Phân tích

Công khai thông tin đất đai ở các cấp: “Hòn đất mà biết nói năng”...

Đã có thời gian dài, thị trường BĐS lên cơn “sốt nóng”, giá cả lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Người ta có thể làm giàu từ những thông tin kiểu “rỉ tai nhau”, rằng “chỗ này đã được quy hoạch”… và tiếp theo đó là cuộc chạy đua tìm các suất “ngoại giao” hay “ưu đãi”.

Thông tin về đất đai được minh bạch thì mới hạn chế được tham nhũng trong lĩnh vực

Nghiên cứu Công khai Thông tin Đất đai của Ngân hàng thế giới (WB) dựa trên khảo sát tại 63 tỉnh, 126 huyện và 321 xã được chọn mẫu cũng như trên trang web của tất cả các địa phương vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014, kết luận:  việc công khai thông tin đất đai đã từng bước được cải thiện so với năm 2010 song vẫn chưa đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật...

 
Nặng tính xin - cho
 
Nghiên cứu chỉ ra rằng: Khi các thành viên nhóm nghiên cứu đến tìm hiểu thông tin tại các địa phương, cán bộ phụ trách từ chối cung cấp, yêu cầu phải được lãnh đạo đồng ý, nêu lý do thông tin là “mật” hay đòi giấy giới thiệu. Ở cấp xã, cán bộ phụ trách thường không có mặt ở cơ quan trong giờ làm việc hoặc trả lời họ không có các thông tin được yêu cầu cung cấp. Chỉ 50% điểm khảo sát cung cấp thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Mức độ thu thập thông tin quy hoạch đô thị còn thấp hơn nhiều, cứ khoảng 8 xã mới có 1 xã cung cấp.
 
Đáng chú ý, trong bảng khảo sát mức độ tiếp cận thông tin đất đai bắt buộc phải công khai tại trụ sở, cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều có điểm rất thấp. TP HCM dưới  50 điểm và Hà Nội là 25 điểm, xếp gần đội sổ (tính theo thang điểm 100). “Điều đáng buồn là các đợt kiểm tra thực tế xác nhận rằng văn hóa xin - cho vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc công khai thông tin, các nghiên cứu viên vẫn thường xuyên được chỉ dẫn phải xin phê duyệt của lãnh đạo địa phương để được xem các tài liệu cần thiết” - báo cáo chỉ rõ.
 
Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam: Yêu cầu về thông tin trong luật hiện hành rất khiêm tốn song vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Chỉ cần làm một số việc để người dân có thể đọc được thông tin họ có quyền đọc, chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Do đó, cần bảo đảm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống, công dân cũng nhận thức được quyền của mình và yêu cầu thông tin, tạo áp lực với các cơ quan nhà nước để cải thiện tình trạng.
 
Nguồn gốc của tham nhũng
 
Trước đó, theo kết quả điều tra xã hội học năm 2012 về “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức” do WB và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện thì quản lý đất đai là một trong những ngành tham nhũng nhất. Gần 60% ý kiến chọn lĩnh vực quản lý đất đai xếp ở vị trí thứ hai trong ba ngành tham nhũng nhất. Và các số liệu thống kê cũng cho thấy trên 70% khiếu nại trên cả nước liên quan đến lĩnh vực đất đai. Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nói: “Cái gì không quy định là mật thì người dân có quyền được biết. Như vậy mới là một xã hội mở, được lòng dân”. Theo ông Võ, tham nhũng chỉ xảy ra lúc tranh tối tranh sáng. Vì vậy, “một khi thông tin về đất đai được minh bạch thì mới hạn chế được tham nhũng trong lĩnh vực này” - ông Võ nói.
 
Đồng tình, bà Trần Thị Lan Hương - chuyên gia quản trị nhà nước của WB, thành viên nhóm nghiên cứu công khai thông tin đất đai đề xuất VN cần có Luật công bố thông tin về đất đai. Theo đó, luật phải quy định những thông tin ngoại lệ, còn tất cả thông tin khác phải công khai cho người dân. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng trong năm 2015, Bộ TN-MT sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định về cung cấp thông tin về đất đai.
 
Trong văn bản này, Nhà nước sẽ quy định rõ thông tin nào muốn được cung cấp thì người dân phải trả tiền và thông tin nào được cung cấp miễn phí, thông tin nào không được cung cấp, hình thức cung cấp, trách nhiệm của cơ quan các cấp như thế nào... Ông Hiển cũng nhấn mạnh rằng: Cơ quan quản lý phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin một cách thuận lợi nhất. Phải có nhiều hình thức để người dân có thể tiếp cận được thông tin chứ không phải nơi nào cũng có máy tính có nối Internet để tra cứu.
 
“Chúng tôi hi vọng những khuyến nghị thiết thực của Báo cáo sẽ giúp các cơ quan trung ương và địa phương cải thiện tình hình tiếp cận thông tin của người dân trong quản lý đất đai”- ông Jim Carpy, Trưởng đại diện văn phòng Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ.
 
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, hầu hết các nước đều rất quan tâm đến thị trường BĐS. Bởi đây là một thị trường lớn, đóng góp một phần đáng kể cho thu nhập quốc dân. Do đó, các cơ quan ban ngành, DN cần phải thúc đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch hơn. Có như thế thị trường BĐS Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, bắt kịp với sự phát triển của khu vực và thế giới.
Theo DDDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo