Tin tức - Sự kiện

Đau buồn có phải là bệnh tâm thần?

Hiệp hội các bác sĩ tâm thần của Mỹ vừa quyết định xếp sự đau buồn vào một trong những chứng bệnh tâm thần. Quyết định này đã dấy lên nhiều tranh cãi.

Theo Daily Mail, quyết định này của Hiệp hội sẽ được đưa vào quyển “Chẩn đoán và hướng điều trị của những bệnh tâm thần” gọi tắt là DSM-5, được phát hành vào năm 2013.



Theo đó, Hiệp hội các bác sĩ tâm thần của Mỹ cho rằng việc này sẽ giúp các bác sĩ linh động hơn để điều trị sớm cho những bệnh nhân bị trầm cảm sau khi mất người thân.



Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều bác sĩ tâm thần và các nhà tâm lý học.



Mới đây, tạp chí y tế nổi tiếng The Lancet (Anh) đã đăng tải một bài viết phản pháo lại quyết định của Hiệp hội.



Bài viết cho rằng: “Sự đau buồn không phải là một bệnh tâm thần và không cần được điều trị bằng thuốc. Đau buồn chỉ là một phần bình thường của con người, là một phản ứng tất nhiên trước sự ra đi của người thân yêu”.



Người viết đồng ý rằng trong một vài trường hợp hiếm hoi, sự đau buồn kéo dài, biến thành chứng trầm cảm và cần điều trị y tế nhưng trường hợp như vậy không hề chiếm đa số.



“Các bác sĩ nên cho bệnh nhân thêm thời gian, sự thông cảm, chia sẻ hơn là kê đơn cho bệnh nhân”, bài viết ghi rõ.



Peter Kinderman, giáo sư tâm lý từ Trường ĐH Liverpool (Anh) cho biết: “Việc thêm chứng đau buồn vào danh sách các bệnh tâm thần sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề, dẫn đến tất cả các liệu pháp y học, thuốc men, phân tích... đều bị ép vào một khuôn khổ chữa trị một loại bệnh vốn không phù hợp với bệnh nhân. Nhiều người sẽ xấu hổ khi đột nhiên bị xếp vào dạng người bị bệnh tâm thần”.



(Theo Thanh niên)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo