Pháp luật

Đại án OceanBank: PVN từng có cơ hội thoái vốn 800 tỷ?

Tập đoàn Dầu khí từng có cơ hội thoái vốn khỏi OceanBank khi Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá hoặc bán cổ phần và từng được định giá lên tới 800 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố 5 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 800 tỷ đồng, theo tin tức trên báo Tiền phong. 

Bị can Ninh Văn Quỳnh (bìa trái) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời HĐXX. Ảnh Tiền phong

Đây là một phần trong giai đoạn II đại án tham nhũng - kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Có 5 người bị khởi tố gồm Nguyễn Xuân Sơn  - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh - Phó TGĐ PVN; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN; Vũ Khánh Trường -  nguyên Ủy viên HĐQT PVN.

Liên quan vụ việc, tại phiên tòa xét xử vụ OceanBank, TAND TP Hà Nội xét hỏi về khoản vốn góp 800 tỷ đồng bị thất thoát nói trên. Đại diện của PVN cho hay, trước khi đầu tư vào OceanBank, PVN được Thủ tướng cho phép thành lập ngân hàng mới với vốn góp không quá 50%. 

Khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, Thủ tướng bác bỏ việc này nhưng đồng ý cho PVN góp vốn vào một ngân hàng TMCP khác với tỷ lệ vốn góp không quá 20%.

Vì vậy, PVN sau đó góp vốn vào OceanBank 3 lần với tổng tiền 800 tỷ đồng nhằm luôn giữ mức 20% vốn điều lệ và cử người sang làm người đại diện phần vốn của mình. 

Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện trong năm 2010 - 2011. PVN cũng cử ông Sơn sang OceanBank giữ chức TGĐ của ngân hàng. Về hiệu quả của khoản đầu tư trên, phía PVN cho biết, từ 2009 tới 2013, theo báo cáo tài chính thì OceanBank hoạt động có hiệu quả, năm nào PVN cũng được chia cổ tức với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.

 

Tiếp đó, HĐXX hỏi việc góp vốn của PVN có đúng luật không? Đại diện PVN trả lời 2 lần góp vốn đầu tuân theo Luật tổ chức tín dụng 2007, cụ thể 1 tổ chức được mua tối đa 20% cổ phần ở 1 tổ chức tín dụng. 

Vì thế, khi PVN đề nghị góp vốn, Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ Tài chính thẩm định trước khi thực hiện. Chỉ có lần sau cùng, PVN góp thêm 100 tỷ đồng để đạt tỷ lệ 20% vốn thì sai so với Luật tổ chức tín dụng 2010 (được mua tối đa 15% - PV). 

Tuy vậy, đại diện PVN cho rằng lần góp vốn thứ 3 chỉ là triển khai hệ quả của việc góp lần 2 đã được Thủ tướng đồng ý và do PVN không cập nhật kịp nên vẫn làm. Tập đoàn cũng luôn xin ý kiến của trên khi thực hiện nhưng đang xử lý vốn ở OceanBank thì ngân hàng này bị mua 0 đồng.

“Việc góp vốn lần 3 số tiền 100 tỷ đồng được Thủ tướng đồng ý từ 2010. Lúc đó Luật Tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực… Chúng tôi hỏi Văn phòng Chính phủ (VPCP) thì được trả lời đến 2015, PVN phải thoái hết vốn tại các ngân hàng. 

Năm 2014, PVN báo cáo Thủ tướng, đề nghị chuyển nhượng vốn ở OceanBank nếu đạt được thỏa thuận với các đối tác tiềm năng. Thủ tướng đồng ý bằng công văn sau đó vài ngày. 

 

Cụ thể, 12/6/2014, VPCP có công văn gửi PVN, nội dung Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý PVN chuyển nhượng cổ phần bằng đấu giá công khai hoặc bán thỏa thuận theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”- đại diện PVN trả lời HĐXX. 

Đặc biệt, ông Thắm cho rằng khoản đầu tư của PVN đã từng có đơn vị khác muốn mua lại: “Bị cáo làm việc với 1 đối tác Singapore, 1 đối tác Việt Nam thì họ đồng ý mua lại cổ phần của PVN với giá 800 tỷ đồng, tức là PVN không bị lỗ”.

Vụ đại án OceanBank từng được đưa ra xét xử cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày thẩm vấn, tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ hành vi liên quan của các cá nhân, báo Vnexpress đưa tin.

Bị truy tố bổ sung, bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh) được xác định đồng phạm với ông Hà Văn Thắm về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Bà Hoàng Thị Hồng Tứ (nguyên chủ tịch HĐQT công ty BSC) và Trần Văn Bình (giám đốc công ty Trung Dung) bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

 

Theo cáo trạng mới, ngoài tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tội danh cũ là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ), Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tếgây hậu quả nghiêm trọng cùng với ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Thắm còn bị truy tố tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc, tháng 11/2012, ông Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn (phó tổng giám đốc OceanBank) cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đông thông qua công ty Trung Dung không có tài sản đảm bảo, khách sử dụng vốn không đúng mục đích. Hành vi này trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay, quy trình và thủ tục khiến OceanBank thiệt hại hơn 500 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).

Từ năm 2010 đến năm 2014, dưới sự chỉ đạo của cựu Chủ tịch HĐQT và cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Thị Minh Thu, ngân hàng này đã chi trả lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi cho hàng trăm cá nhân, tổ chức gửi tiền.

Trong tổng số tiền gần 1.600 tỷ đồng chi trả trái quy định pháp luật, ông Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 49 tỷ đồng được xác định là số tiền ông Sơn tham ô. Số tiền còn lại là hơn 197 tỷ đồng, cáo trạng mới quy kết Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt.

Cáo trạng xác định, trong tổng số tiền chi lãi ngoài là hơn 1.300 tỷ động. Số tiền này được xác định có tới hơn 700 cá nhân và pháp nhân từng gửi tiền vào OceanBank được hưởng lợi không chính đáng. Dự kiến phiên sơ thẩm diễn ra trong 20 ngày.

 

Nên đọc




Trân Châu (Tổng hợp theo báo Tiền phong, Vnexpress)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo