Tin tức - Sự kiện

Đề xuất bỏ "Chí Phèo" ra khỏi SGK: Con gái nhà văn Nam Cao nói gì?

Mới đây, ý kiến đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình Ngữ văn THPT đã làm dậy sóng dư luận. Nay con gái của cố nhà văn Nam Cao cũng đã lên tiếng.

Đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh trường ĐH Newcastle (Australia) nêu quan điểm nên đưa tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn đang gây nhiều tranh cãi. Anh Hiền cho rằng: "Chí Phèo” một tác phẩm văn xuôi hiện thực của nhà văn Nam Cao được không ít học giả và nhà phê bình văn học Việt Nam đánh giá là một trong những tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm giáo dục, bản thân tác phẩm không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, ngược lại có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh lớp 11."

Phóng viên báo Người Đưa Tin đã liên hệ với con gái cố nhà văn Nam Cao, bà Trần Thị Hồng xung quanh ý kiến này.

Trả lời phóng viên, bà Hồng cho rằng việc anh Nguyễn Sóng Hiền muốn đề nghị bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa thì nên đề xuất với bộ Giáo dục và Đào tạo.

Con gái nhà văn Nam Cao cho rằng, tác phẩm văn chương vốn có nhiều tầng nghĩa, khi tác giả đặt bút chấm dấu chấm cuối cùng và “gửi” tác phẩm mình cho độc giả thì độc giả, tùy vào thời đại, kinh nghiệm sống, kiến thức cá nhân... có quyền hiểu tác phẩm theo cách riêng của mình.

Bà Trần Thị Hồng - con gái nhà văn Nam Cao (Ảnh: Người Đưa Tin).

"Anh Nguyễn Sóng Hiền nói tác phẩm không có tính giáo dục là ý của cá nhân anh Hiền. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi nghe được ý kiến trái chiều về tác phẩm. Thực ra, tôi cho rằng các cháu học sinh THPT bây giờ có đủ hiểu biết để phân tích được cái hay, không hay của mọi sự việc chứ không chỉ là với tác phẩm văn học", bà Trần Thị Hồng nêu quan điểm.

Bà Hồng cũng chia sẻ, một tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh phổ thông chắc chắn phải được cân nhắc rất kỹ, qua nhiều khâu. Các nhà phê bình văn học, các chuyên gia, hội đồng biên soạn đã mổ xẻ nhiều góc cạnh của tác phẩm.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Côn (con rể nhà văn Nam Cao) cho biết, hàng năm, có nhiều thế hệ học sinh ở các tỉnh xung quanh Hà Nam trước mỗi kỳ thi đều đến ngôi nhà lưu niệm, thăm mộ nhà văn Nam Cao, tham quan nhà Bá Kiến. “Chắc chắn nếu các cháu không yêu thích tác phẩm, không muốn hiểu kỹ, sâu sắc những thông điệp mà bố tôi muốn chuyển tải qua Chí Phèo, các cháu sẽ không mất công, mất sức như vậy”, ông Côn nói.

Ảnh chụp từ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy".

Trên các trang tin khác nhau và trên mạng xã hội đã xảy ra những cuộc tranh luận với ý kiến của anh Nguyễn Sóng Hiền. Hầu hết cư dân mạng đều cho rằng "Chí Phèo" là một tác phẩm văn học hiện thực hấp dẫn, phản ánh đời sống xã hội nước ta thời kỳ đó và khuyên anh Hiền không nên "đánh giá quá thấp năng lực nhận thức của học sinh", bởi thế hệ trẻ giờ rất năng động, thông minh.

Cũng xoay quanh vấn đề này, trả lời VTC News, TS Trịnh Thu Tuyết (Nguyên giáo viên dạy môn Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: “Mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình, tôn trọng sự khác biệt là nguyên tắc sống nhân văn nhất.

 

TS Trịnh Thu Tuyết (Ảnh: VTC News).

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta giúp lan truyền và chấp nhận những phát ngôn có thể gây phương hại tới những giá trị đích thực trong cộng đồng. Vì vậy, tuyệt đối không thể chấp nhận đề nghị loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông”.

Trong khi đó, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bày tỏ quan điểm trên Dân Việt: “Anh Sóng Hiền biết rõ tác phẩm "Chí Phèo" là một tác phẩm văn học, nhưng đọc bài viết của anh, tôi thấy anh đã đọc truyện ngắn "Chí Phèo" không phải như một tác phẩm nghệ thuật, mà như một văn bản mang tính hình sự. Đó là cái nhầm tai hại, dẫn đến việc anh không thể hiểu hết về hình ảnh Chí Phèo”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Ảnh: Dân Việt).

Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội phân tích, trước hết, khi tiếp nhận một tác phẩm truyện ngắn, phải biết được cấu trúc, kết cấu các nhân vật, phải đặt trong khung cảnh, bối cảnh nghệ thuật tác giả đã tạo ra cho nhân vật hoạt động, để tính cách nhân vật phát triển.

Truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam cao là một văn bản nghệ thuật, phải có cách độc để giải mã tác phẩm nghệ thuật đó. Nên khi đưa tác phẩm vào trong nhà trường, giáo viên qua sách giáo khoa phải phân tích tác phẩm văn học. Đối với truyện "Chí Phèo", đầu tiên tác giả đã trình bày, bối cảnh, khung cảnh nhân vật. Từ truyện đó, người ta khái quát người nông dân bị lưu manh hóa. 

Nên đọc
Minh Hồng (Tổng hợp theo báo Người Đưa Tin, VTC News, Dân Việt, mạng xã hội)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo