Xã hội số

Truyền hình trả tiền gấp rút lên phương án thay thế khi bị dừng phát sóng 14 kênh truyền hình quốc tế từ 1/10

DNVN - Chuẩn bị cho việc dừng phát sóng 14 kênh truyền hình quốc tế từ 1/10/2021, các doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền đang nỗ lực có phương án thay thế, bổ sung nội dung mới để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của mình.

Facebook lên tiếng vụ khóa hàng loạt tài khoản người dùng do liên quan clip sex / Người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần trợ giúp hãy tải ngay ứng dụng Giúp tôi!

Theo tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, từ 1/10/2021 có 14 kênh truyền hình nước ngoài sẽ dừng phát sóng ở Việt Nam. Việc dừng phát sóng này không chỉ ở Việt Nam, mà diễn ra tại khu vực Đông Nam Á và Hong Kong.

Các kênh ngừng phát trong đợt này gồm 2 kênh của Buena Vista International là Disney Channel và Disney Junior và 12 kênh của Disney Networks Group Asia Pacific là Fox, Fox Movies, Fox Family Movies, Fox Action Movies, Fox Life, Fox Crime, Fox Sports, Fox Sports 2, Fox Sports 3, FX, Channel V và National Geographic People (Nat Geographic People). Đây là những kênh truyền hình quốc tế rất ăn khách ở thị trường Việt Nam và đang có mặt trên các hệ thống truyền hình trả tiền. Do đó, việc dừng 14 kênh truyền hình quốc tế sẽ là “cú sốc” với người xem truyền hình trả tiền. Vậy các đơn vị truyền hình đã sẵn sàng phương án thay thế các nội dung bị cắt sóng này như thế nào?

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam đại diện K+ cho biết, ngay khi nhận được thông báo chính thức vào tháng 6/2021 về việc chùm kênh Fox và Disney sẽ rút khỏi Việt Nam từ ngày 1/10/2021, trong đó có 6 kênh đang được truyền dẫn phát sóng trong các gói thuê bao K+ là Fox Movies (phim), Fox Life (giải trí tổng hợp), Fox Sports & Fox Sports 2 (thể thao), Disney & Disney Junior (thiếu nhi), K+ đã nỗ lực thực hiện những sự chuẩn bị tốt nhất trong khả năng của mình để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của mình. Theo đó, K+ đã bổ sung thêm một số kênh nước ngoài theo chủ đề chuyên biệt như PARAMOUNT NETWORK, KIX, HISTORY, BOOMERANG. Đồng thời K+ ra mắt thêm kênh mới mang thương hiệu của mình là K+KIDS (dự kiến trong tháng 10/2021)

Bên cạnh đó, K+ cũng tích cực tăng cường các nội dung thể thao, giải trí đa dạng đặc sắc khác để phát trên các kênh K+. Đồng thời tiến hành tái cơ cấu lại hệ thống kênh K+ thông qua việc thay đổi nhận diện và cá biệt hoá nội dung của từng kênh đem đến diện mạo mới, trải nghiệm mới hấp dẫn hơn, thú vị hơn cho khách hàng. Các kênh này được đổi thành K+ Sport1, K+ Sport2, K+Cine, K+Life.

Chia sẻ lý do mà các kênh quốc tế nói trên dừng phát sóng ở Việt Nam, đại diện K+ cũng cho hay, việc dừng phát sóng các kênh này ở Việt Nam hoàn toàn vì lý do khách quan. Nhà cung cấp kênh thay đổi chiến lược hoạt động kinh doanh và quyết định dừng phát sóng tất cả các kênh, trong đó có 6 kênh FOX Movies, FOX Life, Fox Sports, Fox Sports 2, Disney Channel, Disney Junior, trên toàn bộ lãnh thổ các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) từ ngày 1/10/2021. Vì vậy, các kênh này không còn được phát sóng trên các nền tảng truyền hình của K+ nói riêng cũng như tất cả những đơn vị truyền hình khác ở Việt Nam nói chung.

Truyền hình K+ đã chuẩn bị phương án thay thế các nội dung truyền hình quốc tế sẽ dừng phát sóng từ 1/10/2021.

Truyền hình K+ đã chuẩn bị phương án thay thế các nội dung truyền hình quốc tế sẽ dừng phát sóng từ 1/10/2021.

Truyền hình MyTV cũng thông báo bổ sung thêm 5 kênh truyền hình quốc tế mới để thay thế, bao gồm 2 kênh phim điện ảnh và truyền hình Hollywood (BOX HITS, HITS), 02 kênh thiếu nhi (ANIMAX, CBEEBIES) và 1 kênh ca nhạc (MUSICBOX). Bên cạnh đó, MyTV không ngừng cập nhật các nội dung giải trí đặc sắc mỗi ngày như kho phim Galaxy Cao cấp đặc sắc, các bộ phim phát song song với đài truyền hình nước ngoài.

Truyền hình số VTC Digital vừa thông báo sẽ thay thế kênh BIBI HD và kênh On Sport+ vào 2 vị trị kênh sắp hạ sóng. VTVcab cũng thông báo tới khách hàng về việc thay thế các kênh truyền hình khác vào vị trí bị hạ sóng từ 1/10/2021.

Còn nhớ, cách đây hơn 3 năm, vào ngày 1/4/2018, VTVcab đột ngột thay thế hàng chục kênh truyền hình quốc tế quen thuộc bằng một số kênh mới khiến thị trường truyền hình “dậy sóng”, không ít người còn dọa tẩy chay. Do đó, ở đợt dừng phát sóng các kênh truyền hình quốc tế trên tất cả các hệ thống truyền hình trả tiền lần này, chắc chắn các nhà cung cấp dịch vụ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt tâm lý cho người xem, cũng như các nội dung mới khác bổ sung, thay thế cho các nội dung sắp bị dừng.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2021, cả nước có 16,3 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, tổng doanh thu đạt 4.478 tỷ đồng.

 

Tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm: truyền hình cáp (Analog, Truyền hình số, IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, truyền hình di động (Mobile TV) và truyền hình qua mạng Internet. Cả nước có khoảng 35 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Ngoài việc phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để dành thị phần, thuê bao, truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang phải cạnh tranh với những dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền dịch vụ Internet mà Netflix là một đối thủ đánh gờm nhất. Bên cạnh Netflix, các ứng dụng xem truyền hình trả tiền qua website, ứng dụng Android/iOS, TV Internet… khác như: WeTV (Trung Quốc) iFlix (Malaysia). Cuộc chiến cạnh tranh dành thị phần, thuê bao, doanh thu… trên thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam thêm phần khó khăn.

Cuộc đua giảm giá suốt từ năm 2014 đến nay khiến doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền Việt Nam đang ở mức rất thấp. Cũng theo số liệu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, ARPU của khu vực ASEAN trung bình đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp, nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng, trong khi Việt Nam chỉ đạt hơn 18.333 đồng/thuê bao/tháng, tức là dưới 1 USD/thuê bao/tháng.

Đây là hệ quả của cuộc đua giảm giá thuê bao kéo dài từ năm 2014 đến nay của các nhà cung cấp như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+… nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp sử dụng chiến thuật bù chéo dịch vụ, xây dựng 1 gói cước tổng hợp gồm 2 - 3 dịch vụ, phổ biến là kết hợp gói cước Internet và truyền hình trả tiền, áp dụng chính sách dùng Internet được miễn phí truyền hình hoặc ngược lại.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm