Chứng khoán

Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên giao dịch 18/10

SCR được đanh giá khá tích cực sau tái cơ cầu, NTP bị giảm dự báo lợi nhuận, trong khi PE dự phóng của PHR đang ở mức hợp lý.

Giảm dự báo lợi nhuận sau thuế của NTP

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Bước sang những tuần đầu của tháng 10, thông tin về KQKD quý III của các doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu được hé mở. Qua trao đổi với đại diện CTCP Nhưa Thiếu niên Tiền phong – NTP, chúng tôi được biết, cũng như các năm trước, việc tiêu thụ sản phẩm nhựa quý III không được thuận lợi.

Sang quý IV, sản lượng và doanh thu được kỳ vọng sẽ có cải thiện. Tuy nhiên, giá hạt nhựa PVC đang có chiều hướng tăng trở lại và chi phí bán hàng vẫn duy trì ở mức cao có thể sẽ ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhà máy NTP miền Trung dự kiến sẽ chưa có đóng góp đáng kể vào KQKD năm 2013.

Hoạt động kinh doanh trong quý III không thuận lợi. Mùa mưa ở miền Bắc khiến hoạt động xây dựng chậm lại và làm giảm sức mua của mặt hàng ống nhựa trong quý III. DT bán hàng quý III ước đạt khoảng 550 tỷ đồng, bằng 78% so với quý II và xấp xỉ với cùng kỳ 2012. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch năm. Trong quý III, giá hạt nhựa PVC tăng nhẹ và hiện dao động trong khoảng 1.020>1.050USD/tấn. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ so với hai quý trước. Cộng với tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu được duy trì ở mức cao (khoảng 15,5%) nên LNST có thể chỉ xấp xỉ với cùng kỳ, ở mức khoảng 61 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng, LNST đạt khoảng 226 tỷ đồng.

Nhà máy miền Trung chưa có đóng góp lớn vào KQKD năm 2013 nhưng được kỳ vọng tích cực trong các năm tới.

Nhà máy NTP miền Trung công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm vừa được khánh thành tại KCN Nam Cấm, Nghê An tháng 9 vừa qua.

Theo chính sách của tỉnh Nghệ An, NTP miền Trung được miễn thuế TNDN trong vòng 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Do đó, chỉ sang năm 2014, NTP mới đẩy mạnh sản xuất để cho phép nhà máy miền Trung ghi nhận lợi nhuận. Theo đó, nhà máy hiện chỉ mới vận hành hơn 20% công suất thiết kế.

Với nguồn khách hàng hiện tại ở khu vực miền Trung, NTP đặt kế hoạch doanh thu đối với nhà máy mới trong năm 2014 là 311 tỷ đồng, từ năm 2016 trở đi là 500 tỷ đồng.

KQKD năm 2013 có thể chỉ tăng trưởng nhẹ. KQKD quý III chỉ xấp xỉ cùng kỳ 2012 cho thấy ảnh hưởng của hoạt động xây dựng suy giảm đến sản lượng tiêu thụ của NTP vẫn còn khá lớn. Cộng với việc Công ty không tăng giá bán và nhà máy miền Trung chỉ đóng góp khiêm tốn nên tăng trưởng doanh thu trong quý IV và cả năm nay có thể sẽ không cao như ước tính ban đầu của chúng tôi. Theo đó, doanh thu thuần quý IV có thể đạt khoảng 705 tỷ đồng, cả năm 2013 đạt 2.513 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 6,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, giá bột nhựa PVC đang có dấu hiệu tăng trở lại có thể khiến tỷ suất lợi nhuận gộp tiếp tục thu hẹp còn khoảng 35% trong quý IV và trung bình NTP khoảng 36% trong năm 2013.

Với các yếu tố trên, chúng tôi điều chỉnh dự phóng đối với lợi nhuận sau thuế năm 2013 của NTP xuống còn 303 tỷ đồng, tương đương đương với EPS khoảng 6.994 đồng. Với mức giá ngày 16/10/2013 là 6.994 đồng/cp, NTP đang giao dịch với P/E forward là 8,6 lần.

PE dự phóng 2013 của PHR hiện đã ở mức hợp lý

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) công bố ngày 31/10 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2013 với tỷ lệ 1.500 đồng/cp (lợi tức gần 4,9%). Thời gian thanh toán vào ngày 26/11/2013. Trước đó PHR cũng thanh toán cổ tức 1.500 đồng/cp vào ngày 10/4/2013. Như vậy, tổng cổ tức bằng tiền PHR đã thanh toán trong năm 2013 là 3.000 đồng/cp, tương ứng với lợi tức cổ tức khoảng 10%.

Trong thời gian tới, PHR cho biết sẽ duy trì cổ tức tiền mặt hàng năm ở mức 3.000 đồng/cp (khoảng 210 tỷ đồng/năm), tương ứng với lợi tức cổ tức hấp dẫn khoảng 10%. Với mức cổ tức này thì tỷ lệ cổ tức/LNST của PHR là khoảng 51-65%.

Chúng tôi ước tính với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ròng (sau khi đầu tư tài sản cố định) hàng năm khoảng 200 tỷ đồng và khoản tiền mặt của PHR khoảng 445 tỷ đồng thì công ty hoàn toàn có thể duy trì sự bền vững của mức cổ tức này trong một vài năm tới.

Trước đó, PHR đã công bố doanh quý III/2013 của công ty mẹ giảm 20% n/n đạt 481 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng tiêu thụ quý III/2013 tăng nhẹ gần 4% n/n đạt 9.750 tấn nhưng giá bán bình quân (ASP) giảm mạnh 16% n/n đạt 50,2 triệu đồng/tấn đã làm doanh thu sụt giảm mạnh. Chúng tôi cũng dự đoán doanh thu khác trong quý III của PHR cũng sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, lợi nhuận gộp biên của PHR trong quý III có thể sụt giảm so với cùng kỳ do ASP giảm mạnh. Vì vậy, LNTT của PHR (công ty mẹ) trong quý III/2013 sụt giảm khoảng 21% so với cùng kỳ, đạt khoảng 86 tỷ đồng.

Trong 9 tháng 2013, doanh thu (công ty mẹ) của PHR giảm 22,4% so với cùng kỳ, đạt 1.126 tỷ đồng, do sản lượng tiêu thụ giảm 6% đạt 20.262 tấn và ASP giảm 17% đạt 55,6 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, LNTT 9 tháng đầu năm của PHR lại giảm đến 43% so với cùng kỳ, đạt 256 tỷ đồng. Chúng tôi dự đoán điều này là do lợi nhuận gộp biên 9 tháng giảm mạnh so với 9 tháng đầu năm của năm 2013 do ASP sụt giảm.

Đồng thời PHR cũng công bố kế hoạch xin ý kiến cổ đông điều chỉnh mục tiêu doanh thu và LN cho năm 2013. Theo đó, LNTT cả năm 2013 được điều chỉnh giảm từ khoảng 504 tỷ đồng xuống còn khoảng 350-360 tỷ đồng.

Ngoài ra, ASP cũng được điều chỉnh giảm từ 62 triệu đồng/tấn xuống còn 51 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kế hoạch ASP 51 triệu đồng/tấn là chưa hợp lý. Trong 9T13, PHR đã bán được 20.262 tấn với ASP đạt 55,6 triệu đồng/tấn. Sản lượng tiêu thụ dự kiến trong quý 4 là 9.800 tấn với ASP 47 triệu đồng/tấn. Vì vậy, ASP thấp nhất cả năm nay phải đạt khoảng 52,8 triệu đồng/tấn, cao hơn nhiều so với kế hoạch của công ty.

Vì vậy, chúng tôi điều chỉnh dự báo trước đó. Theo đó, sản lượng tiêu thụ điều chỉnh tăng thêm 2.000 tấn lên 28.000 tấn (-8,9% n/n) và ASP điều chỉnh giảm 1 triệu đồng/tấn xuống còn 52 triệu đồng/tấn (-20% n/n). Do đó, doanh thu 2013 dự báo đạt 1.606 tỷ (-27% n/n).

Lợi nhuận gộp biên cũng được dự báo giảm từ 29,4% trong năm 2012 xuống còn khoảng 24,6% trong năm 2013 do ASP sụt giảm. Doanh thu khác cũng được dự báo giảm 59% n/n do diện tích thanh lý vườn cây cao su và giá thanh lý dự kiến giảm mạnh trong năm nay.

Vì vậy, LNST 2013 của PHR được dự phóng giảm 48% n/n đạt 310 tỷ đồng (tăng nhẹ 2,6% so với dự báo trước đây). Do đó, PE dự phóng 2013 của PHR hiện tại đã hợp lý ở mức là 7,1 lần.

SCR: Hiệu quả hoạt động sau tái cơ cấu

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Dự báo kết quả hợp nhất SCR trong quý III/2013 sẽ không lỗ. Theo mô hình dự báo của BVSC, SCR sẽ ghi nhận 217 tỷ đồng doanh thu thuần và khoảng 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu chủ yếu ghi nhận từ Dự án Belleza và tiếp tục một phần trong lượng cổ phiếu chuyển nhượng Celadon.

BVSC điều chỉnh dự báo cho cả năm 2013 của SCR, do doanh nghiệp có khả năng sẽ ghi nhận 50% Dự án Carillon mà trước đây dự định bắt đầu ghi nhận từ năm 2014. Theo đó, doanh thu thuần cả năm đạt 1.107 tỷ đồng (đạt 96% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế còn lỗ khoảng 31 tỷ đồng.

1. Các nguồn chính tạo doanh thu, lợi nhuận 2013:

-Belleza (quận 7): Cả năm ghi nhận khoảng 794 tỷ đồng. Hai quý đầu năm đã ghi 365,5 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của dự án thấp, khoảng 10-12% do bị lãi vay vốn hóa nhiều.

- Carrilon (quận Tân Bình): Dự kiến ghi nhận toàn dự án khoảng 619 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, dự án bắt đầu giao nhà vào tháng 11/2013, do đó kiểm toán yêu cầu phải ghi phần phần đã giao trong quý IV/2013, dự tính khoảng 300 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thấp, khoảng 10% do thời gian phát triển dài, bị lãi vay vốn hóa nhiều.

- Chuyển nhượng cổ phiếu tại Celadon City: Lợi nhuận chuyển nhượng vào khoảng 182 tỷ. quý II/2013 đã ghi nhận 88,4 tỷ đồng. Phần còn lại ghi trong 2 quý sau.

2. Nợ vay: Nhờ nguồn tiền bán cổ phần Celadon, SCR giảm được khoảng 300 tỷ đồng nợ ngắn hạn trong quý III/2013 nhờ đó kéo giảm chi phí lãi vay.

Nhận đinh: Các dự án lớn đang được hạch toán trong năm nay như Belleza và Carrilon có biên lợi nhuận trước thuế ở mức thấp, cùng với lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phần tại Celadon City sẽ khó giúp kết quả hợp nhất của SCR không lỗ trong năm nay, mặc dù đây là mục tiêu của công ty.

Điều tích cực là, dòng tiền thu về từ các dự án này đang giúp SCR trả bớt nợ vay ngắn hạn từ đó giảm bớt rủi ro thanh khoản.

SCR đang trong giai đoạn tái cơ cấu lại các công ty con và liên kết, theo hướng giải thể bớt những công ty hoạt động thiếu hiệu quả gây lỗ cho kết quả hợp nhất.

Giai đoạn này có lẽ sẽ kéo dài khoảng 1-2 năm nữa và do vậy SCR vẫn sẽ tiếp tục chịu gánh nặng chi phí tài chính.

Dựa trên giá trị quỹ đất của SCR cũng như kỳ vọng về hiệu quả hoạt động sau quá trình tái cơ cấu của công ty, chúng tôi vẫn giữ đánh giá tích cực (OUTPERFORM) về cổ phiếu SCR.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo