Phân tích

Chuyên gia ủng hộ phương án bán giá điện theo bậc thang lũy tiến

(DNVN) - Tại Hội thảo "Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện" do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức sáng 22/9, nhiều chuyên gia cho ý kiến nên theo phương án tính biểu giá điện theo bậc thang lũy tiến.

Tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, đại diện cho Đơn vị tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam đã trình bày 3 phương án điều chỉnh biểu giá điện mới.

Theo đó, phương án thứ nhất là giữ nguyên biểu giá điện với 6 bậc thang như hiện tại (có nghĩa là càng dùng nhiều càng đắt); phương án 2 là áp dụng đồng giá 1.747 đồng/kWh và phương án 3 là rút gọn bậc thang còn 3-4 bậc với 5 kịch bản khác nhau.

ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, đại diện cho Đơn vị tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam đã trình bày 3 phương án điều chỉnh biểu giá điện mới. Ảnh: VĂN HUY.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, đại diện cho Đơn vị tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam trình bày 3 phương án điều chỉnh biểu giá điện mới. Ảnh: VĂN HUY.

Ông Thỏa đưa ra những ưu, nhược điểm của từng phương án. Cụ thể, phương án giữ nguyên 6 bậc như hiện hành sẽ khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là đối với điện là sản phẩm đặc biệt sử dụng tài nguyên làm nhiên liệu đầu vào do biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với sản lượng điện sử dụng càng cao sẽ ứng với mức giá điện càng cao hơn.

Ngoài ra, bên cạnh việc hỗ trợ tiền điện 30.000 đ/tháng từ ngân sách đối với hộ nghèo còn bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ từ ngân sách đối với hộ chính sách xã hội (không thuộc hộ nghèo) sử dụng không quá 50 kWh/tháng. Hộ chính sách xã hội sử dụng trên 50 kWh/tháng sẽ không được hỗ trợ.

Tuy nhiên, biểu giá điện tính theo phương án này cũng có một số hạn chế là gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, lượng điện sử dụng càng cao áp ở mức giá cao ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm. Do có nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số nếu không chú ý cẩn trọng dễ gây sai sót khi tính toán số lượng tiền điện thanh toán, tạo dư luận trong xã hội. 

Ở phương án thứ 2, áp dụng mức đồng giá sẽ dễ dàng áp dụng, minh bạch rõ ràng, việc áp giá điện, tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ. Đồng thời còn giảm chi phí đầu tư gắn mới công tơ trong trường hợp các hộ sử dụng điện trong cùng địa điểm tiến hành tách hộ để được sử dụng điện với giá thấp ở các bậc thang đầu tiên. Bên cạnh đó, thực hiện đồng 27 giá còn tạo điều kiện từng bước đi dần vào thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá điện và Nhà nước sẽ thực hiện chính sách xã hội bằng biện pháp trực tiếp khác.

Tuy nhiên, đi theo đồng giá, bước đầu có thể khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể. Áp lực tiết kiệm điện của phương án đồng giá không cao bằng giá bậc thang mặc dù người tiêu dùng cũng phải tự tính toán về tiền điện thanh toán.

 

Về phương án thứ 3, ông Thỏa cho biết, rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc sẽ khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn, sử dụng càng ít điện sẽ được thanh toán tiền điện ở các mức giá thấp hơn. Mặt khác còn góp phần thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với những người sử dụng ít điện và khả năng chi trả thấp.

Tuy nhiên, khi thực hiện cách này, việc ghi chỉ số tác động đến thanh toán tiền điện với số kWh ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán có tốc độ tăng cao hơn lượng điện sử dụng gây hiểu lầm là do ghi chỉ số sử dụng điện không chuẩn xác. Điều này tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Khi rút gọn còn 3 bậc thang hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn còn hiện hữu.

Theo ông Thỏa, sở dĩ việc phải cải tiến cơ cấu biểu giá điện là do biểu giá sinh hoạt 6 bậc thang như hiện tại đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, lượng điện sử dụng càng cao áp ở mức giá cao ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm. Do có nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số nếu không chú ý cẩn trọng dễ gây sai sót khi tính toán số lượng tiền điện thanh toán, tạo dư luận trong xã hội. 

Mặt khác, khi có sự thay đổi về giá bán điện, tháng có thay đổi phải thực hiện quy định nội suy lượng điện tính theo giá cũ nên cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận từ khách hàng sử dụng điện. Hơn nữa, biểu giá điện theo cấp điện áp vẫn có sự chưa thống nhất trong quản lý giữa quy định về cấp điện áp tính giá điện (4 cấp) và cấp điện áp danh định (3 cấp) trong lưới phân phối.

"Có quá nhiều đối tượng áp giá và mức giá gây khó khăn cho các đơn vị khi áp giá để ký kết Hợp đồng mua bán điện. Việc phân chia theo đối tượng ngành nghề cũng gây khó khăn cho công tác áp giá, khó thực hiện, dễ nảy sinh tiêu cực. Do vậy cần nghiên cứu cải tiến biểu giá bán buôn theo hướng gọn hơn", ông Thỏa nói.

 

Cuối cùng, ông Thỏa cho biết, giá điện không chỉ là giá một loại hàng hóa đặc biệt không nhìn thấy được mà giá điện còn thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là trong biểu giá sinh hoạt bậc thang. Do vậy, nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bậc thang phải cẩn trọng, cải tiến hợp lý sẽ thuận lợi khi áp dụng và nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của khách hàng sử dụng điện. 

"Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn đang nghiên cứu cả 3 phương án. Tuy nhiên, EVN sẽ thống nhất phải chọn phương án thoả mãn các yêu cầu khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, tạo điều kiện quản lý kiểm tra giám sát, ít nhược điểm nhất, làm tăng giá đến đối tượng bị tác động nhiều", ông Thỏa chia sẻ.

Sẽ tính biểu giá điện theo bậc thang lũy tiến?

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm riêng  về các phương án tính biểu giá điện mới. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia đều đồng ý phương án tính biểu giá điện theo bậc thang lũy tiến để khuyến khích người dùng tiết kiệm điện thay vì phương án áp dụng đồng giá...

Nêu ý kiến tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng ý về phương án thứ 3 là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc. Ông Thiên cũng lưu ý, nên điều chỉnh khoảng cách giữa các bậc, đặc biệt là hai bậc đầu nên giãn cách ra xa hơn, có thể cách nhau 100-150 kWh thì mức tiền phải trả sẽ giảm xuống, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.

 

 ông Đing Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VĂN HUY.
Ông Đing Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VĂN HUY.

Trái ngược với nhận định của ông Thiên, PSG. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả lại nghiêng về phương án tính giá điện theo biểu giá điện 6 bậc lũy tiến để khuyến khích người dân tiết kiệm. Ông cũng cho rằng, EVN nên điều chỉnh sao cho hệ số tầng bậc giảm bớt đi, nghĩa là giá từng bậc so với giá bình quân thấp hơn hiện hành.

Ông Long phân tích, mặt hàng điện sử dụng nguồn năng lượng không thể tái tạo được vì thế cần phải tiết kiệm. Bên cạnh đó, việc cung chưa đáp ứng được cầu và những vấn đề chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đang hướng tới người nghèo, thu nhập thấp. Vì thế, cần nghiên cứu theo phương án tính biểu giá theo bậc thang lũy tiến.

Về phương án tính đồng giá, ông Long cho rằng, hiện nay ở Việt Nam không thể thực hiện phương án này. Bởi, hiện nay cung chưa đáp ứng được cầu, hơn nữa phải tiết kiệm nguồn năng lượng mà trong khi đó tính theo phương án đồng giá chỉ phù hợp với thị trường điện cạnh tranh thực sự.

Đồng quan điểm với ông Long, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, nên tính theo phương án tính biểu giá điện theo lũy tiến bậc thang. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, việc giữ nguyên 6 bậc hay rút ngắn về bao nhiêu là phù hợp phải phụ thuộc vào nghiên cứu của các chuyên gia và người làm chính sách nhưng không nên rút ngắn quá ít các bậc thang. Việc điều chỉnh cần ổn định, có tính lâu dài, đỡ xáo trộn bởi khi có bất cứ điều chỉnh giá điện sẽ liên qua đến hàng loạt giá sản phẩm kéo theo.

Cũng theo ông Hùng, việc tính biểu giá điện theo lũy tiến bậc thang là phù hợp nhất. Bởi, người nghèo có mức biểu giá của người nghèo, người giàu có mức tính của người giàu. Nếu sử dụng phương án tính đồng giá sẽ thiệt cho đối tượng người nghèo mà đó lại vi phạm nguyên tắc trong Luật điện lực 2013.

 

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực cho biết, có thể giữ nguyên phương án tính giá điện theo bậc  thang lũy tiến nhưng đưa về 5 bậc. Theo đó, bậc 1 và 2 sẽ được gộp làm một và giữ nguyên 4 bậc sau. 

"Có thể gộp hai bậc thang 50 và 100 kWh đầu tiên thành một, ghép chung vào các hộ dùng từ 100 kWh trở xuống, các bậc tiếp theo cách nhau 100 số mỗi bậc. Theo tôi, 5 bậc là hợp lý, cách nhau lại là 100 số chẵn thì ngay các bà nội trợ khi trả tiền cũng dễ nhớ chứ không có gì phức tạp”, ông Long chia sẻ.

Trả lời về các ý kiến đóng góp trên, ông Đing Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, phần lớn ý kiến đều thống nhất cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến. Nhưng về phía EVN, chúng tôi chưa nghiêng về phương án nào. Để có được phương án tính biểu giá điện tối ưu nhất, Tập đoàn EVN sẽ tổ chức 3 buổi hội thảo khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến rộng rãi về Đề án quan trọng này sau đó mới tổng hợp các ý kiến báo cáo Bộ Công Thương trình Chính phủ đưa ra ý kiến chung nhất trong thời gian quy định. 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo