Chuyển đổi số

Thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có thêm các đối thủ mạnh từ EU

Theo các cam kết EVFTA, thị trường viễn thông sẽ được mở cửa cao hơn theo hướng gia tăng vốn đầu tư nước ngoài. Với nhóm dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, sau 5 năm nữa doanh nghiệp từ EU được phép đầu tư tới 100% vốn. Nhóm dịch vụ giá trị gia tăng có hạ tầng mạng các doanh nghiệp từ EU có thể góp vốn tới 65%.

Hội thảo về tác động của EVFTA với ngành tài chính và viễn thông do VCCI tổ chức tại Hà Nội.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. EVFTA được dự báo mang lại những cơ hội lớn về phát triển thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). EU là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, cũng là thị trường lớn nhất thế giới với dân số khoảng 513 triệu dân.

EVFTA: Mở cửa mạnh thị trường viễn thông

Tại Hội thảo EVFTA và ngành tài chính - viễn thông Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 23/10/2019, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết, dịch vụ viễn thông cũng như các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đều có cam kết quan trọng trong EVFTA.

Theo bà Thu Trang: “Thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có bước mở cửa rất mạnh sau 5 năm nữa”.

Với lĩnh vực viễn thông, EVFTA có cam kết mở cửa thị trường chia làm hai nhóm: Dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ gia tăng. Với hai nhóm dịch này cũng chia theo hai phương thức cung cấp là: Có hạ tầng mạng và không có hạ tầng mạng, từ nguyên tắc này đã chia thành 4 nhóm cam kết trong EVFTA.

Cụ thể, với các dịch vụ cung cấp qua biên giới cho khách hàng tại Việt Nam, nhóm dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất, các nhà cung cấp dịch vụ từ EU được cung cấp dịch vụ không hạn chế, nhưng phải thông qua thỏa thuận thương mại với một tổ chức được thành lập ở Việt Nam và cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế.

Với dịch vụ viễn thông vệ tinh, các nhà cung cấp dịch vụ từ EU phải thông qua thỏa thuận thương mại với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh quốc tế Việt Nam được cấp phép, trừ trường hợp dịch vụ viễn thông vệ tinh cung cấp qua biên giới cho các khách hàng đáp ứng yêu cầu như: Khách hàng kinh doanh ngoài biển, các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, các đài phát thanh và truyền hình, các văn phòng đại diện chính thức của các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự, các khu phát triển phần mềm và khu công nghệ cao, các công ty đa quốc gia. Và các đơn vị này đã được cấp phép sử dụng trạm vệ tinh mặt đất.

Đối với dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) và dịch vụ viễn thông cơ bản khác cam kết của Việt Nam cũng được chia theo hai phương thức. Với phương thức cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng EVFTA cho phép các doanh nghiệp EU được liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam trong đó vốn nước ngoài đến 70%. Nhưng sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, vốn nước ngoài được cấp phép mở hơn tới 75%. Với phương thức có hạ tầng mạng, Việt Nam cam kết doanh nghiệp EU được liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam, phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không vượt quá 49% vốn pháp định.

Đối với nhóm các dịch vụ giá trị gia tăng EVFTA có cam kết mở hơn. Ví dụ, dịch vụ truy nhập Internet, hay dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực doanh nghiệp có vốn nước ngoài từ EU được phép đầu tư tới 100% vốn. Với nhóm dịch vụ giá trị gia tăng có hạ tầng mạng, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp từ EU có thể góp vốn tới 65% vào các liên doanh ở Việt Nam.

Thị trường viễn thông sẽ có thêm đối thủ từ EU

Vậy EVFTA sẽ tác động thế nào tới ngành viễn thông của Việt Nam? Đánh giá về tác động của EVFTA cho ngành viễn thông Việt Nam, bà Thu Trang cho rằng, mức độ mở cửa thị trường Việt Nam cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong EVFTA gần như tương tự với mức mở cửa theo WTO trong giai đoạn 5 năm đầu kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Và EVFTA chỉ mở cửa lĩnh vực viễn thông cao hơn so với WTO sau 5 năm, theo hướng tăng hạn mức vốn nước ngoài trong liên doanh.

Do đó, trong giai đoạn đầu EVFTA hầu như không tạo tác động đáng kể nào về đầu tư nước ngoài trên thị trường viễn thông Việt Nam. Sau 5 năm nữa, thay đổi cũng chỉ đáng kể ở mảng dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, khi đó, Việt Nam cho phép doanh nghiệp EU được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Tuy vậy bà Trang cũng nhấn mạnh rằng, cho dù trước mắt doanh nghiệp viễn thông Việt Nam không có tác động trực tiếp nào đáng kể từ EVFTA nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế chung, khi Việt Nam còn có các cam kết mở cửa thị trường viễn thông trong các FTA khác thì ngành viễn thông đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: Áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài ngày càng lớn. Yêu cầu của khách hàng với dịch vụ viễn thông ngày càng cao, không đòi hỏi dừng lại ở mức giá và đòi hỏi ở mức độ phong phú và chất lượng dịch vụ. Cũng như việc ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ tài chính đặt ra thách thức trong bảo mật thông tin, quản trị và bảo vệ an toàn dữ liệu thông tin.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quý Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay thị phần chủ yếu thuộc về 3 ông lớn và toàn là doanh nghiệp nhà nước. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi tại sao một số công ty nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam nhưng không được nên phải rút tiền về, hoặc không phát triển đột phá được.

Điều đó cho thấy các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do rất quan trọng, nhưng dù các cam kết cho mở cửa đến đầu thì khi các doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta còn trải qua rất nhiều rào cản kỹ thuật nữa, ví dụ như các giấy phép để cung cấp dịch vụ trong nước, các chính sách về quản lý kho số, tần số. Thêm vào đó ngành viễn thông trong nước có nội lực rất tốt, nhu cầu sử dụng của người dân được doanh nghiệp trong nước đáp ứng khá ổn về dịch vụ và giá cả. Nên việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng không dễ dàng khi phải cạnh tranh mạnh với các doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo ông Quyền, EVFTA trong lĩnh vực viễn thông có một số cam kể mở hơn so với WTO. Ví dụ, WTO chỉ cho phép mở cửa đến 49% với các dịch vụ có hạ tầng, 65% với dịch vụ gia tăng. Nhưng với EVFTA sau 5 năm nữa, thị trường sẽ mở hoàn toàn với dịch vụ gia tăng không có hạ tầng mạng.

Song ông Quyền cũng nhấn mạnh, EVFTA hay các FTA đều có hai mảng cam kết, đầu tiên là mở cửa thị trường (mở cửa biên giới), nhưng những biện pháp, chính sách quản lý ở sau biên giới mới là quan trọng. Do đó, có thể nói, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho cả hai bên, doanh nghiệp Việt có cơ hội có thêm thị trường mấy trăm triệu dân ở EU, ngược lại các nước EU có thêm thị trường 90 triệu dân ở Việt Nam.

Song ông Quyền cũng lưu ý, mảng viễn thông khi mở cửa thị trường còn dễ chịu hơn mảng dịch vụ CNTT nhiều. Bởi vì hiện nay trong lĩnh vực CNTT, nội dung số các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cung cấp dịch vụ và thu rất nhiều tiền ở Việt Nam. Sắp tới khi 5G, IoT phát triển mạnh sẽ mở ra cơ hội nhưng cũng tạo thách thức khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sau 5 năm nữa.

“Chính phủ Việt Nam sẽ phải hoàn thiện các quy định trong nước theo cam kết EVFTA, các nguyên tắc cần được luật hóa. Bản thân các doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với nước ngoài cũng phải có môi trường pháp lý để đáp ứng, nếu không là bị kiện ngay. Bởi trong các vụ tranh chấp quốc tế Việt Nam thường thua nhiều hơn là thắng”, ông Quyền phát biểu.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo