Hỗ trợ doanh nghiệp

Điện Biên: Xử phạt 370 triệu đồng đối với doanh nghiệp gây sự cố môi trường

Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên đã bị xử phạt 370 triệu đồng vì có hành vi gây sự cố môi trường, vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư, xây dựng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 492/QĐ-XPVPHC, ngày 12/6/2018, xử phạt hành chính 370 triệu đồng đối với Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên (trụ sở chính tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vì có hành vi gây sự cố môi trường, vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư, xây dựng. 

Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp - Điện Biên đã để xảy ra hành vi vi phạm hành chính gồm: Chưa hoàn thiện khu vực xử lý nước thải sản xuất theo quy định, nhưng vẫn thực hiện vận hành thử nghiệm dẫn đến sự cố vỡ ao chứa nước thải tạm thời chưa qua xử lý; nước thải trong ao tràn ra suối gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt trên suối Nậm Núa.

Bể chứa chất thải của nhà máy chế biến bột sắn, Công ty Cổ phần tinh bột Hồng Diệp - Điện Biên, bị vỡ. Ảnh: Nguyễn Xuân Tiến/TTXVN.

Hành vi gây sự cố môi trường được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 34 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đưa hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. 

UBND tỉnh Điện Biên cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động nhà máy cho đến khi dự án đầu tư được thẩm định, phê duyệt và hoàn chỉnh xong toàn bộ hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Như TTXVN đã đưa tin, Nhà máy chế biến tinh bột của Công ty được UBND tỉnh Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 15/3/2017, với quy mô đầu tư 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày; diện tích mặt đất sử dụng 20.000 m2; tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án 50 năm.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã thực hiện san ủi mặt bằng, xây nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc và tiến hành sản xuất tinh bột sắn khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường. 

 

Ngày 17/7/2017, cơ quan chức năng đã kiểm tra việc triển khai dự án xây dựng nhà máy, tại thời điểm này chủ đầu tư đang tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng một số hạng mục phụ trợ. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động triển khai xây dựng nhà máy và thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của UBND tỉnh tại quyết định số 189/QĐ-UBND.

Ngày 23/10/2017, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư vẫn tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục khác của nhà máy, chưa thực hiện các quy định về đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường theo yêu cầu của đoàn kiểm tra trước đó. 

Ngày 11/1/2018, các cơ quan chức năng cùng đại diện chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, xác nhận hiện trạng nhà máy đang sản xuất, xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty dừng các hoạt động sản xuất và xả thải trực tiếp ra môi trường, thực hiện đầy đủ các thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Kết quả phân tích nhanh mẫu nước thải của nhà máy trong lần kiểm tra này cho thấy giá trị hàm lượng một số chỉ tiêu vượt giới hạn tiêu chuẩn cho phép như: Nhu cầu ô-xi hóa học COD vượt từ 10,22 đến 10,8 lần; Xyanua vượt từ 2,14 đến 2,67 lần; Cadimin vượt 27,4 lần... 

Rạng sáng 15/1/2018, bể chứa chất thải tạm của nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty bị vỡ, toàn bộ thể tích khoảng hơn 1.500 m3 nước thải đã chảy ra suối Nậm Núa, bốc mùi hôi, gây hiện tượng cá chết hàng loạt.

 

Theo cơ quan chức năng, sau biên bản ngày 11/1/2018, Công ty không chấp hành yêu cầu của các đoàn kiểm tra, vẫn tiếp tục thu mua sắn tươi của người dân, chỉ dừng sản xuất vào ban ngày, chuyển ca sản xuất vào ban đêm.

Trong khoảng thời gian từ 20 giờ ngày 14/1 đến 3 giờ 30 phút ngày 15/1/2018, Nhà máy đã vận hành sản xuất liên tục với khối lượng sản xuất hơn 40 tấn sắn tươi và để xảy ra sự cố vỡ ao chứa chất thải. Ngay sau sự cố, Công ty đã dừng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý kịp thời.

Nên đọc
Theo TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo