mở đường để áp dụng cơ chế Sandbox cho các dịch vụ mới

DNVN - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Hiện các nhà mạng đều bước vào cuộc chạy đua để có thể chính thức thí điểm dịch vụ Mobile-Money sớm nhất.

Mobile Money: Lợi ích lớn, nhưng rủi ro cũng rất cao / Mobile Money thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện cho khách hàng và nhà mạng

Phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money nhằm mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo.

Ngoài việc tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm chi phí xã hội, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động… kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan chức năng xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Theo Quyết định 316 vừa ban hành, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được tham gia thí điểm.

Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến những khách hàng có Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Quyết định nêu rõ: “Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện”.

 việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân

Triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân. (Ảnh: Internet)

Các doanh nghiệp thí điểm phải ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile Money tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đồng thời, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho dịch vụ xuyên biên giới.

Hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng

Theo quy định, doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile Money từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoạt ví điện tử của khách hàng; Rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.

Thanh toán khi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money. Ngoài ra, các giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc ví điện tử do doanh nghiệp thí điểm cung cấp.

 

Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Nhiều hành vi bị cấm được nêu rõ khi triển khai thí điểm

Cụ thể như sau:

Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách đã nạp vào tài khoản Mobile Money.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm thực hiện hoạt động ngân hàng (cho vay, huy động vốn) hay các hành động cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile Money để giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hành vi gian lận.

 

Thuê, cho thuê, mượn cho mượn hoặc trao đổi, mua bán tài khoản Mobile Money và thông tin tài khoản Mobile Money. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm sử dụng nguồn tiền từ tài khoản Mobile Money của khách hàng cho các mục đích khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm đều là các hành vi bị cấm.

Người dùng có thể nạp, rút tiền vào tài khoản Mobile Money bằng các phương thức truyền thống như qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Ngoài ra, dịch vụ này còn cho phép người dùng nạp rút tiền trực tiếp tại các điểm giao dịch của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money. Số lượng điểm giao dịch khổng lồ của các nhà mạng (cũng là những đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money) sẽ giúp dịch vụ này phổ biến rộng khắp. Khi đó, việc nạp và rút tiền từ tài khoản Mobile Money cũng sẽ thuận tiện như cách người dân mua thẻ cào và nạp tiền vào tài khoản viễn thông.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia từ trước đó, việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân, nhất là người dân nông thôn. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, người dân đang dần thích ứng với việc giao dịch online, việc triển khai Mobile Money sẽ là hành động thích hợp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Ai có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money?

Mobile Money hay tiền điện tử trên thuê bao di động là dịch vụ cho phép khách hàng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

 

Theo đó, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam. Khác với các dịch vụ Ví điện tử đang cung cấp trên thị trường, dịch vụ Mobile Money không yêu cầu người sử dụng phải có tài khoản ngân hàng mà chỉ cần có số điện thoại di động.

Cần lưu ý rằng, không phải mọi chủ sở hữu thuê bao di động đều có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money. Theo đó, khách hàng phải có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.

Các số thuê bao di động cũng phải thỏa mãn điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện.

Hiện tại, 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, Vinaphone và Mobifone đều đã được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đây được xem là bước đi đầu tiên để các nhà mạng có thể tiến hành triển khai dịch vụ Mobile Money.

Mở đường để áp dụng Sandbox cho các dịch vụ mới

 

Việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ mở ra chính sách Sandbox cho hàng loạt dịch vụ và ngành nghề mới được cung cấp sớm trong xã hội số.

Cơ chế Sandbox là khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Đây được xem là môi trường để các công ty công nghệ triển khai thử nghiệm có giới hạn việc ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ xem để từ chối hoặc chấp nhận, thừa nhận cũng như có quy định pháp lý chính thức.

Việt Nam không phải các nước thuộc nhóm đầu chấp nhận một nền tảng mới do công nghệ tạo ra. Tuy nhiên, việc đi sau có thuận lợi lớn nhất là có thể học hỏi từ những người đi trước. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào thực hiện việc này tốt hơn là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động đã trên 100% từ nhiều năm nay. 99% giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Mobile Money là một ví dụ thuyết phục về việc nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông. Chúng ta kỳ vọng nhiều hơn nữa vào các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, nội dung số, của xác thực, dịch vụ IT, IoT...

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai Sandbox để thử nghiệm các công nghệ mới, dịch vụ mới. Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành có thể đề xuất thí điểm các sản phẩm dịch vụ mới thông qua Bộ TT&TT. Bộ có trách nhiệm đại diện các đơn vị đứng ra làm việc với các bộ, ngành có liên quan.

 

Đại diện Viettel Digital cho hay, khi Chính phủ cho phép Mobile Money để thành toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của nhà mạng rộng hơn các ngân hàng rất nhiều. Đây sẽ là điểm bùng phát cho việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Nói cách khác, Mobile Money là cơ hội để nhà mạng xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi số. Đây chính là cuộc cách mạng lớn để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Mobile Money và kỷ nguyên di động toàn cầu

Tại nhiều khu vực trên thế giới, mọi người không sống gần ngân hàng hay không có tài khoản ngân hàng. Chẳng hạn, tại Senegal, chỉ có 8% dân số có tài khoản ngân hàng, tỉ lệ này là 11% ở Uganda. Suốt thời gian dài, nó đồng nghĩa với họ bị bỏ lại bên ngoài hệ thống tài chính: không thể gửi tiền, tiết kiệm, mua hàng hóa hay vay mượn. Song kỷ nguyên di động đã thay đổi tất cả.

Cất cánh đầu tiên từ Kenya những năm đầu 2000, ngân hàng di động đã vượt qua hệ thống thanh toán của nhiều nước phát triển khác. Hơn một thập kỷ sau, nếu như tại Mỹ, không phải lúc nào cũng dễ dàng để trả tiền tạp hóa bằng điện thoại thì tại nhiều phần của châu Phi, Mobile Money đã vô cùng phổ biến. Tại Uganda, 43% người dân có tài khoản Mobile Money. Tại Kenya là 72%.

 

Hệ thống Mobile Money rất đơn giản, tương tự như các ứng dụng bạn vẫn dùng để chuyển tiền di động như Venmo, song Venmo yêu cầu tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, còn Mobile Money thì không. Để gửi hay rút tiền từ ứng dụng, hệ thống Mobile Money sử dụng các đại lý, những người có mặt tại các địa điểm trọng điểm trên toàn quốc – bao gồm cả vùng sâu vùng xa – với tiền mặt và một chiếc điện thoại. Bạn còn có thể dùng Mobile Money để giao dịch phi tiền mặt như mua hàng, trả tiền dịch vụ.

Các đại lý này có chức năng như một cây ATM: Bạn tới gặp họ, đưa tiền cho họ để gửi tiền vào tài khoản Mobile Money hoặc rút tiền. Họ là bước tiến khổng lồ tại những quốc gia mà đại bộ phận người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Hệ thống đơn giản được xây dựng dựa trên tin nhắn văn bản, không cần smartphone hay ứng dụng nhưng tạo ra sự khác biệt đáng kể cho các hộ nghèo.

Ứng dụng Mobile Money không cần tới ngân hàng song lại hoạt động như một ngân hàng và thẻ ghi nợ. Ai có tài khoản Mobile Money đều có thể sử dụng các dịch vụ tài chính như một người có tài khoản ngân hàng. Mobile Money bắt nguồn từ thế giới đang phát triển, nơi mọi người dùng dịch vụ nhắn tin trước khi smartphone được dùng rộng rãi.

Tuy nhiên tại một số nước, Mobile Money thất bại vì vấn đề con gà – quả trứng. Đại lý cần được nhân rộng thì dịch vụ mới hữu ích, song họ chỉ chấp nhận làm đại lý khi dịch vụ được phổ biến. Đó là lý do vì sao Mobile Money không thành công tại Niger, theo một báo cáo năm 2020. Vài nước khác lại đóng cửa hệ thống Mobile Money để bảo vệ các ngân hàng.

Mobile Money không phải giải pháp khắc phục đói nghèo trên toàn cầu song là công cụ vô cùng đơn giản nhưng có tác dụng đáng ngạc nhiên. Sau 10 năm phát triển, nó vẫn được sử dụng tại nhiều khu vực nghèo đói. Nó đặt ra nền tảng cho một thế giới mà ở đó, tất cả mọi người được tiết kiệm, gửi tiền, chuyển tiền từ điện thoại và tạo ra khác biệt.

 

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm