Khoa học - Công nghệ

Cần một khung pháp lý ổn định và lâu dài để phát triển năng lượng tái tạo

DNVN - Đầu tư cho năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng đòi hỏi chi phí đầu tư trả trước lớn, do vậy rất cần áp dụng và duy trì một khuôn khổ pháp lý ổn định và mang tính dài hạn.

Việt Nam có tiềm năng cao phát triển năng lượng tái tạo / Nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Ngày 30/11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021”, diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Diễn đàn là hoạt động góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời triển khai các cam kết quốc tế về phát triển năng lượng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời tiếp tục triển khai, hưởng ứng thực hiện tốt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việt Nam đang hiện thực hóa cam kết quốc tế về phát triển năng lượng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điện tái tạo sẽ phát triển nhanh chóng
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam – Nhật Bản khẳng định, điện tái tạo sẽ phát triển nhanh chóng bởi sự chuyển dịch năng lượng từ một hệ thống bị chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỷ trọng ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu.
Hiện nhu cầu năng lượng của thế giới tiếp tục gia tăng do tăng dân số, phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Phát thải CO2 tiếp tục tăng mặc dù có sự giảm về cường độ tiêu thụ năng lượng. Một số công nghệ năng lượng sạch đã được nhận dạng, phân tích và đề xuất phát triển trong giai đoạn 2021-2030 góp phần giảm phát thải CO2 trong sản xuất và sử dụng năng lượng.
“Điện tái tạo sẽ phát triển nhanh chóng, tuy nhiên khí thiên nhiên, than và pin lưu trữ vẫn sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu phụ tải và đảm bảo độ tin cậy của lưới điện tùy thuộc vào điều kiện nguồn cụ thể của từng quốc gia”, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương nói.
Cấp bách nâng cấp mạng lưới đường truyền tải điện
Chia sẻ thông tin về tình hình phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại BCG Energy, đại diện của BCG Energy cho biết: BCG Energy nói riêng và ngành năng lượng tái tạo nói chung sẽ đối mặt với một số khó khăn và thách thức.
Đó là cơ chế giá điện mới cho điện gió và điện mặt trời sau thời điểm ngày 30/10/2021 hiện tại chưa được ban hành. Cơ chế giá điện ưu đãi (FiT) sẽ được bãi bỏ và thay bằng cơ chế giá mới (có thể là cơ chế đấu thầu và/hoặc thỏa thuậntrực tiếp với EVN).
Sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hướng nhiều đến mọi mặt cuộc sống, làm gián đoạn các chuỗi sản xuất, dẫn đến nhu cầu phụ tải giảm. Việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt do COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án điện gió.
Cùng với đó là năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng đòi hỏi chi phí đầu tư trả trước lớn, do vậy rất cần áp dụng và duy trì một khuôn khổ pháp lý ổn định và mang tính dài hạn (khắc phục các hạn chế của Quyết định 11, 13 và Quyết định 39 về điện gió) để năng lượng gió có thể tiếp tục phát triển.
Phát triển năng lượng bền vững cần ủy ban độc lập mới giám sát lập ngân sách cacbon.

“Theo số liệu của dự thảo lần 3 của Quy hoạch điện VIII, tính tới ngày 30/10/2021, tổng công suất lắp đặt các dự án điện mặt trời và điện gió dự kiến chiếm khoảng 27% - 30% tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam. Đây là tỷ trọng tương đối cao, có thể dẫn đến một số vấn đề bất cập về mặt kỹ thuật, ảnh hưởng đến công tác khai thác, vận hành và an toàn hệ thống lưới điện quốc gia. Do vậy, việc nâng cấp mạng lưới đường truyền tải điện là việc cấp bách cần được sớm triển khai và hoàn thiện”, đại diện cho BCG Energy đề xuất.
Cần ủy ban độc lập mới giám sát việc lập ngân sách cacbon
Bà TitaThy Nguyen, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC) tại Việt Nam nhấn mạnh về sự chuyển đổi lớn trên thế giới khi các nhà lãnh đạo năng lượng và các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay.
Bởi vậy, để hướng tới sự phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, phải có sự hợp tác của Chính phủ và các đối tác tư nhân, các tổ chức tài chính và ngành năng lượng để cùng nhau tạo ra một môi trường chính sách khuyến khích đầu tư, giảm thiểu rủi ro trong một thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh và phức tạp ngày càng tăng.
Theo bà TitaThy Nguyen, một số nghiên cứu độc lập đã chỉ ra rằng điện tái tạo của Việt Nam là một lợi thế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm lượng khí thải thông qua điện khí hóa phương tiện giao thông và quá trình nhiệt. Điều này giúp Việt Nam có vị trí tốt để chuyển đổi sang một tương lai các-bon thấp.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm