Tin tức - Sự kiện

Đi làm móng, suýt mất ngón tay

Chỉ đến chậm chút nữa là chị Lan đã phải tháo khớp hoặc cắt bỏ ngón tay để bảo toàn tính mạng, bởi ngón tay chị đã nhiễm trùng nặng do làm móng.

Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng phòng Khám bệnh, Viện Da liễu Quốc gia, cho biết phòng khám của ông từng tiếp nhận không ít bệnh nhân đến khám vì hậu quả của việc làm đẹp cho móng tay. Có những bệnh nhân chỉ bị dị ứng do dung dịch sơn vẽ trên móng, hoặc dung dịch tẩy rửa. Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng.


Đi cấp cứu chỉ vì bấm móng


Trường hợp chị Hoàng Thanh Lan, 27 tuổi ở Hàng Bông, Hà Nội là một ví dụ. Chị đến viện khám trong tình trạng ngón trỏ và ngón cái sưng phồng, đau buốt, chảy dịch vàng, người bị sốt. Theo chị Lan, ba ngày trước đó chị có đi sơn sửa móng tay tại một cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Do khi cắt da thừa và bấm móng, cô nhân viên bấm quá sâu nên khóe tay bị chảy máu. Nghĩ là chuyện đơn giản nên chị Lan không để ý, chỉ đến khi hai ngón tay sưng vù, đau nhức không thể cầm nắm được, chị mới tới Bệnh viện khám.
 

Bác sĩ Thành chẩn đoán chị Lan bị bệnh chín mé. Đây là bệnh nhiễm trùng tạo mủ hoặc áp xe ở đầu múp các ngón tay, ngón chân. Nguyên nhân thường gặp là tụ cầu khuẩn vàng (S.aureus), Herpes. Nếu không được chữa trị kịp thời, giữ vệ sinh thì bệnh có thể gây những biến chứng như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây tử vong. Trường hợp của chị Lan may mắn vẫn còn cứu được ngón tay bằng việc điều trị kháng sinh liều cao. Còn với những trường hợp để quá muộn, khi nhiễm trùng đã hoại tử, có thể sẽ phải tháo khớp hoặc cắt bỏ ngón tay để bảo đảm tính mạng.


Đẹp móng, hại người


Theo bác sĩ Thành, ngoài bệnh chín mé, thói quen làm móng, cắt tóc ở những cơ sở không đảm bảo rất có thể bị lây nhiễm những bệnh nguy hiểm. Một nghiên cứu mới đây được đưa ra tại hội nghị khoa học thường niên của American College of Gastroenterology tổ chức tại Mỹ, nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan qua các dụng cụ làm móng tay, móng chân hay dụng cụ cắt tóc đã trở thành vấn đề đáng ngại. Các dụng cụ được nghiên cứu bao gồm dũa móng tay, bàn chải móng, chậu rửa, bông tẩy sơn móng, dao cạo, và kéo. Không những có thể là nơi trú ẩn lý tưởng cho các vi khuẩn gây hại nếu không được tẩy trùng và làm sạch cẩn thận, các dụng cụ trên còn có nguy cơ trở thành vật trung gian lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như viêm gan B và C.


Ngoài ra, việc thay đổi màu sơn móng thường xuyên sẽ làm thoái hóa móng bởi mỗi một lần sơn, móng phải chịu tác động của nhiều loại chất gồm: nước rửa móng, nước sơn, nước làm móng… Các hóa chất này có thể làm vàng móng, kích ứng phần da quanh móng, khiến chúng trở nên khô, giòn dễ gãy, nặng hơn có thể gây ra hiện tượng hở móng.


Lưu ý khi cắt móng


Các chuyên gia khuyến cáo, để có móng tay, móng chân khỏe, đẹp cần thực hiện các biện pháp chăm sóc bảo vệ móng như sau: không nên cắn móng tay hoặc gây tổn thương cho móng, bởi vì vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương nhỏ. Dùng găng tay bằng cao su để tránh cho móng không tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, dung dịch hòa tan, dầu nhớt, xà phòng… vì các chất này rất dễ làm tổn thương, thay đổi cấu trúc, hình dạng và màu sắc của móng. Dùng mỹ phẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Tuyệt đối không dùng thuốc rửa móng có chất acétone vì nó làm móng khô giòn, dễ gãy.


Khi cắt móng cần lưu ý không cắt quá sát vào da hoặc lấy khóe sâu ở hai bên của ngón chân, ngón tay, không cắt móng tròn. Móng nên được cắt thẳng và giữ cho đầu móng luôn dài hơn da. Điều này ngăn chặn gốc móng đâm vào da. Tốt nhất nên sắm cho mình một bộ dụng cụ làm móng và dao cạo riêng để sử dụng mỗi khi tới tiệm làm đẹp.


Theo Đất Việt

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo