Môi trường

Đất ngập nước trước nguy cơ “sa mạc hóa”

Ngày 21/5, tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” lần 4 - 2012. Với chủ đề “Sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước đồng bằng sông Cửu Long”, các đại biểu một lần nữa tỏ ra lo lắng về nguy cơ “sa mạc hóa” các vùng đất ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long.
Giữa thế nội công - ngoại kích


Phát biểu khai mạc diễn đàn trên, TS Nguyễn Văn Đức - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhấn mạnh: đồng bằng sông Cửu Long có vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội và môi trường... mà còn có những giá trị đặc biệt quan trọng cả về đa dạng sinh học, đất ngập nước của cả nước. Tuy nhiên trong hai thập niên gần đây, quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh cũng như ảnh hưởng của thiên tai... đã có những tác động không nhỏ đến đa dạng sinh học nói chung và hệ sinh thái ĐNN nơi đây.
 
 
Không dừng lại ở đó, theo kịch bản quốc gia, đến năm 2075, khi nước biển dâng cao 50cm, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 10,55% diện tích tự nhiên bị ngập, nhiều vùng đồng bằng nước ngọt bị nhiễm mặn. Vấn đề càng đáng lo hơn khi trào lưu sử dụng nguồn nước để phát triển thủy điện ở các quốc gia phía thượng nguồn sông Mêkông sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn này.
 
 
Bên cạnh đó, ông Đức cũng chỉ ra rằng chính sự phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị hóa và tăng dân số... đã và đang dồn đẩy đa dạng sinh học và hệ sinh thái đất  ngập nước khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào thế “chân tường”.


Theo TS Nguyễn Chí Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước - đang tồn tại nghịch lý đáng sợ giữa ý nghĩa to lớn của đất ngập nước với diện tích thực tế và nguồn đầu tư cho công tác nghiên cứu, quản lý đất ngập nước: “Đến nay, chưa có công trình nào kiểm kê, xác định đồng bằng sông Cửu Long có bao nhiêu diện tích đất ngập nước tự nhiên theo quy định của Luật đa dạng sinh học, nhưng có một điều rất dễ nhận thấy là phần lớn các hệ sinh thái không còn phát triển theo quy luật tự nhiên nên rất khó khăn để tìm ra những diện tích đất ngập nước tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long...


Trong khi đó, theo TS Nguyễn Chí Thành, các cơ quan quản lý ở cấp trung ương thường chỉ quan tâm giá trị và tầm quan trọng của đất ngập nước, nhưng chưa xây dựng được tiêu chuẩn và tiêu chí để bộ máy chuyên trách hoạt động hiệu quả nhất. Chưa kể đến việc thiếu hành lang pháp lý cho các khái niệm nền tảng trong bảo vệ đất ngập nước như phạm vi và quy mô vùng đệm...

Những việc “cần làm ngay”


Phát biểu tại diễn đàn, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, đã đến lúc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp  và Phát triển Nông thôn xây dựng chiến lược hay quy hoạch tổng thể làm nền tảng cho việc quy hoạch sử dụng đất và các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, làm nền tảng vững chắc cho việc chặn đứng nguy cơ các vùng đất ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long bị “sa mạc hóa”. Hai bộ Tài nguyên và Môi trường và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp xây dựng quy chế quản lý bền vững khu bảo tồn đất ngập nước phù hợp với từng vùng sinh thái.
 
 
Trong đó, ngoài việc xây dựng tiêu chuẩn và tiêu chí về nguồn cán bộ..., cần làm rõ thêm trách nhiệm của từng thành phần, đơn vị có liên quan từ trung ương đến địa phương về đầu tư vốn cho các hoạt động kiểm kê, giám sát đa dạng sinh học cũng như tạo cơ chế phát triển nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hệ sinh thái và cơ chế chia sẻ lợi ích theo đặc thù của vùng đất ngập nước... Từ đó, tạo điều kiện cho các ban quản lý vùng đất ngập nước kêu gọi cộng đồng dân cư tham vào các hoạt động bảo tồn một cách bền vững...


TS Nguyễn Chí Thành cũng cho rằng, cần tiếp tục đầu tư công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của đất ngập nước trong nhân dân, phải làm cho toàn xã hội biết về dất ngập nước, khi đó công tác quản lý hệ sinh thái này mới có hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên muốn làm được điều này - theo TS Thành - nên bắt đầu từ nguồn nhân lực “bên trong”.
 
 
Bởi thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ các ban quản lý khu bảo tồn làm việc bằng kinh nghiệm và học hỏi thực tế. Trong khi đó ngay cả những khóa tham quan, tập huấn chuyên ngành cũng chưa thực sự trở thành nhiệm vụ của các Ban quản lý vùng đất ngập nước. Vì vậy, theo TS Thành, tới đây Nhà nước cần có chương trình đào tạo chính quy - hiện đại cho “cỗ máy cái” này sớm đi vào hoạt động.

 

Theo LĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo