Xã hội

Đề xuất xây Ga Hà Nội cao 40 - 70 tầng: Phá vỡ quy hoạch?

Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, dân cư nội đô tăng chóng mặt việc đề xuất xây Ga Hà Nội cao 40-70 tầng sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất xây dựng hàng loạt công trình trung tâm tài chính, khu thương mại quốc tế, khu nghỉ dưỡng đô thị…, tại khu vực ga Hà Nội và phụ cận với công trình cao từ 40 -70 tầng, lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố cho biết, hiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000, thành phố đang lấy ý kiến các bộ ngành, theo tin tức trên báo Tiền phong.

Đề xuất xây cao ốc 70 tầng tại khu vực ga Hà Nội là phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Hồng Vĩnh/Tiền phong

Còn muốn làm rõ thì phải hỏi Sở Quy hoạch-Kiến trúc, đơn vị được giao lập quy hoạch. Vị này cũng cho rằng, thông tin đã có nhiều nhà đầu tư BĐS đăng ký tham gia thực hiện các dự án theo Đồ án đề xuất là không chính xác.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng, phải căn cứ theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng duyệt và gần nhất là “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội” do Hà Nội ban hành năm 2016. 

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã nhiều lần nghiên cứu cải tạo chỉnh trang khu vực ga Hà Nội, phố Trần Quý Cáp gắn với khu vực Văn Miếu- Quốc Tử Giám mà lần gần đây nhất là năm 2011 song chưa thành cũng là do có nhiều ý kiến không đồng thuận việc phá dỡ công trình cũ có giá trị.

Ông Nghiêm phân tích, Đồ án đề xuất xây dựng công trình cao 40- 70 tầng nhưng lại gặp giới hạn chiều cao công trình ở khu vực 4 quận nội đô lịch sử đã được phê duyệt. Ngay tại khu vực hồ Linh Quang (khu vực nội đô lịch sử), gần di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu vực hạn chế xây dựng công trình nhà ở cao tầng thì việc đề xuất xây công trình điểm nhấn cao 200m (60-70 tầng-PV) ở phía Tây Bắc hồ Linh Quang là không hợp lý. 

“Thành phố đã ban hành quy chế quản lý nhà cao tầng nội đô với quy định các khu vực không được phép hay hạn chế xây dựng công trình cao tầng (giới hạn tầng cao tối đa tập thể cũ Văn Chương chỉ 18 tầng), không hà cớ gì lại đi nâng vượt trần nó lên. 

 

Nâng chiều cao, tăng số dân cư sẽ có tác động rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật của khu vực đó. Hạ tầng đã quá tải sẵn, giờ thêm dân vào ở nữa thì lại càng quá tải. Ở đây không phải là bài toán của nhà đầu tư mà là bài toán của chính quyền đô thị”, ông Nghiêm nói.

TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho hay khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành đều là những tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc. Nếu xây dựng nhà cao tầng từ 40 - 70 tầng thì càng tắc nghẽn hơn, báo Thanh niên đưa tin.

“Tôi cho rằng đề xuất này có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho TP. Những năm gần đây, công tác quản lý quy hoạch Hà Nội bị buông lỏng, nhà cao tầng mọc lên tùy tiện, dân số tập trung ngày càng cao. 

Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng”, TS Phạm Sĩ Liêm nhìn nhận.

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, cho hay đề xuất xây dựng nhà cao tầng từ 40 - 70 tầng gửi các bộ, ngành mới là nghiên cứu, lấy ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng. Đến nay, TP.Hà Nội đã gửi lấy ý kiến các Bộ GTVT, Bộ Xây dựng... Ông Lê Vinh cũng thừa nhận, khu vực ga Hà Nội thuộc diện hạn chế chiều cao công trình.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Tiền phong, Thanh niên)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo