Phân tích

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Formosa là bài học lớn về đầu tư

(DNVN) - Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội ngày 21/7 đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) bày tỏ băn khoăn về quá trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại Hà Tĩnh.

Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh với phóng viên báo Hải quan: Formosa là nhà đầu tư có lý lịch về mặt môi trường không tốt, đáng lý ra với lý lịch đó phải được chú trọng trong quá trình đầu tư và giảm sát. Đó là bài học lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua.

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường, vị đại biểu của TP.HCM bày tỏ: Quan điểm đó phải được xuyên suốt trong giai đoạn tới. Chúng ta cần huy động vốn FDI, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá.

Formosa gây cá chết hàng loạt tại miền Trung.

“Formosa không còn là của Hà Tĩnh mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, liên quan đến ngành kinh tế biển, du lịch và liên quan đến đất nước. Do đó, vấn đề của Formosa khi giải quyết phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh này giải quyết. Tất cả xử lý đó phải của một đơn vị, của một ủy ban quốc gia”- ông Trần Hoàng Ngân thể hiện quan điểm.

Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị thời gian tới các ủy bản của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường…) cần tăng cường giám sát để có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng vừa qua đã có những chính sách đền bù cho người dân, nhưng không thể bù đắp được những tổn thương đối với ngành kinh tế biển, với người dân, và tài nguyên thiên nhiên biển là không thể bù đắp được. Do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan chức năng phải đưa ra được khẳng định Formosa có nên tồn tại ở Hà Tĩnh nữa hay không.

“Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Chúng ta đang cần thu hút vốn FDI trong xu thế hội nhập, nhưng làm việc phải rõ ràng minh bạch và có cơ sở rõ ràng. Nên ta phải có Ủy ban giám sát, để làm rõ và công bố sớm trong việc dừng dự án này”- ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Trước đó, Chính phủ đã báo cáo đại biểu Quốc hội về vụ Formosa xả thải tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016 còn cho hay, thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/thán. Báo Tổ quốc thông tin.

 

Tính toán sơ bộ sự cố ô nhiễm môi trường gây ra bởi Formosa đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người (không có việc làm ổn định, thu nhập thấp) và 176.285 người phụ thuộc. 

Khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đối với vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Ngoài ra, báo cáo cũng cho hay, hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh.

Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh giảm 16.000 tấn (giảm 6%); Quảng Bình giảm 23.600 tấn (giảm 8,7%); Quảng Trị giảm 16.000 tấn (giảm 14,3%), Thừa Thiên Huế giảm 13.300 tấn (giảm 30%). Riêng sản lượng khai thác biển ước chỉ tăng 3,4%, thấp hơn 1,2% so với tốc độ tăng cùng kỳ.

Việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng (sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý: giá bán giảm 30 -50%; sản phẩm khai thác trong 20 hải lý: không tiêu thụ được.

Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh);…

 

Báo cáo cho hay, nếu không có sự cố ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của 4 tỉnh miền Trung, thì sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng khu vực dịch vụ có thể tăng trưởng cao hơn.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo