Xã hội

Đại sứ Phạm Sanh Châu ứng tuyển Tổng Giám đốc UNESCO

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đạt được kết quả đáng kể trong cuộc thi tuyển vị trí Tổng Giám đốc UNESCO.

Sau cuộc phỏng vấn chiều 27/4, tại Paris (Pháp) để ứng tuyển trở thành Tổng Giám đốc UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO, đã xuất sắc lọt vào vòng tiếp theo, theo tin tức trên báo Lao động. 

Đại sứ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn tại UNESCO. Ảnh Internet.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, vòng thi phụ sẽ diễn ra vào trưa nay 28/4. Ông sẽ phải trình bày cương lĩnh tranh cử bằng tiếng Pháp trước 70 thành viên nhóm Pháp ngữ. 

Trong buổi trả lời phỏng vấn kéo dài 90 phút chiều qua, thuyết trình 10 phút đầu,  Đại sứ Phạm Sanh Châu nói rằng, việc đại diện ra tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO là niềm vinh dự lớn với ông. 

Ông nêu ra 3 tầm nhìn chính trong đề cương phát triển UNESCO của mình, đó là thúc đẩy hòa bình, nhu cầu phải cải cách, và đặc biệt là UNESCO cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách truyền thông, phải tự truyền thông chính  tổ chức của mình.

Gần như hầu hết các nước của Hội đồng đều đề bảng đặt câu hỏi. Những câu hỏi rất đa dạng, về nhiều vấn đề. Ông Châu đã nhanh chóng trả lời tất cả các câu hỏi trong khung thời gian cho phép với phong thái tự tin, đĩnh đạc và không kém phần sinh động, lúc bằng tiếng Anh,lúc bằng tiếng Pháp (tuỳ theo người đặt câu hỏi). Đại sứ Châu thậm chí tỏ thiện chí rút ngắn câu trả lời từ 5 xuống 2 phút để tạo điều kiện cho nhiều người được trả lời hơn, báo Người lao động đưa tin.

Phần thi của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu dự họp. Các Đại sứ Nhật Bản và Serbia khẳng định Đại sứ Phạm Sanh Châu là ứng cử viên trình bày hay nhất và ấn tượng nhất cho tới thời điểm ông dự thi. 

 

Đại sứ Tây Ban Nha thì “thắc mắc” ông đọc tài liệu lúc nào mà nắm bắt vấn đề tốt thế. Ngoài ra mọi người còn nhận xét, Đại sứ Châu là ứng viên có nhiều người đặt câu hỏi nhất, và là ứng viên có nhiều người chúc mừng nhất, có cá tính, có "cái tôi" mà mọi người rất thích.

Trong khi trình bày, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã lồng ghép Việt Nam là đất nước đã trải qua chiến tranh, tự hào về quá khứ hào hùng của mình, đạt được rất nhiều thành công trong quá trình đổi mới, chuyển biến xã hội và kinh tế. 

Việt Nam cũng là nước có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, làm bạn với tất cả các nước. Ông chia sẻ mọi người cũng thấy thú vị khi lần đầu tiên Việt Nam đề cử ứng cử viên, hội tụ đủ tất cả các thế mạnh quốc gia và thế mạnh cá nhân.

Đây là lần đầu tiên UNESCO đưa ra một quy trình hoàn toàn mới trong việc tuyển chọn Tổng Giám đốc, giống quy trình tuyển chọn Tổng thư ký Liên Hiệp quốc. 

Lần đầu tiên, UNESCO cho phép mọi người vào phòng để nghe (trước kia là đóng cửa, chỉ có các nước thành viên mới được ngồi dự). Đồng thời, tăng thời lượng hỏi từ 60 phút lên 90 phút, cho phép hỏi trực tiếp, truyền hình trực tiếp. 

 

Sau vòng phỏng vấn này, Hội đồng chấp hành sẽ bỏ phiếu kín chọn ứng cử viên duy nhất vào tháng 10/2017. Tháng 11/2017, chủ tịch Hội đồng chấp hành sẽ thông báo cho Đại hội đồng tên ứng viên mà Hội đồng chấp hành đã chọn.  

Đại hội đồng sẽ xem xét đề cử này và bỏ phiếu kín để bầu ra Tổng giám đốc UNESCO. Tổng giám đốc do Hội đồng chấp hành đề cử và được Đại hội đồng bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, tối đa 2 nhiệm kỳ.

Nên đọc
Hiền Minh (Tổng hợp theo báo Người lao động, Lao động)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo