Tin tức - Sự kiện

Dịch bệnh khó lường

Từ đầu năm đến nay, bệnh nhân tay chân miệng tăng 7,46 lần so với cùng kỳ năm 2011 l Cúm A/H5N1 lan rộng, tấn công cả người trẻ khỏe l Dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh

Ngày 9-3, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đang phải cùng lúc đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng (TCM), cúm A/H5N1, sốt xuất huyết... Các dịch bệnh này cũng đe dọa bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là cúm A/H5N1 trên người.

 

Bệnh tay chân miệng vào mùa

 

Ghi nhận tại các bệnh viện (BV) nhi ở TPHCM ngày 8-3 cho thấy bệnh TCM đang bắt đầu vào mùa với số ca mắc nhập viện điều trị ngày một tăng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1-TPHCM, cho biết mỗi ngày, BV tiếp nhận 10-15 trẻ mắc bệnh TCM, chưa kể tại khoa đang điều trị cho 50-60 trẻ mắc bệnh này.
 

Trong đó, 10% là số ca nặng độ 2B và 3. “Mặc dù chưa có ca nặng đến mức phải lọc máu song loại bệnh này đang bắt đầu “nóng” lên, người dân nên thực hiện các giải pháp phòng ngừa cho trẻ” - bác sĩ Khanh khuyến cáo.


Một bác sĩ Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 cho biết số lượng trẻ mắc bệnh TCM nhập viện điều trị tại đây cũng đang tăng lên so với tuần trước.

Tuần qua, trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận thêm gần 140 ca mắc bệnh TCM, nâng số mắc từ đầu năm đến nay lên 925 ca, tăng gần 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2011. Đáng lưu ý, 22 phường, xã có từ 2 ca mắc TCM trở lên.

 

Đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận gần 12.500 ca mắc TCM tại 60 tỉnh, thành. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc tăng 7,46 lần, số tử vong tăng 11 trường hợp.

 

Theo cảnh báo mới nhất của Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh TCM là tiêu điểm khuyến cáo trong năm nay vì có những diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc cao. Nguyên nhân là bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp; có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp virus khác nhau.
 
Đặc biệt, sự lưu hành cao của tuýp virus EV-71 nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỉ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp…
 

Cúm A/H5N1 và dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

 

Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước đã phát hiện 4 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó 2 ca tử vong. Những bệnh nhân này đều có tiền sử giết mổ và ăn thịt gia cầm, thủy cầm bệnh. So với năm 2011, số ca mắc và tử vong do dịch bệnh này đều tăng. Đặc biệt, tất cả trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 đều có tuổi đời rất trẻ, từ 17 đến 31.

 

Giải thích khả năng cảm nhiễm chủng virus chết người này ở thanh niên, đối tượng có sức đề kháng tốt, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng chưa có nhiều bằng chứng về tính cảm nhiễm của virus cúm A/H5N1 ở người trẻ cao hơn các đối tượng khác.
“Khả năng nhiễm cúm của từng người phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm và đặc điểm di truyền học. Việc người trẻ nhiễm và tử vong do cúm A/H5N1 có thể do họ đang trong độ tuổi lao động và phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiều hơn nên dễ nhiễm bệnh hơn” - ông Hiển phân tích.

Với tình hình dịch trên gia cầm như hiện nay, các chuyên gia dịch tễ lo ngại nguy cơn dịch cúm
A/H5N1 lan rộng trên người. Đó là chưa kể virus cúm gia cầm không chỉ tồn tại trên gia cầm bệnh mà kết quả xét nghiệm cũng phát hiện chủng virus chết người này còn có trong những đàn vịt lành đang được nuôi ở các gia đình và bán trên thị trường mà không có biểu hiện bệnh.

 

Trong khi đó, theo bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, ngày 8-3, Khoa Sốt xuất huyết điều trị 28 trẻ mắc bệnh này, số bệnh nhi tiếp nhận mỗi ngày là 9 trường hợp.

 

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng cho thấy tuần qua đã ghi nhận thêm 123 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, nâng số ca mắc bệnh này tại TP từ đầu năm đến nay hơn 1.700. Đáng lo ngại, bệnh hiện lưu hành trên diện rộng tại 25 phường, xã của TP.

Nguy cơ lây lan bệnh mùa nóng

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, dịch bệnh diễn biến khó lường trên địa bàn TPHCM là do yếu tố khách quan như thời tiết thất thường, trời nắng nóng, mưa trái mùa xuất hiện sớm. Ngoài dịch bệnh TCM, sốt xuất huyết thì nguy cơ lây lan các loại bệnh mùa nóng như tiêu chảy, thủy đậu, hô hấp, ghẻ ngứa… là điều khó tránh khỏi.

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch bệnh diễn biến phức tạp còn do nhiều nguyên nhân khác nữa. Theo ông Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Tân - TPHCM, địa phương này không thể kiểm soát dịch bệnh vì nhân lực quá mỏng nhưng thực hiện khối lượng công việc quá lớn.

 

Với thực trạng này, ông Hùng “đánh cược” rằng sẽ không có vị lãnh đạo nào trong ngành y tế TP dám về Bình Tân đảm nhiệm công tác và hứa sẽ giảm được số ca mắc bệnh như hiện nay.

 

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp - TPHCM thừa nhận do thiếu nhân lực về phòng chống dịch nên có lúc đã huy động người khác chuyên môn để “chữa cháy”. Bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức-TPHCM, cho biết do diện tích khá rộng nên khi có dịch bệnh bùng phát thì quận là nơi thường xuyên trở thành điểm nóng lây lan.

Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo