Tin tức - Sự kiện

Để kinh doanh giáo dục phát triển

Câu chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Giáo dục cho thấy dù rất tích cực nhìn về số lượng nhưng thực chất “vẫn nửa vời”, theo đại diện của nhiều trường học.

Chất lượng nguồn nhân lực cũng như nền tảng tiến bộ văn minh của một xã hội chịu sự tác động rất lớn, hay nói đúng hơn là chất lượng tiến bộ xã hội phụ thuộc trực tiếp từ chất lượng, quy mô, trình độ của ngành giáo dục.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam hiện đang khá lúng túng. Khi giáo dục không còn là lĩnh vực độc quyền nhà nước, thì hoạt động này còn bị tác động bởi những mục tiêu và điều kiện kinh doanh hiện được đánh giá là không tương thích, do luật định chưa thể điều chỉnh kịp để phù hợp với thời đại đang phát triển. 

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý và đã mạnh mẽ đề xuất cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI ghi nhận. Sự cầu thị thể hiện ở sự hiện diện của lãnh đạo các đơn vị của Bộ Giáo dục tại Hội thảo về cắt giảm điều kiện kinh doanh ngành giáo dục hôm 15/5/2018. Sự cầu thị thể hiện ở con số 51% điều kiện kinh doanh đã được Bộ này cho biết sẽ bỏ.

Trong 212 điều kiện kinh doanh, Bộ Giáo dục dự kiến bãi bỏ 81 điều kiện (38,2%) và đơn giản hóa 29  điều kiện (13,7%). Nhưng với những điều kiện còn lại, vẫn còn rất nhiều điều kiện đang kìm hãm sự phát triển của các cơ sở giáo dục và vẫn sinh ra những thủ tục phiền phức khác. Đơn cử như quy định khống chế tỷ lệ học sinh người Việt ở trường quốc tế không được quá 10% tổng số học sinh. Quy định này làm hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục quốc tế của học sinh người Việt.

Để thành lập một cơ sở đào tạo ngắn hạn vẫn phải thực hiện tuần tự 3 thủ tục: xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục và cấp giấy phép hoạt động giáo dục. “Mỗi giấy phép mất 30 ngày, tổng cộng thời gian có được 3 giấy phép quá dài cho một cơ sở đào tạo ngắn hạn”, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Giám đốc Pháp chế Apollo và Đại học Anh quốc (BUV) Việt Nam, đã cho phép thành lập, thì giấy phép “cho hoạt động” là không cần thiết. Hay như quy định cơ sở giáo dục phải được “UBND tỉnh xác nhận danh sách giáo viên và xác nhận cơ sở vật chất của trường”. “Chỉ là UBND tỉnh xác nhận” thôi nhưng để có nó, trường phải gửi tới Sở Giáo dục tỉnh, Sở kiểm tra, xác minh và gửi lên Bộ Giáo dục, trong khi vụ chức năng của Bộ đã thẩm tra 2 mục này. 

Để được cấp phép thành lập, trong hồ sơ xin cấp phép phải có đầy đủ hồ sơ giáo viên với giấy phép lao động, hợp đồng lao động... Như vậy hoặc trường vẫn phải ký hợp đồng với giáo viên, đã ký hợp đồng là phải trả lương mà chưa biết có được cấp phép hay không, lúc nào được, nếu vẫn duy trì quy định này, rất có thể lúc nào đó sẽ có trường hợp “lập hồ sơ giáo viên giả”. Như vậy một quy định tưởng như để quản lý chặt lại thành kẽ hở cho việc giả mạo. Trước những quy định kiểu như thế này, ông Đậu Anh Tuấn phải thốt lên “đúng là chỉ vì một cụm từ thôi kéo theo bao phiền phức”.

 

Ngược lại, lại có những điều kiện “mở” không quy định rõ khiến các trường đứng trước rủi ro “bị làm khó” nếu có đoàn kiểm tra. Đó là chẳng có quy định nào bắt buộc “giáo dục phổ thông” phải do người Việt làm hiệu trưởng, nhưng cũng không có quy định nào nói rõ “giáo dục phổ thông được phép có hiệu trưởng là người nước ngoài”, trong khi quy định rất rõ với trường đại học. Vậy là với trường đại học có hiệu trưởng là người nước ngoài nhưng với  trường phổ thông “để không vi phạm” phải có cả hiệu trưởng người nước ngoài và hiệu trưởng người Việt”. 

Câu chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Giáo dục cho thấy dù rất tích cực nhìn về số lượng nhưng thực chất “vẫn nửa vời”, theo đại diện của nhiều trường học. Và dù rất thiện cảm nhưng ông Đậu Anh Tuấn cũng phải nói rằng “51% điều kiện được Bộ đề xuất bãi bỏ đã vượt yêu cầu bãi bỏ 50% mà Chính phủ đặt ra, nhưng thực tế dư địa cải cách vẫn còn rất lớn”. Và một chuyên gia đã phải nói rằng “chúng ta đang mang tư duy cấp độ 2.0 để hoạch định chính sách, tạo lập môi trường kinh doanh cho thời kỳ 4.0, mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với kỷ nguyên số đang ập đến rất nhanh.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo