Chân dung

Đại gia cà phê: Hãy cho tôi cơ hội trả nợ

Doanh nghiệp khác khó một, Thái Hòa khó mười, đối mặt với khoản lỗ và nợ tới hàng nghìn tỷ đồng. Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Văn An nhìn nhận đây là thời gian khó khăn nhất trong 17 năm kinh doanh của mình.

Chủ tịch Tập đoàn Thái Hòa - ông Nguyễn Văn An pha chút mệt mỏi và băn khoăn khi chia sẻ về "năm hạn" 2012, cùng những biến cố trong suốt 17 năm kinh doanh của mình.

- Cảm giác của ông thế nào khi công ty gánh khoản lỗ và nợ hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2012?

- Đây có lẽ là một trong những thời điểm mà tôi cảm thấy khó khăn nhất trong cuộc đời làm doanh nghiệp của mình. Bản thân mình có những lúc tưởng chừng cũng không thể vượt qua. Xét lại, đây cũng là khó khăn chung của vô vàn doanh nghiệp trong thời điểm này, chứ không phải riêng Thái Hòa.

Không phải là điều đáng mừng, nhưng cũng may, những điểm xấu của Thái Hòa đã bộc lộ sớm hơn so với những doanh nghiệp khác. Chúng tôi không bao che mà nhìn nhận thẳng thắn những sai lầm trong quá trình kinh doanh, trong nội tại bản thân doanh nghiệp mình. Như việc sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư trong dài hạn là một quyết định gây nhiều tổn thất cho Thái Hòa. Đồng thời, việc thiếu nhân tài cũng là một điểm yếu của chúng tôi. Nhưng những cái gì xấu thì nó đã nằm gói gọn trong năm 2012 rồi.

- Trong suốt quá trình kinh doanh của mình, đã có khi nào ông vấp phải những khó khăn tương tự?


- Tôi thành lập Tập đoàn Thái Hòa từ cuối năm 1995, nhưng đến 1996 mới thực sự đứng tên điều hành công ty. Khó khăn cũng gặp phải rất nhiều, đặc biệt là vào năm 1999. Khi đó, chúng tôi hoạt động chủ yếu mang tính chất thương mại là chính, và có quan hệ rất tốt với nhiều công ty của Hàn Quốc. Những năm trước đây thì chúng tôi chủ yếu nhập sản phẩm bánh kẹo của họ và tiêu thụ rất tốt.

Đến năm 1998, khủng hoảng kinh tế nổ ra, phía Hàn Quốc muốn xuất khẩu nhiều bánh kẹo giá rẻ sang để tránh suy thoái và thất nghiệp cho họ. Khi đó, tôi đã tính chưa hết về thị trường tiêu thụ, nên quyết định nhập rất nhiều bánh Chocopie từ Hàn Quốc vào và thuê kho trên khắp Hà Nội để chứa. Nhưng thị trường bánh ở Việt Nam thì không phải có thể tiêu thụ quanh năm, mà chỉ bán tốt vào dịp lễ tết. Lượng bánh tôi nhập quá nhiều, mặc dù giá rất rẻ, nhưng cũng không tiêu thụ hết và bị ẩm mốc, không bán được. Thời điểm đó, thì lượng tiền vay đã vượt quá khả năng chi trả và chúng tôi lâm vào khó khăn.

Nhưng rất may, đến năm 2001, một mối kinh doanh khác đã cứu chúng tôi. Khi đó, giá cà phê trên thế giới đột ngột giảm mạnh. Tôi có một nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc về mà lại có một đơn hàng với giá cao ký trước đó để xuất, nên đã bán đi để bù vào khoản kinh doanh thua lỗ từ việc nhập bánh Chocopie lúc trước, giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp.

- Ông đến với nghiệp kinh doanh như thế nào?


- Tôi biết tới kinh doanh từ khá sớm, những năm tôi còn học cấp 3. Gia đình tôi ở Nghệ An, đông con và không thuộc dạng giàu có. Nhưng lúc bấy giờ, vùng quê Nghệ An tôi sống lại là đất trồng cà phê có tiếng, ngang bằng với Tây Nguyên bây giờ.

Những năm sau giải phóng 1975, hàng hóa lưu thông Nam - Bắc còn khó khăn. Biết người miền Nam thích uống cà phê, tôi đã nhập cà phê ở quê để chuyển vào bán. Tôi không chuyển ra Bắc bởi khi đó, ở đấy chưa có thói quen uống cà phê nhưng tôi lại mua hàng hóa như phụ tùng xe đạp hay dụng cụ học sinh để bán ra Bắc, vì miền Nam tương đối đầy đủ hơn.

Số tiền kiếm được thực tế cũng không nhiều, chủ yếu để đóng học phí, nhưng tôi cũng dư dả hơn những bạn bè đồng trang lứa, cũng mua được xe đạp mới, quần áo mới. Nói chung thời điểm này, tôi cũng học được đôi chút về kinh doanh, và thị trường cà phê.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, năm 1986, tôi về làm tại nông trường cà phê tại Nghệ An. Được 2 năm tôi chuyển lên làm việc tại Tổng công ty rau quả. Đến năm 1993, vì thấy tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực cà phê, nên Tổng công ty Cà phê xin tôi về làm cho mảng chế biến và thương mại tiêu thụ trong nước. Những mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực cà phê cũng được mở rộng bắt đầu từ đây, và đến cuối năm 1995, tôi nhờ người đứng tên mở ra kinh doanh riêng, vì người nhà nước không được thành lập doanh nghiệp.

Vì những mối quan hệ và kinh nghiệm trước đó của bản thân, nên khi Thái Hòa ra đời, hoạt động kinh doanh khá thuận lợi. Phải nói thêm rằng, khi tôi ra kinh doanh riêng, không hề có nhiều vốn. Hơn nữa, tôi xin nghỉ cũng là theo hình thức nghỉ hẳn, chứ không thuộc dạng chân trong chân ngoài. Thậm chí tôi còn chưa có bảo hiểm xã hội, dù lúc đó bắt đầu có chủ trương này.

- Tại sao ông lại dứt áo ra kinh doanh riêng sau 11 năm làm cho công ty nhà nước?


- Có lẽ một phần là vì cái máu kinh doanh. Nhưng phần khác, làm trong nhà nước cũng có nhiều thứ không được như ý mình, như việc đố kỵ hay kèn cựa không phù hợp với tính cách của tôi, nên quyết định bỏ.

Tôi cũng day dứt và suy nghĩ nhiều. Vì làm ở công ty nhà nước thì có được sự ổn định, và lúc đó cũng chẳng có mấy ai có ý định ra làm doanh nghiệp riêng. Gia đình, bạn bè cũng khuyên nhiều, nhưng tôi vẫn quyết tâm bỏ để tự làm cái gì đó cho mình.

- Sự quyết tâm ấy giờ đây thế nào khi mà Thái Hòa đang gặp những khó khăn nghiêm trọng?


- Kinh doanh ở thời điểm nào cũng có hai mặt. Tôi không phủ nhận hiện Thái Hòa đang đứng trước những khó khăn lớn và để vượt qua cần phải có những nỗ lực vượt bậc. Nhưng bảo tôi có còn quyết tâm hay không, thì chắc chắn nhiệt huyết của tôi luôn còn. Tôi đã đem mọi thứ tôi có dồn cả vào đây. Nó đã là tâm huyết và sức lực cả đời người rồi.

- Ông cảm thấy thế nào, khi giá cổ phiếu THV của Thái Hòa bây giờ chỉ còn 1.000 đồng?

- Tất nhiên tôi rất buồn. Nhưng tôi nghĩ mình là công ty đại chúng thì phải chấp nhận những đánh giá của công chúng thôi. Nếu tôi có đủ tiền, tôi sẽ gom lại hết cổ phiếu THV, nó đang được đánh giá quá thấp so với giá trị thật.

- Những lúc công ty khó khăn, sự đồng cảm của nhân viên và gia đình dành cho ông thế nào?

- Trong tập đoàn, Thái Hòa đã quán triệt tư tưởng là làm việc để trả nợ trước đã. Thời gian tới, một đồng lãi của của chúng tôi phải chia ra làm 4 việc, đó là trả lãi gốc, trả lãi mới và trả gốc, trả lãi cũ; sau đó mới có thể nghĩ tới việc phát triển thêm. Tất nhiên, việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thách thức, và sự bền chí của từng cán bộ công nhân viên. Nhưng tôi tin, nếu đồng lòng, chúng tôi sẽ làm được.

Còn về cá nhân mình, tôi đã dùng hết tài sản, quan hệ, kinh nghiệm cũng như tâm lực để đầu tư vào đây. Đồng thời cũng được gia đình, bạn bè ủng hộ rất nhiều, mặc dù mọi người đều biết hiện tập đoàn đang khó khăn thế nào. Đó thực sự là một sự động viên rất lớn về tinh thần với bản thân tôi.

- Ông có cách gì để vực dậy công ty trong năm nay?

- Khó có thể vực dậy trong ngày một ngày hai được. Đó là một công việc lâu dài và cần sự trợ giúp của nhiều phía. Vừa rồi Chính phủ cũng ra quyết định 02 để xử lý một số vấn đề, nhằm tái tạo lại hệ thống doanh nghiệp. Hiện, hoạt động của Thái Hòa cũng nằm trong ưu tiên của Nhà nước. Tức là phải hỗ trợ lại cho những doanh nghiệp kinh doanh theo lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xuất khẩu nông sản. Đây là cơ hội để Thái Hòa phục hồi trong năm tới.

Thêm vào đó, chúng tôi đã được phía ngân hàng gia hạn cho các khoản nợ, cấp thêm vốn để kinh doanh và dự kiến ra Tết là có thể giải ngân được. Như vậy thì vấn đề lớn nhất của Thái Hòa hiện nay là thiếu vốn hoạt động có thể phần nào được giải quyết.

- Nếu có một điều ước trong năm 2013, ông sẽ ước điều gì?


- Tôi không hay ước ao, vì cái gì cũng phải dựa vào tình hình thực tế. Nhưng nếu có một mong muốn, tôi mong rằng hãy cho Thái Hòa một cơ hội để trả nợ. Tôi đã từng bắt đầu từ con số 0, còn bây giờ chúng tôi sẽ bắt đầu bằng con số âm.

 

 

Đoàn Huế (Theo Vne)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo