Thị trường

Đà Nẵng yêu cầu rà soát các dự án tại bán đảo Sơn Trà

(DNVN) - UBND TP Đà Nẵng vừa tiếp tục rà soát các dự án tại bán đảo Sơn Trà, đề xuất từng trường hợp cụ thể, báo cáo UBND TP. xem xét quyết định.

UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục rà soát các dự án tại bán đảo Sơn Trà, đề xuất từng trường hợp cụ thể, báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND quận Sơn Trà, UBND phường Thọ Quang, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Viện Quy hoạch Xây dựng cử cán bộ đúng chuyên môn, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham gia việc rà soát nêu trên, đảm bảo hoàn thành tốt và đúng tiến độ công việc được giao, làm cơ sở để UBND TP. báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 5/8.

Trong diễn biến liên quan, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và Viện Sinh thái học miền Nam (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) vừa gửi thư kiến nghị hiến kế bảo vệ bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lên Thủ tướng Chính phủ.

Đà Nẵng yêu cầu rà soát các dự án tại bán đảo Sơn Trà.

Thư kiến nghị đồng thời được gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; các bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, UBND TP Đà Nẵng.

Cơ sở gửi thư kiến nghị này xuất phát từ hội thảo khoa học về Sơn Trà ngày 15/7, với sự tham gia của 180 nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, rừng, xây dựng... Các đại biểu đã thảo luận và nhất trí các kiến nghị gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Đà Nẵng.

Theo thư kiến nghị, các tài liệu khoa học tại hội thảo đã chứng minh bán đảo Sơn Trà là vùng sinh thái đặc thù, là "báu vật của Việt Nam", với ít nhất 1.010 loài thực vật, 370 loài động vật. Trong đó có nhiều loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế.

Sơn Trà cũng là nơi sinh sống của 700 đến 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu. Bán đảo này đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng. Thảm thực vật ở cao độ thấp hơn 200 mét (từ mặt nước biển trở lên) có vai trò quan trọng bảo vệ an toàn cho loài chà vá chân nâu.

Trong 10 năm trở lại đây, diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi bị biến mất. Nguyên nhân là việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ quá mức, rác thải và ô nhiễm môi trường từ các khu đô thị, nhà hàng, hoạt động du lịch.

 

Diện tích thảm cỏ biển quanh bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng một ha, tập trung tại Bãi Nồm và Bãi Bụt. So với năm 2006 đã có khoảng 9 ha thảm cỏ biển biến mất, cấu trúc thảm cỏ biển ở Bãi Nồm cũng bị biến động lớn theo xu hướng suy thoái do ô nhiễm và tác động môi trường.

Vùng phân bố và hoạt động của loài chà vá chân nâu đang bị chia cắt và thu hẹp một cách nghiêm trọng do các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Tình trạng săn bắn trộm vẫn diễn ra và việc phát triển du lịch thiếu kiểm soát đang tạo áp lực lên quần thể loài linh trưởng này.

Hiện tượng khai thác rừng và cây thuốc trái phép vẫn đang xảy ra.

Từ năm 1977, Thủ tướng đã quy định Sơn Trà là khu rừng cấm (rừng đặc dụng), nhưng đến nay rừng này chưa có chủ quản lý. Ba quyết định chính của Thủ tướng cũng quy định các mục tiêu và diện tích rừng khác nhau cho bán đảo Sơn Trà.

Trong kiến nghị, các nhà khoa học và chuyên gia đề nghị UBND TP Đà Nẵng và Chính phủ hoàn trả diện tích rừng bị chuyển sang cho việc quy hoạch du lịch; không quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch bán đảo này thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

 

"Cần giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà, không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch", kiến nghị nêu.Các nhà khoa học cũng đề nghị "tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống trôi đất xuống biển trước mùa mưa bão 2017".

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo