Doanh nhân

Cùng là hoạt động thiện nguyện, nhưng cách làm của Bill Gates và Mark Zuckerberg khác nhau như thế nào?

Liệu các công ty vì lợi nhuận được lập ra với mục đích thiện nguyện có thực sự làm được những gì dư luận kỳ vọng?

Có hai thứ mà các tỷ phú công nghệ luôn rất thích làm: kiếm tiền và cứu giúp thế giới.

Thế nhưng đối với các ông lớn này thì có vẻ như làm việc đầu tiên lại thường dễ hơn việc thứ hai, rất ít công ty có thể xoay sở tốt cả hai. Thường thì các cá nhân giàu có sẽ tách riêng hai mục tiêu này ra bằng cách kiếm tiền từ công ty chính của mình và thành lập một quỹ hoạt động thiện nguyện/tổ chức phi lợi nhuận cho mục tiêu thứ hai.

Lấy ví dụ như Bill Gates của Microsoft với quỹ Gates Foundation. Microsoft hẳn là một công ty tạo ra cách mạng và biến Gates thành một người vô cùng giàu có. Thế nhưng ông sớm nhận ra công ty này không phải là phương tiện tốt nhất giúp ông thực hiện mục tiêu cứu tế thế giới nên đã cùng vợ lập ra quỹ Bill and Melinda Gates Foundation. Những gì ông làm qua quỹ này thậm chí gây được sức ảnh hưởng đáng kể hơn cả thời ông còn lãnh đạo Microsoft.

Bill Gates và vợ

Microsoft thực chất chỉ là một công ty công nghệ. Các sản phẩm của Microsoft có thể thay đổi thế giới, nhưng chắc chắn nhiều công ty khác cũng có thể đạt được những thành công tương tự. Tuy nhiên, quỹ Gates Foundation thì lại không như vậy. Với lượng vốn khổng lồ không chỉ từ Bill Gates mà còn từ nhiều tỷ phú khác, quỹ Gates Foundation gần như đã xóa bỏ được bệnh bại liệt. Năm nay, thế giới đã chứng kiến ca cuối cùng của căn bệnh chết người này, và đây không phải chỉ là công sức của Gates mà còn của cả tổ chức mang tên ông.

Thế nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Những gì Gates Foundation đã làm với sốt rét, căn bệnh cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm thậm chí còn lớn lao hơn thế. Quỹ của ông đã thực sự nỗ lực loại bỏ căn bệnh và đạt được rất nhiều tiến triển. Có khả năng không lâu nữa chúng ta sẽ không còn thấy những căn bệnh này hiện diện trên trái đất nữa.

Tác giả nổi tiếng Malcolm Gladwell cũng từng phát biểu: “Tôi thật sự tin rằng 50 năm tới đây Gates sẽ được tưởng nhớ về những hoạt động thiện nguyện ông đã đóng góp cho nhân loại. Sẽ đến lúc người ta không còn nhớ về Microsoft, về những doanh nhân vĩ đại thời kỳ này nữa. Người ta có thể quên đi những Steve Jobs nhưng chắc chắn không thể quên những tượng đài như Gates, nhất là tại những quốc gia đang phát triển.”

Hướng đi của Zuckerberg

Có lẽ bạn còn nhớ năm ngoái, Mark Zuckerberg cùng vợ đã cam kết đóng góp phần lớn tài sản của mình (dưới dạng cổ phiếu Facebook) cho các hoạt động thiện nguyện. Thế nhưng Zuckerberg lại không lập một tổ chức phi lợi nhuận như Bill Gates mà thay vào đó lại lập công ty trách nhiệm hữu hạn (Liability Limited Company – LLC) Chan Zuckerberg Initiative vì lợi nhuận.

Mark Zuckerberg

Tất nhiên ông chủ Facebook có một số lý do pháp lý để làm điều này, miễn là người đứng đầu Chan Zuckerberg Initiative luôn hoạt động vì những sứ mệnh công ty đặt ra. Với loại hình công ty vì lợi nhuận, Chan Zuckerberg Initiative có thể thoát khỏi những yêu cầu mà các tổ chức phi lợi nhuận phải đáp ứng (ví dụ như phải hiến tặng 5% vốn cho các hoạt động thiện nguyện). Nói một cách đơn giản thì thành lập công ty như vậy cho phép Zuckerberg có nhiều quyền kiểm soát hơn so với một quỹ phi lợi nhuận.

Chính vì vậy mà ông chủ Facebook có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn qua công ty này. Có người tranh cãi rằng chúng ta nên cảm thấy biết ơn vì Zuckerberg đã lập ra Chan Zuckerberg với mục tiêu cao đẹp chứ không đốt tiền vào (ví dụ như) một bức tượng vàng hình mình đặt đâu đó hay mua đứt một vài nhà máy sản xuất kẹo. Và nếu sáng kiến này được quản lý và thực thi tốt, nó có thể tạo được những ảnh hưởng lớn không kém gì một tổ chức phi lợi nhuận.

Zuckerberg không phải người đầu tiên thành lập tổ chức hoạt động thiện nguyện của mình dưới dạng vì lợi nhuận. Trên thực tế, đây là một xu hướng trong giới công nghệ. Ví dụ như trang Google.org của Google là một tổ chức vì lợi nhuận. Đồng sáng lập Ebay Pierre Omidyar cũng từng lập ra Omidyar Network, hay như vợ cũ của Steve Jobs với Emerson Collective, cũng là một công ty LLC chuyên hỗ trợ các học sinh nghèo tới trường. Xu hướng này có vẻ như đang lan sang cả Châu Á với những startup như Impact Guru nổi lên, đánh vào những thay đổi tích cực trong xã hội với mô hình rõ ràng là một công ty vì lợi nhuận.

Cho đi mà không thực sự là cho đi

Trong một thế giới hoàn hảo, những tổ chức như Chan Zuckerberg Initiative sẽ được vận hành đúng như những gì đã hứa với công luận – với bất cứ đồng vốn nào được sử dụng cũng đều vì sứ mệnh riêng của mình chứ không phải vì lợi nhuận cho các cổ đông.

Thế nhưng thế giới này vốn không hoàn hảo, và ngay cả những người lãnh đạo các công ty LLC này cũng vậy. Các công ty LLC ít bị dư luận giám sát hơn những tổ chức phi lợi nhuận, chính vì vậy mà tiền vốn của chúng có thể sẽ không được chi cho những việc đã hứa hẹn, thậm chí có thể không ai biết những công ty này thực sự đầu tư tiền vào đâu.

Cho đi nhưng không thực sự là cho đi.

Trường hợp xấu nhất là mô hình này có thể trở thành vỏ bọc cho các đại gia giàu có quảng bá về lòng hảo tâm muốn thay đổi thế giới của họ mà không cần phải hiến tặng bất cứ thứ gì cho mục đích đó.

Nếu quả thực là như vậy thì đây sẽ là một làn sóng nguy hại đang lan ra. Một số công ty, bao gồm cả Google và Facebook, đã từng bị cáo buộc đưa ra những nỗ lực “hoạt động thiện nguyện” giả tạo để ngụy trang cho mục đích khai thác dữ liệu hay chiếm một chỗ đứng trong những thị trường tiềm năng của tương lai. Lấy ví dụ như Google với việc phát miễn phí máy tính Chromebook cho các trường học nhưng cuối cùng lại bị phát hiện đang theo dõi tất cả các dữ liệu từ những học sinh sử dụng, dấy lên câu hỏi liệu hãng có thực sự đang làm từ thiện không hay chỉ đang cố lấy dữ liệu từ giới học sinh một cách thân thiện?

Vấn đề chính là ở sự giám sát của dư luận. Nếu mục tiêu của các công ty này là thay đổi xã hội thì ít nhất họ phải công bố rõ ràng những gì họ đang làm cũng như những khoản tiền vốn đang được rót vào đâu. Đây chính là một phần lý do tại sao các quy tắc về minh bạch cho các tổ chức lợi nhuận ít khi tồn tại được. Cũng chính vì tính minh bạch đặc biệt quan trọng nên việc lập ra những công ty LLC có thể không tuyệt vời như bạn vẫn kỳ vọng.

Zuckerberg có lẽ nên hiểu điều này từ những thất bại của anh trong việc quyên góp cho hệ thống trường công của Mỹ. Thế nhưng dưới mô hình LLC, những nỗ lực hoạt động thiện nguyện của anh qua Chan Zuckerberg Initiative có vẻ như sẽ còn ít minh bạch hơn cả những nỗ lực hoạt động thiện nguyện thất bại trước đây.

Điều này không phải để nói những công ty LLC như vậy đều là giả tạo. Họ vẫn có thể đóng góp nhiều cho xã hội, điển hình là những tổ chức như Gates Foundation, và chẳng có giới hạn nào cho những gì họ có thể làm hết.

Một số nguồn tin cho rằng Chan Zuckerberg Initiative được lập ra để đầu tư vào các startup. Các tổ chức phi lợi nhuận cũng hoàn toàn có thể giữ cổ phần trong các công ty bình thường. Họ thậm chí có thể sở hữu cả những mảng kinh doanh kiếm tiền, miễn là các mảng này được phân chia riêng rẽ và toàn bộ tổ chức hoạt động không nhằm mục tiêu mở ra để tránh thuế.

Cafebiz/Trí Thức Trẻ/GenK

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo