Tin tức - Sự kiện

Đồ ăn nhanh: Xếp hàng chen mua hay chê bai, tẩy chay?

Lao vào hàng người xếp hàng chờ đợi để mua một suất đồ ăn nhanh hay đi qua không một cái liếc mắt tới bởi định kiến về giá trị dinh dưỡng mất cân đối, bạn thuộc phe nào?
Trong vài năm gần đây, các chuỗi hàng thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới như KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King, Pizza Hut… liên tục, nối nhau vào Việt Nam. Có thể nói họ khá thành công khi mở nhiều chi nhánh và thu hút nhiều khách hàng. Mới đây nhất, đầu tháng 2 vừa rồi, “người khổng lồ” McDonald’s xuất hiện với cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc tại vòng xoay Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM.
 
Cảm xúc đầu tiên của người Việt Nam khá đặc biệt khi McDonald’s xuất hiện. Đó là trạng thái hứng khởi, vồ vập, náo nức như sắp được thưởng thức một món ngon vật lạ nào đó mà đời người rất khó thấy! Họ sẵn sàng xếp hàng dài dằng dặc, chờ hàng tiếng đồng hồ để được ăn món bánh mà thế giới đã nhàm chán và khuyến cáo hạn chế sử dụng vì nguy cơ gây ra chứng béo phì và kéo theo đó còn có nhiều ảnh hưởng khác cho sức khỏe.
 
Đó là điều khá kỳ lạ. Bởi, trên thế giới, cũng có nơi hào hứng khi đón McDonald’s vào chứ chẳng phải không, nhưng đến độ cuồng nhiệt như “fan” thì khó nơi đâu có như ở Việt Nam này. Phải chăng, vì đã quá lâu người Việt Nam phải chịu “khát” những thứ nổi tiếng thế giới, nên được tiếp cận là cảm giác thỏa mãn vì đã được sử dụng như một cách sang cả, sành điệu? Nếu có suy nghĩ đó thì đó là cảm hứng nhất thời còn chấp nhận được, chứ nếu tự hào vì điều đó thì quả là một sai lầm.
 
Xếp hàng trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên của McDonalds tại TP.HCM. Ảnh: IT
 
Cho nên, cái được có thể nhìn thấy, là khi các chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới của nước ngoài vào Việt Nam, sẽ làm cho các cửa hàng Việt Nam tổ chức sắp xếp lại, từ cung cách đến các thiết kế khác, để về lâu về dài thức ăn nhanh Việt Nam, vốn ngon lành bổ dưỡng… mà người VN và khách du lịch người nước ngoài đều thích, sẽ nâng tầm lên chuyên nghiệp, cạnh tranh với các món nổi tiếng của thế giới, kiểu như Phở 24.
 
Có ý kiến cho rằng những người hào hứng xếp hàng để vào cửa hàng bán đồ ăn nhanh là vì họ sính ngoại, đua đòi, cho rằng vào đó ăn hamburger và với giá vài đô la là thể hiện “đẳng cấp”, là sang trọng, là thời thượng. Ý nghĩ này thực ra lại là hoàn toàn lạc hậu.
 
Ở Mỹ và các nước phát triển thì của hàng thức ăn nhanh là để cho người bình dân. Nó không có gì được xem là sang trọng. Giá mỗi món ăn vài ba đô la là giá rẻ, giá cho người nghèo. Nhưng ở Việt Nam, các cửa hàng thức ăn nhanh chi nhánh của nước ngoài lại có những đặc điểm khiếm người ta ngỡ vào đó là sang trọng. Đó là hình thức các cửa hàng của người nước ngoài sang trọng hơn các của hàng thức ăn nhanh trong nước của người Việt; và với vài đô la một món ăn, giá cả cũng không “bình dân” chút nào khi so với giá sinh hoạt của người Việt Nam. 
 
Nên vào các cửa hàng fast food của người nước ngoài mà hiện nay đang nổi lên là McDonald’s, là sang trọng, là tâm lý có thật của người Việt. Nhưng điều này sẽ tạo ra một nhìn nhận khác của người nước ngoài. Khi khách Tây đi ngang qua, nhìn thấy người ngồi trong cửa hàng đồ ăn nhanh, thì họ lại cho đó là lớp người bình dân, người nghèo! 
 
Và điều dễ thấy nhất là những Việt kiều hay những người Việt Nam đã từng ra nước ngoài, họ biết rõ là vào ăn ở cửa hàng KFC, McDoanld's đó chẳng có gì để gọi là chứng minh đẳng cấp cả. 
 
Một loại ý kiến nữa lại cho rằng thức ăn nhanh là để tiết kiệm thời gian cho người bận rộn, không có thì giờ nấu ăn ở nhà hoặc ngồi lâu ngoài tiệm. Điều này hoàn toàn đúng ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn khác. Phần lớn người trẻ vào các cửa hàng ăn nhanh này là để la cà rất lâu. Họ ngồi lâu để “thưởng thức” không gian “sang trọng” của các cửa hàng này, để tiếp bạn, để chuyện trò, để bàn công việc, và để giải trí trên laptop…! 
 
Nhưng người nước ngoài có lẽ không thể hiểu hết rằng, ở TP.HCM, các công việc vẫn thường được làm, được giải quyết ngoài quán, đa số là quán cà phê. Do đó với không gian thoáng, đẹp và sang trọng như vậy, quán ăn nhanh sẽ là nơi lý tưởng cho... những người la cà chứ không phải người đến ăn lẹ rồi đi! Để rồi xem, người ta có thể so sánh được ngay là người Việt Nam vào một chuỗi fast food của nước ngoài và vào một quán ăn bình thường của người Việt, nơi nào được ngồi lâu hơn! 
 
Có một điều độc đáo là ở các nước như Mỹ, Úc thì cửa hàng thức ăn nhanh của người Việt lại cạnh tranh rất tốt với các cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ. Chẳng hạng ở Sydney, tại các khu vực có đông dân Việt Nam thì McDonald’s cũng có chi nhánh nhưng chỉ thời gian ngắn là dẹp tiệm vì cạnh tranh không nổi với các tiệm bún bò Huế, phở, cơm tấm và hàng trăm món hấp dẫn khác của đường phố Cabramatta. Ngay cả người Úc cũng xếp hàng mua bánh mì thịt và nước mía, chè ba màu của người Việt. 
 
Một thực tế đã thấy rõ là ra khi các cửa hàng thức ăn nhanh khai trương, khách nườm nượp xếp hàng để vào, nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn họ thì khách hàng dần thưa thớt. Điều này tại Việt Nam cũng đã được chứng minh khi cà phê Starbucks đã làm nên hiện tượng chưa từng có tại Việt Nam khi cửa hàng đầu tiên khai trương ở TP HCM. Trong hơn một tháng đầu, khách nườm nượp xếp hàng để được thưởng thức cà phê kiểu Mỹ. Thế nhưng, ngay trong ngày khai trương cửa hàng thứ hai của Starbucks, khách khá thưa vắng. Và đến giờ thì cửa hàng Starbucks không thể có lượng khách như các quán cà phê của Việt Nam.
 
Thức ăn nhanh của các chuỗi nước ngoài là thứ nhiều calo, đạm, nhưng lại thiếu vitamin, chất xơ; khi ăn lại kèm theo các thứ nước uống có nhiều đường, gas, là tác nhân gây nên béo phì. Mà béo phì thì lại sinh ra vô số bệnh như tiểu đường, khớp, có cả tim mạch… Do đó về kiến thức dinh dưỡng và sức khỏe, ăn nhiều fast food không có lợi cho sức khỏe, thậm chí có hại. Vì thế ngành y tế khuyến cáo không nên dùng thức ăn nhanh nhiều hơn một lần trong mỗi tuần.
 
Trong những năm gần đây nhiều cửa hàng thức ăn nhanh của Việt Nam cũng đã tạo không gian tương đối khá đẹp để cạnh tranh với các cửa hàng chi nhánh của nước ngoài. Tuy nhiên thực sự mà nói, để khách vào có khoảng không gian rộng rãi để vui chơi thì các cửa hàng của Việt Nam không làm nổi, trong khi đó yếu tố này được các chuỗi thức ăn nhanh nước ngoài đặc biệt chú trọng.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo