Tin tức - Sự kiện

Công ty mua bán nợ quốc gia: Không đơn giản

Xung quanh việc ra đời của Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) với mục đích xử lý nợ xấu; chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính (người thành lập Ngân hàng First Vietnamese-American Bank ngân hàng người Việt đầu tiên tại Mỹ)
VAMC sẽ mua lại nợ xấu bằng 100% giá trị sổ sách, dưới dạng trái phiếu. Các ngân hàng bán nợ mỗi năm sẽ phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu. Điều đáng nói là,  nhiều giá trị tài sản đảm bảo nợ đã "bốc hơi” rất nhiều so với thời điểm vay vốn, giá trị bất động sản giảm mạnh ...  Như vậy với cách mua bán của VAMC, NHTM sẽ được lợi lớn, thưa ông?
 
Theo thông lệ quốc tế, việc mua bán nợ xấu thông thường là theo chiết khấu. Ví dụ như nợ nhóm 5 thì NHTM chịu thiệt 90%, công ty mua bán nợ chỉ mua lại với 10% danh nghĩa.
 
Còn tại Việt Nam, VAMC sẽ mua lại 100% giá trị. Hàng năm NHTM trích 20% trên số trái phiếu mà VAMC đưa lại cho họ, khoản trích lập dự phòng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 
 
VAMC cũng sẽ không mua đứt bán đoạn hẳn khoản nợ xấu đó. Mà sau 5 năm trả lại cho các NHTM. Giai đoạn sau 5 năm các NHTM phải trao lại trái phiếu cho VAMC.
 
Như vậy, các NHTM sẽ được lợi. Với những món nợ đáng lẽ mất rồi thì giờ được giãn tiếp 5 năm. Với những món nợ mà giá trị thực tế giảm đi giờ được mua nguyên và chỉ trích 20% càng lại hơn. 
 
Kỳ vọng VAMC ra đời sẽ giảm được 50% nợ xấu trong hệ thống, và hiện nay theo công bố của NHNN tỷ lệ nợ xấu 6%. Có quá khó cho VAMC hay không, khi nhiều chuyên gia đánh giá, nợ xấu 6% này chính là phần xương xẩu, khó xử lý. Thậm chí phần thực và ảo con số nợ xấu tại VN chẳng biết sáng tối như thế nào?
 
 - Theo tôi, nợ xấu của Việt Nam không dừng ở 6% mà nó nằm trong quãng con số từ 6% đến 20%.
 
Trong trường hơp tốt nhất là 6%, với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỷ đồng. Tức là nợ xấu khoảng 162.000 tỷ đồng. Như vậy VACM phải giải quyết được 90.000 tỷ đồng nợ xấu.
 
Và ở trường hợp xấu nhất, nợ xấu toàn ngành lên tới 20%, thì con số nợ xấu tuyệt đối là 540.000 tỷ đồng. Việc giải quyết ở đâu đó do tái cơ cấu khoảng 120.000 tỷ đồng. Phần còn lại khoảng 400.000 tỷ là trách nhiệm của VAMC.
 
Nói chung là nhiệm vụ của VAMC rất nặng, nhất là trong bối cảnh thực tế nợ xấu chưa thật rõ.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu ngay cả với công cụ VAMC  thì cái khó nhất là phải vượt qua được vấn đề lợi ích nhóm, cũng như việc thay đổi tư duy lợi ích nhóm?
 
VAMC là bước tiến quan trọng, bước khởi đầu quan trọng trong xử lý nợ xấu. Hiện tại việc xử lý nợ xấu chỉ dừng lại trong từng ngân hàng. Do vậy VAMC ra đời nâng tầm cách thức xử lý nợ xấu.
 
Với VAMC cần  phải có đội ngũ quản lý, đội ngũ chuyên viên, chuyên gia thông thạo. Nó cần bổ trợ các công ty tư vấn, về luật, tư vấn về tài chính. Từ đó để loại trừ các yếu tố lợi ích nhóm.
 
Đặc điểm nữa quan trọng hơn là VAMC cần phải có sự độc lập, nó phải được trao quyền xử lý tài sản đặc biệt, được hưởng quyền lực và quyền lợi về mặt pháp lý, tài chính, thuế độc lập.
Trước khi VAMC ra đời, cộng đồng tài chính bất bình với cơ chế hoạt động của SCIC (Công ty Quản lý tài sản quốc gia) khi SCIC gửi ngàn tỷ ở ngân hàng lấy lãi. Khi chính thức hoạt động, sau khi mua lại nợ trên sổ sách,  VAMC cũng "sở hữu” một núi tài sản... 
 
Loại tài sản mà SCIC được sở hữu là tài sản có hình, nhìn thấy lợi ngay.
 
Còn loại tài sản mà VAMC có được sau khi mua là tài sản bất lợi. Nhưng loại tài sản này cũng dễ bị lợi dụng, dễ bị chi phối hơn rất nhiều. Những tài sản xấu thường xuyên liên quan đến nhóm lợi ích. Trước đây bản thân các ông chủ ngân hàng gây ra nợ xấu, được VAMC mua lại, rồi một lúc khi giải quyết xong lại về ngược tay các ông chủ này. Như vậy thì các "nhóm lợi ích” đã được hưởng lợi đến hai lần. Nếu không quản lý nghiêm, không minh bạch thì các nhóm lợi ích này lại dùng công cụ là đòn bẩy tài chính và kẽ hở luật pháp để tiếp tục trục lợi. Tức là gây ra nợ xấu vòng 2 nguy hiểm hơn nhiều.
 
Vâng, trân trọng cảm ơn ông!
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo