Pháp luật

Đề nghị tịch thu xe đua trái phép

Một số ý kiến tại Phiên họp thứ bảy Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 10/4) đề nghị: Cần tịch thu phương tiện tham gia đua xe, cho dù đó là xe người vi phạm đi mượn.

Tại Điều 84, Dự thảo Luật Xử lý Vi phạm hành chính quy định: tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm thì có thể bị tịch thu.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là quy định mới, không có trong luật hiện hành. Và để giải quyết vấn đề sở hữu thì trên quan hệ dân sự: người mượn phải bồi thường cho chủ sở hữu, khi xe vi phạm bị tịch thu.

 

Theo Ủy ban Pháp luật, có một số ý kiến đồng tình quan điểm này. Đặc biệt, trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến trật tự công cộng như khai thác khoáng sản, đua xe trái phép… Điều này, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, để đảm bảo quyền sở hữu về tài sản thì chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp còn có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại.

 

“Tang vật là xe đua trái phép cần phải thu hồi, tịch thu không cần phân biệt chủ sở hữu hay chủ sử dụng, nếu không tệ nạn này sẽ rất nhức nhối. Chẳng hạn, phụ huynh cho con mình sử dụng xe máy, đua xe thì phải xử lý…”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị.

 

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần cân nhắc trường hợp phương tiện vi phạm không thuộc sở hữu chính chủ thì việc tịch thu sẽ không đảm bảo công bằng, và không phù hợp với hàng loạt các quy định trước đây của pháp luật liên quan đến việc sở hữu tài sản.

 

Vi phạm môi trường - có thể phạt đến hai tỷ đồng

 

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm và cho rằng, cần tăng mức phạt tiền tối đa để răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính. Dự thảo quy định: Mức phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân từ 50 nghìn đến 1 tỷ đồng, với tổ chức là hai tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại luật khác. Mức phạt hai tỷ đồng nếu so với Pháp lệnh Xử lý hiện hành là cao hơn 5 lần. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị nâng mức phạt cao hơn nữa đối với các tổ chức vi phạm.

 

“Mức phạt này đối với tổ chức vi phạm hành chính thì không thấm tháp gì, đơn cử như trong lĩnh vực môi trường, có tổ chức sau khi bị phạt xong vẫn vi phạm” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại. Ông Hiển cũng đề nghị trong xử phạt các hành vi vi phạm hành chính ở các thành phố lớn cần nâng cao mức phạt để răn đe. Bởi ở đó dân trí cao hơn, hành vi vi phạm hành chính thường gây nguy hiểm lớn hơn, bức xúc nhiều hơn khu vực khác.

 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị thiết kế một điều khoản riêng về các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường, với mức xử phạt thật cao.

 

Theo TP

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo