Khoa học - Công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

DNVN – Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp của Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Do đó cần đẩy mạnh cơ cấu theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển nông nghiệp bền vững / TP.HCM: Đến năm 2030, 80% doanh nghiệp nông nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang khẳng định được vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế toàn cầu với chỉ số tăng trưởng đều đặn là 2%/ năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng 3,82% tổng giá trị GDP toàn ngành.

Trong bối cảnh đó, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Công Tạc, khoa học và công nghệ đã thực sự là một trong những giải pháp quan trọng, tạo ra những chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán "cực đoan" về biến đổi khí hậu... phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp của Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Theo báo cáo, hiện Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này cao gấp 3-5 lần, thậm chí gấp 10 lần.

Cần nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” diễn ra mới đây, PGS.TS Vũ Quang Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng cần đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế càng sâu rộng cần đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển liên kết trong sản xuất nông nghiệp với các loại hình liên kết đa dạng, phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ cho nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, câu chuyện chuyển đổi số nếu nhìn rộng dài, không chỉ là câu chuyện tận dụng hay ứng dụng công nghệ để làm tăng trưởng, mà là để giúp cho hàng chục triệu hộ nông dân khi tiếp cận được công nghệ số thì tri thức mở ra cho người nông dân. Đó mới là giá trị.

Trên thực tế, việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số thách thức như: cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng.

Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Đây không chỉ là một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

Do đó, để ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, khẳng định được giá trị thương hiệu, sản phẩm cần tăng cường nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt chuyển giao công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái...

Bên cạnh đó, ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cần tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, chú trọng thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm