Góc nhìn

Để người Việt giàu hơn: Đừng làm kiểu... "ông trời ban phát"!

Hiện nay Việt Nam cả về công nghệ và phân bổ nguồn lực đều kém thế thì năng suất thấp là đương nhiên.

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương đã phân tích về mối tương quan để lý giải vì sao năng suất lao động của Việt Nam quá thấp.

 
Cần bao nhiêu người để...đưa máy bay lên trời?

PV: -Thưa ông mới đây tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong một hội thảo sau đó của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chuyên gia chỉ rõ, năng suất lao động của Việt Nam chỉ xấp xỉ Lào. Việc năng suất lao động của Việt Nam thấp thì đã quá rõ, song một thực tế đã được chuyên gia chỉ ra sẽ không có ý nghĩa gì trong tính chuyện tăng năng suất khi chúng ta chủ yếu là gia công. Quan điểm của ông về vấn đề này?
 
PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Việc tính năng suất lao động là đơn giản nhất trong kinh tế vì nó thể hiện năng lực của một nền kinh tế. Năng lực đó thể hiện tương quan giữa cái người ta bỏ sức ra với cái thu về.
 
Ví dụ như những người đi mò hến, bắt cua… là nền kinh tế hái lượm, tiểu nông thì dùng công cụ bằng tay thì năng suất lao động phụ thuộc vào sức của họ rất nhiều.
 
Trong khi đó sức của con người với đôi tay cũng chỉ có thể cầm một cái liềm chứ không thể cầm hai cái một lúc.
 
Đến cuộc cách mạng công nghiệp thì sản sinh ra máy móc. Rồi cuộc cách mạng công nghệ thì họ sản sinh ra những loại công nghệ cao tạo ra công suất rất ghê gớm.
 
Hay để dễ hình dung hơn nếu dùng sức người thì sẽ cần bao nhiêu người để đưa được một máy bay lên bầu trời?. Ví như chiếc Boing 747 nặng như thế mà có thể bay với tốc độ 800-1.000km/h tức là nó phải có một sức mạnh ghê gớm lắm.
 
Nói như vậy để thấy năng suất lao động phụ thuộc vào năng lực của một quốc gia cũng như việc sử dụng các nguồn lực để tạo ra của cải.
 
Nhưng hiện nay Việt Nam cả về công nghệ và phân bổ nguồn lực đều kém thế thì năng suất thấp là đương nhiên. Xã hội của chúng ta về phương thức sản xuất vẫn còn nhiều bộ phận làm theo kiểu thủ công, lạc hậu. Còn ở những ngành công nghệ cao thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp lại sử ụung nguồn lực hiệu quả rất thấp.
 
Rốt cuộc tất cả những điều này sẽ dẫn đến hiệu quả, năng suất lao động kém. Từ đó dẫn tới tương quan lực lượng giữa cái làm ra với cái bỏ ra rất thấp. Năng suất lao động trong một nền kinh tế thị trường thì của cải mang giá trị nên thành ra người ta phải tính toán số tiền trên đầu người tương ứng với sản phẩm họ làm ra như thế nào.
 
Hiện nay người ta tính năng suất lao động của Việt Nam quá thấp thành ra khi tính hiệu quả kinh tế nói chung theo hàm của các nhà kinh tế sẽ thấy năng suất ấy phần lớn là do mình sử dụng công nghệ thấp, quản lý kém nên các yếu tố tổng hợp sẽ thấp.
 
Trong khi đó hệ thống phân bổ và sức ép để người ta sử dụng hiệu quả các nguồn lực của chúng ta lại không theo thị trường. Khi thị trường méo mó, không phát triển và sự can thiệp của nhà nước quá nhiều vào đó sẽ thấy như là một xã hội ì ạch, không phát triển được.
 
Nếu chỉ dùng sức người và sự cần cù sẽ không thể cạnh tranh được với công nghệ và máy móc
 
PV: - Việc phát triển nền kinh tế tri thức đã được đặt ra trong nhiều năm trở lại đây nhưng kết quả là, đến bao bì cho Samsung chúng ta cũng chưa làm được hết. Độ lệch pha giữa mục đích và thực tế này có nguyên nhân từ đâu? Sự ưu ái doanh nghiệp nhà nước và cách thức làm ăn trì trệ, không đổi mới của khối này phải chịu trách nhiệm như thế nào trong việc năng suất lao động chung rất thấp?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Chúng ta chưa có nền kinh tế tri thức. Nếu căn cứ vào 3 thời đại kinh tế: là làn sóng nông nghiệp, công nghiệp và tri thức thì có thể thấy làn sóng tri thức thế giới đang được hình thành còn nước ta giờ mới đang phải vượt qua hai làn sóng nông nghiệp và công nghiệp.
 
Trong khi các nước đang chuyển sang kinh tế tri thức thì chúng ta đang dậm chân ở nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu mà chưa chuyển sang được công nghiệp.
 
Nghĩa là chúng ta ở thời kỳ phải vượt qua hai làn sóng để đến với nền kinh tế thi thức nhưng nếu không có đủ năng lực thì sẽ mắc vào bẫy thu nhập trung bình mà không vươn lên được.
 
Còn các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang thể hiện hệ thống ấy sử dụng các nguồn lực không hiệu quả. Cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới đã vượt qua rồi còn chúng ta vẫn đang chìm ở đó cho nên không thể sang được cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
 
Cuộc cách mạng này không phải tự nhiên có mà nó cần một hệ thống có thể sử dụng nó. Muốn như vậy phải cấu trúc lại nền kinh tế, tạo cơ chế, động lực để sử dụng nguồn lực hiệu quả. Cơ chế ấy dựa trên nguyên tắc phải phân bổ nguồn lực cho hợp lý. Và một nghiên cứu đã chỉ rõ nếu nguồn lực không phân bổ hợp lý thì hiệu quả sẽ rất thấp.
 
Trong khi đó cơ chế đang dành cho khối doanh nghiệp nhà nước là phân bổ, phân phối và nhận được lợi ích mà do nỗ lực hay là tự nhiên... ông trời ban phát thì đã quá rõ.
 
Nếu do người ta làm ra thì họ sẽ biết cách để tạo tiếp chuỗi giá trị cho chu kỳ tiếp theo. Còn khi người ta đã không chịu áp lực thì họ sẽ sử dụng nguồn lực một cách bừa bãi, phung phí.
 
Có thể thấy rằng khối doanh nghiệp nhà nước hiện nay là trị trệ nhất trong nền kinh tế của chúng ta cho nên năng suất ở vùng này rất thấp, thậm chí là âm và ăn vào vốn của nhà nước thì làm sao có thể nói đến một sự cải tiến.
 
Đáng ra với cơ chế thị trường anh làm kém thì sẽ phải sụp đổ để cho người mạnh tiến lên, đằng này ở môi trường của chúng ta chưa chắc điều đó đã xảy ra nếu không nói có trường hợp còn đi ngược lại xu thế này.
 
Chính điều này làm cho bộ máy kinh tế bị hỏng nên năng suất thấp là đương nhiên còn năng suất cao mới là nghịch lý.
 
Bức tranh vận hành ngược

PV: - Hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam nhưng sự tham gia vào chuỗi giá trị của Việt Nam còn quá ít. Nghĩa là phần GDP được tính do thành tích xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI khác xa phần thực sự Việt Nam được hưởng. Trước sự thật khách quan đó, phải nhìn nhận thế nào cho đúng về con số năng suất lao động vừa được công bố, từ đó nhìn nhận thế nào về năng lực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?
 
PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Với khối FDI tôi đã nhiều lần phân tích rằng khối này cũng lợi dụng các lỗ hổng của cơ chế chính sách ưu đãi để tăng hiệu quả kinh tế của họ lên. Đây là nơi chúng ta hy vọng nhất có thể thay đổi phương thức sản xuất thì nó lại làm thất vọng.
 
Và có thể thấy cái gốc vấn đề là nền kinh tế này chưa được đặt lên cái đường ray đúng của nó áp với nền kinh tế thị trường và nhà nước đúng theo chuẩn của nó.
 
PV: - Một giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất lao động, nghĩa là tăng tính hiệu quả của nền kinh tế (hiện chỉ gia công và bán tài nguyên) phải được tiếp cận như thế nào: giảm bộ máy hưởng lương ngân sách, tăng hàm lượng chất xám và giá trị lao động nhận được…? Với điều kiện hiện nay, Việt Nam phải bắt đầu từ đâu và với quyết tâm như thế nào để không bị tụt hậu so với các nước hiện vẫn bị kém phát triển hơn mình?
 
PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Chúng ta đang thấy một bức tranh phân bố, thu hút, vận hành ngược với quy tắc của kinh tế. Như thế thì làm sao hiệu quả được?.
 
Với khu vực bộ máy công chức chúng ta vẫn thấy một nghịch lý là chúng ta càng nói tinh giản thì nó lại càng phình ra.
 
Cũng giống như khối doanh nghiệp nhà nước, có một lý do là có cơ chế bộ phận này luôn luôn được duy trì và tái tạo nên nó chỉ có phình ra chứ không giảm đi được.
 
Các cơ chế tạo ra khiến những người làm việc trong khu vực đó thấy rằng họ được hưởng lợi mà không phải mất nhiều công lao. Cho nên có thể thấy một sự tương quan rằng khu vực làm kinh doanh kinh tế, tạo ra của cải vật chất thì quá kém trong khi đáng ra tại đây phải hút nhiều chất xám và tạo ra sự cạnh tranh thực sự giữa khu vực bày với khu vực hành chính.
 
Nếu khu vực làm kinh tế hút được người tài thì sẽ kéo theo bên hành chính cũng phải cải tổ tìm người tài. Đằng này khu vực hành chính lại được nuôi dưỡng, an toàn.
 
Cho nên có thể thấy để tăng năng suất lao động thì phải nhìn nhận nền kinh tế của chúng ta được cấu tạo bởi những lực lượng sản xuất nào và cách thức sử dụng nguồn lực ra sao. Phải thay đổi toàn bộ cấu trúc, phân bổ một cách hợp lý hơn.
 
Những lát cắt này cho thấy nền kinh tế của chúng ta phát triển không ổn chút nào. Cho nên muốn thay đổi thì phải thấy được chúng ta đang định làm cái gì. Có thực sự muốn xây dựng một xã hội giàu có, thịnh vượng và bền vững hay không.
 
Để có được 3 giá trị này thì phải yêu cầu có một bộ máy như thế nào với khả năng tự tạo ra điều kiện thu hút và thay đổi bản thân nó. Bộ máy đó phải có khả năng tiếp cận được cái mới, tự cải tạo mình thay vì cố duy trì cái cũ và thiếu hiệu quả như hiện nay.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo