Xã hội số

Từ 17h ngày 28/8, người dân Thủ Đức sẽ đi chợ qua ứng dụng Grab

DNVN - Dự kiến từ 17h chiều 28/8, người dân Thủ Đức sẽ đặt hàng trên nền tảng của Grab và lực lượng tình nguyện viên của phường giao đến tận nhà.

Những ứng dụng giúp người dân tìm trợ giúp khẩn cấp về lương thực, y tế / Vì sao hàng loạt tài khoản Facebook tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa vĩnh viễn?

Theo thông tin từ UBND TP Thủ Đức, người dân tại đây sẽ được đặt hàng các combo hàng thiết yếu theo nhu cầu tại siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú. Văn phòng HĐND UBND TP Thủ Đức cung cấp thông tin và số lượng tài khoản người dùng từng phường cho Công ty TNHH Grab và UBND các phường của TP Thủ Đức thực hiện việc giao hàng hoá đến từng hộ dân thông qua lực lượng tình nguyện viên.

Các lực lượng chức năng "đi chợ hộ" người dân TP Hồ Chí Minh

Các lực lượng chức năng "đi chợ hộ" người dân TP Hồ Chí Minh.

Đại diện Grab bày tỏ sự vui mừng khi đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab hỗ trợ lực lượng chức năng “đi chợ hộ” cho người dân tại các "vùng cam" và "vùng đỏ" đã nhận được sự ủng hộ của cơ quan chức năng. Đồng thời, xác nhận đang làm việc với chính quyền thành phố Thủ Đức để lên phương án phối hợp và vận hành hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân trong giai đoạn siết chặt giãn cách.

Trước đó, Grab đã kiến nghị Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh để cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện (quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn) mà shipper không được phép hoạt động. Người dùng sẽ vào mục GrabMart chọn mặt hàng tại các điểm bán gần khu vực sinh sống. Lực lượng đi chợ thay (các tổ công tác đặc biệt của phường/xã) cũng tạo lập một tài khoản trên ứng dụng. Khi có đơn hàng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo và đến điểm bán nhận hàng, giao cho người đặt theo đúng địa chỉ hiển thị trên ứng dụng. Thông qua ứng dụng Grab, mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.

Về khâu thanh toán, nếu người dân lựa trả bằng tiền mặt, cán bộ đi chợ thay có thể tạm ứng tiền và sẽ thu lại của người dân theo biên lai hiện trên ứng dụng khi giao hàng. Grab khuyến khích người dùng chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu tiếp xúc.

"Việc ứng dụng công nghệ để người dân đi chợ trên ứng dụng Grab thay cho phương án thủ công sẽ mang lại tác động tích cực, giúp duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hoá, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân", phía Grab nhận định.

 

Sáng 28/8, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng xác nhận việc một số địa phương đang bàn bạc với Grab để phối hợp cung ứng đặt hàng đi chợ hộ nhằm tận dụng sự phổ biến của nền tảng này. Sở Công Thương cũng khẳng định là Grab sẽ không phụ trách giao hàng.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, giải pháp tận dụng hạ tầng của các nền tảng vận chuyển, đi chợ online là hợp lý trong bối cảnh tổ chức đi chợ hộ đang quá tải ở một số nơi. Đội ngũ giao hàng (shipper) phối hợp có thể là lực lượng thanh niên xung phong, dân quân, tình nguyện viên... đã tiêm chủng đầy đủ và được các nền tảng hỗ trợ mở tài khoản shipper để đơn hàng được đặt sẽ thông báo về họ.

Theo Grab, với phương thức giao kết điện tử nêu trên, ít nhất 1,9 triệu người dùng sẽ được phục vụ an toàn, nhanh chóng. Mặt khác, các đơn vị cung ứng hàng hóa tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho người dân tại "vùng cam, vùng đỏ". Phương thức này sẽ giúp cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đảm bảo cung ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho một bộ phận đông đảo người dân. Các cơ quan chức năng có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý như số lượng hàng hoá, tần suất giao dịch, truy vết...

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm