Chân dung

Cựu chiến binh Lý Văn Thiệp: Người lính xung kích trên mặt trận kinh tế

(DNVN) - Câu chuyện của cựu chiến binh Lý Văn Thiệp khiến nhiều người cảm phục với những trận chiến đấu sinh tử, khốc liệt. Nhưng điều đáng tự hào hơn đó là khi trở về ông lại trở thành người lính xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế.

Bám theo con đường bê tông ngoằn ngoèo đến cuối xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi dừng chân bên một trang trại chăn nuôi bề thế nằm sát ven núi Tam Đảo. Hai bên lối vào được trang trí bởi dãy hàng rào xếp bằng những tảng đá cuội to, tròn, lạ mắt. 

Đón tiếp chúng tôi là đồng chí cựu chiến binh Lý Văn thiệp và vợ là bà Lê Thị Hợp với nụ cười tươi tắn, thân thiện. Những cái bắt tay mạnh mẽ, khỏe khoắn đúng “chất lính” và tiếng chào hỏi, chuyện trò rôm rả tạo nên một không gian thật vui vẻ, đầm ấm, như xua tan bao mệt mỏi qua chặng đường dài.

Nghe câu chuyện của mọi người và của chính cựu chiến binh Lý Văn Thiệp, tôi mới biết về cuộc đời gian khổ mà oanh liệt của ông với những trận chiến đấu sinh tử, khốc liệt. Nhưng điều đáng tự hào hơn đó là khi trở về phục viên, anh bộ đội cụ Hồ năm xưa vẫn phát huy được những phẩm chất cao đẹp của mình và một lần nữa lại trở thành người lính xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế phục vụ gia đình, phục vụ xã hội.

Năm 1966, theo tiếng gọi của Đảng, ông Lý Văn thiệp đã tự nguyện vào thanh niên xung phong và đóng quân tại Đại đội 925, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại đội của ông được giao trọng trách chuyên đắp các ụ pháo và làm đường giao thông thủy lợi trong địa bàn huyện. Sau đó, ông Lý văn Thiệp được điều động sang đơn vị mới là Tiểu đoàn 246 (Quân khu I) để tập trung huấn luyện chiến thuật chuẩn bị vào chiến trường miền nam chiến đấu.

Cựu chiến binh Lý Văn Thiệp làm trang trại theo quy trình chăn nuôi gà thả vườn.

Tháng 10/1967, Tiểu đoàn bộ binh 246 bắt đầu hành quân từ xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ tiến vào chiến trường Bình Định theo lệnh tổng động viên trên toàn quốc và cùng với các đơn vị tham gia cuộc tổng tiến công trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ông Thiệp đã được chuyển vào Sư đoàn 3, Tiểu đoàn 6 và trực tiếp cầm súng đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. 

Sư đoàn của ông trong một trận đánh càn oanh liệt đã bắt sống được Tướng điều hành chỉ huy Sư đoàn Kỵ binh bay của Mỹ và vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Ông Thiệp là một trong 4 anh em trai cùng vào bộ đội và tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc. Ông Lý văn Giao (anh trai cả của ông Thiệp) đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Bình Dương năm 1974. 

Năm 1977, ông Lý Văn thiệp về phục viên với mức thương tật 18% nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động tại địa phương. Ông được bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã (với hơn 4 nghìn xã viên) và tham gia Ban chấp hành Cựu chiến binh xã Văn Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).  Ông còn dành thời gian 5 năm tham gia công tác an ninh xóm và làm Trưởng xóm Bậu suốt 3 khóa, rồi mới chuyển về cùng gia đình làm kinh tế. 

Mỗi năm, gia đình ông Thiệp cung cấp cho thị trường hàng trăm con dê, lợn rừng, bò và vài nghìn con lợn giống, lợn thịt.

Với ý chí và nghị lực của người thương binh “tàn nhưng không phế”, cựu chiến binh Lý Văn Thiệp đã tích cực tăng gia sản xuất và làm giàu từ chính đôi tay, khối óc của mình trên mảnh đất quê hương. Năm 2003, ông Thiệp đã mạnh dạn theo học lớp tập huấn chăn nuôi cho các hộ dân làm kinh tế nông nghiệp của huyện Đại Từ và đầu tư đàn lợn nái 10 con để cho sinh sản. 

 

Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, ông Thiệp đã phải bán thêm 3 sào ruộng để có vốn mua lợn giống, mua thức ăn gia súc và làm chuồng trại. Mỗi năm, dư được chút tiền ông lại đầu tư thêm nhiều loại con giống mới, mở rộng diện tích chăn nuôi, nâng cấp chuồng trại và trồng thêm các loại cây nông sản, lâm sản, cây ăn quả, đào ao thả cá và phát triển kinh tế rừng. 

Hiện nay, gia đình ông đã có được “cơ ngơi” rộng lớn với diện tích 21ha. Trong đó, ông dành 3.000m2 để làm trại gà, lợn; 7.000m2 làm ao thả cá; 1ha trồng cây ăn quả; 18ha trồng cây gỗ mỡ và cây keo các loại. Riêng trang trại gà được nuôi thả vườn nên chất lượng thương phẩm rất thơm ngon và chắc thịt. 

Mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường tới 24 nghìn con gà, thu hoạch 15 tấn cá, nuôi 200 con lợn nái, 1.000 con lợn giống và khoảng 3.000 con lợn thịt. Tận dụng diện tích vườn và rừng rộng lớn, ông Thiệp đã nuôi thêm đàn dê 70 con, đàn lợn rừng hơn 20 con, đàn bò 30 con để lấy thịt và nguồn phân bón cho cây trồng. 

Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến thăm trang trại của gia đình cựu chiến binh Lý Văn Thiệp.

Với mức thu hoạch từ nhiều nguồn kinh tế, mỗi năm, tổng doanh thu của gia đình ông Lý Văn thiệp - bà Lê Thị Hợp lên tới con số ấn tượng: 20 tỷ đồng. Trừ hết các khoản chi phí như thuê nhân công, tiền thức ăn, tiền đầu tư chuồng trại… gia đình ông Thiệp cũng thu được lợi nhuận khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. Đây là con số mơ ước của bất kỳ hộ chăn nuôi nào, nhất là các hộ nông dân đang phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” mà vẫn chưa đủ cơm ăn, áo mặc. 

Để đảm bảo tuyệt đối cho an toàn vệ sinh môi trường, tránh hiện tượng dịch bệnh và ô nhiễm trong khu vực chăn nuôi, ông Thiệp đã cho xây dựng các khu chuồng trại nằm biệt lập và có hệ thống sát trùng bằng vôi bột, nhằm hạn chế nhiễm khuẩn từ bên ngoài. 

 

Ông còn tận dụng nguồn nước sạch tự nhiên từ khe núi Tam Đảo chảy xuống để làm nước uống cho gia súc, gia cầm, duy trì mực nước ao nuôi cá và lắp đặt dàn lạnh làm mát chuồng trại. Nguồn nước tự nhiên đồi dào còn dùng để tưới cho cây trồng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Hệ thống biogas chứa các chất thải được xây dựng kiên cố, khép kín khiến cho không gian ở khu trại chăn nuôi của gia đình ông Thiệp hầu như không có mùi ô nhiễm và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cựu chiến binh Lý Văn Thiệp hiện nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn hăng say lao động, sáng tạo và dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện. Mỗi năm, ông để một số tiền khoảng vài chục triệu đồng giúp đỡ các gia đình nghèo và ủng hộ các tổ chức đoàn thể tại địa phương làm công trình phúc lợi trong xóm, xã như đường giao thông, cầu, cống… 

 Khu trang trại của gia đình cựu chiến binh Lý Văn Thiệp.

Ông đã giúp được 8 hộ thoát nghèo và có thu nhập từ 50 triệu đến 300 triệu đồng/năm bằng cách giúp các hộ làm chuồng trại, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp cung cấp con giống và thức ăn gia súc không tính lãi, khi nào xuất bán mới phải trả tiền. Ông Thiệp còn giúp cả “đầu ra” cho sản phẩm chăn nuôi để các hộ có thể bán được với giá cao nhất mà không hề tính công hoặc tính tiền chênh lệch. 

Trang trại của ông đã tạo điều kiện cho hàng chục lao động ở các gia đình khó khăn đến làm việc với mức lương ổn định từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2015, cựu chiến binh Lý Văn Thiệp đã vinh dự được Chủ Tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông còn được mời dự và đọc báo cáo tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh và toàn quốc; đồng thời, được vinh danh Nông dân tiêu biểu trên toàn quốc.

 

Chia sẻ về các chiến lược phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới, ông Thiệp cho biết, ông còn có dự định phát triển thêm cả hướng du lịch sinh thái song hành với việc trồng trọt và chăn nuôi ở trang trại. 

Ý tưởng này xuất phát bởi cấu trúc địa lý khu đất nhà ông không chỉ rộng lớn với rừng cây xanh mướt và khu vườn – ao – chuồng quy mô, mà còn sở hữu cả một dòng thác bạc chảy từ lưng núi Tam Đảo xuống dòng suối trong veo nằm uốn lượn quanh co tạo nên phong cảnh thơ mộng, tươi đẹp. Môi trường tự nhiên với cảnh quan sơn thủy hữu tình của gia đình ông Thiệp được đánh giá là rất phù hợp với các dự án du lịch. 

Ý tưởng biến khu trang trại thành khu du lịch sinh thái trang trại đang được ông triển khai, dự định sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Đây là ý tưởng táo bạo và cần số vốn đầu tư khá lớn nhưng với sự quyết tâm, năng động, sáng tạo và tài trí của cựu chiến binh Lý Văn Thiệp chắc chắn sẽ làm nên những điều kỳ diệu, đáp ứng được nhu cầu du lịch của nhân dân quanh vùng.

Nên đọc
Kim Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo