Thị trường

"Điệp khúc buồn" ngành nông sản: Tiếp theo là vải thiều và thanh long?

Lại một lần nữa, câu chuyện về sự phối hợp, liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) lại làm "nóng" buổi tọa đàm “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường”, do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ sáng nay (27/4).

 

Theo các chuyên gia, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ trên thì điệp khúc "được mùa mất giá" của ngành nông sản Việt Nam sẽ còn tiếp diễn.
 
ận chuyển vải đi tiêu thụ ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
 
Dẫn dắt vấn đề, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, công tác quy hoạch nếu trên lý thuyết rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường ra sao và định hướng dài hạn thế nào... đều được dự báo và lên kế hoạch cụ thể, nhưng triển khai thì không đúng.
 
Từ câu chuyện cây mắcca, ông Thừa thú nhận, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang làm quy hoạch thì nhiều nông dân ở các địa phương đã ào ạt trồng cây này, thậm chí nhiều địa phương còn đăng ký tăng diện tích trồng. 
 
Ông Thừa cũng cho rằng, nông dân thấy lợi nhuận trước mắt sẽ sẵn sàng bỏ quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu, do vậy cần xem xét lại việc phối hợp giữa 4 nhà trong từng lĩnh vực cụ thể.
 
"Dàn nhạc chưa ăn khớp lắm và gần như chúng ta đang phải chơi nhạc cho người nông dân nghe," ông Thừa nhận xét.
 
Hai chữ "phối hợp" cũng được ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhấn mạnh trong buổi tọa đọa. Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông khẳng định sự liên kết giữa 4 nhà là điểm yếu nhất, trong đó vai trò nhạc trưởng (nhà nước) vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc thực hiện quy hoạch nên "bên vẽ cứ vẽ, còn bên làm cứ làm".
 
Ông Dũng thẳng thắn, nếu từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân không có sự gắn kết, hay cụ thể hơn là thiếu tính chuyên nghiệp thì chắc chắn việc thực hiện chính sách sẽ khó thành công.
 
 
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Bộ Công Thương)
 
Có thể thấy, sau mặt hàng dưa hấu, đến thời điểm này, nhiều mặt hàng nông sản như vải thiều (Bắc Giang), trái thanh long (Bình Thuận)... đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời, câu chuyện được mùa mất giá sẽ nóng trở lại.
 
Trước nhiều ý kiến đưa ra, tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang đẩy mạnh các giải pháp để tạo ra lợi thế so sánh của các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam. 
 
Cụ thể hơn, theo thứ trưởng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung-cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn.
 
Thứ trưởng cho biết, trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành đề ra những biện pháp cụ thể qua đó khắc phục được những hạn chế, yếu kém của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như hoạt động tiêu thụ nông sản.
 
Đặc biệt, các chính sách sẽ tập trung khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định lại những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ cụ thể như sản lượng bao nhiêu là đủ, chất lượng như thế nào, thậm chí giá cả ra sao theo từng giai đoạn cũng như phải định hướng cho người dân trồng cây gì cho phù hợp. Hơn nữa, cần thiết lập chuỗi liên kết, cung ứng từ sản xuất- chế biến- thị trường./.
Theo TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo