Pháp luật

Đại án OceanBank: Tranh luận nảy lửa 500 tỷ "chảy" vào túi ai?

Quan điểm bào chữa của luật sư hai bên đang rẽ 500 tỷ của Oceanbank sang hai đích thụ hưởng là Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.

Ngày 18/9, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh – cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), người bị VKS Nhân dân Tối cao truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cho rằng, trách nhiệm hoàn trả 500 tỷ đồng cho Oceanbank thuộc về bị cáo Hứa Thị Phấn, theo tin tức trên báo VOV.

Bị cáo Phạm Công Danh (ảnh phải) và bị cáo Hứa Thị Phấn tại tòa. Ảnh: THU NGUYỆT/PLO

Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng, thời điểm trước khi chuyển giao Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh, Đại Tín thuộc dạng ngân hàng yếu kém âm vốn sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế là hơn 6.000 tỷ đồng.

Do đó, vào tháng 2/2012, nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn đã thống nhất chuyển nhượng lại cho Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank. Dẫn thư gửi cơ quan điều tra, luật sư của Phạm Công Danh cho hay, đó là một loạt giấy tờ chuyển nhượng được ký khống.

Đến tháng 5-6/2012, Hà Văn Thắm không tiếp tục thực hiện việc nhận chuyển nhượng như đã thống nhất với nhóm Phú Mỹ và chủ động chuyển giao cổ phần sang cho nhóm Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Sau này Ngân hàng Đại Tín được Phạm Công Danh đổi tên thành VNCB.

Toàn bộ hồ sơ khống này được chuyển giao, theo quan điểm của luật sư là trái pháp luật và không có giá trị. Đối với khoản vay trong vụ án này, ngoài tài sản thế chấp ngoài 100% cổ phần của  Công ty Trung Dung – công ty đứng ra vay tiền và cũng là công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm chủ, thì tài sản thế chấp còn có của nhóm Phú Mỹ, như cổ phiếu của Tập đoàn SSG, giấy tờ dự án đất…

Luật sư của cựu Chủ tịch VNCB cho rằng, Hứa Thị Phấn đã chủ động đưa tài sản thế chấp vào khoản vay 500 tỷ đồng của Oceanbank là nhằm chuyển trả cho khoản nợ của bà ta tại Ngân hàng Đại Tín.

 

Qua mô tả hướng đến của dòng tiền cho thấy, Hứa Thị Phấn là người duy nhất sử dụng số tiền 500 tỷ này để giải quyết vấn đề thanh khoản cho Ngân hàng Đại Tín.

Luật sư của Phạm Công Danh đồng tình quan điểm của VKS giữ quyền công tố tại tòa đề nghị Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm với khoản tiền 500 tỷ này.

Trong khi đó, LS bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn lại cho rằng việc VKSND Tối cao truy cứu TNHS, trách nhiệm dân sự bà Phấn đối với khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank với vai trò đồng phạm tích cực là “không đúng người, không đúng tội và không phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng như quy định pháp luật”, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin.

Theo LS, Công ty Trung Dung thực chất là công ty thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh. Bà Phấn không bàn bạc, không tự nguyện cho mượn tài sản; không cùng ý chí, không cùng thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cho vay đối với khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank. LS cũng cho rằng Hà Văn Thắm đã ép bà Phấn buộc phải cho Tập đoàn Thiên Thanh mượn tài sản để thế chấp, cầm cố tại OceanBank.

Dẫn lại lời khai của bà Phấn, LS cho rằng toàn bộ số tiền 500 tỉ đồng nói trên cũng như toàn bộ số tiền lãi gửi tiết kiệm phát sinh từ số tiền này đều do Phạm Công Danh quản lý, định đoạt và sử dụng. Ông Danh cũng chính là người thụ hưởng những lợi ích từ việc sử dụng số tiền này. 

 

“Ông Danh đang thi hành án hình sự nhưng tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Danh vẫn còn, Tập đoàn Thiên Thanh vẫn đang hoạt động hằng ngày. Chính vì vậy ông Danh hoàn toàn có đủ khả năng để chịu trách nhiệm đối với khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank” - LS nói.

LS cũng chứng minh tài sản của bà Hứa Thị Phấn cho mượn là tài sản hợp pháp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét, chấp thuận tuyên bà Phấn không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với bà” - LS của bà Phấn nói.  Hôm nay (19/9), phiên xử tiếp tục với phần bào chữa của các LS.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo VOV, Pháp luật TP. HCM)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo