Hỗ trợ doanh nghiệp

Dọa bán 20.000ha cao su cho Trung Quốc: Bầu Đức muốn ép Nhà nước

(DNVN) - Liên quan đến thông tin Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sẽ bán 20.000 ha đất cao su cho đối tác Trung Quốc nếu không được Nhà nước hỗ trợ, PGS.TS Lê Cao Đoàn - nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp đang muốn ép ngược Nhà nước.

Như đã thông tin, tại buổi ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai HAGL Agrico diễn ra sáng 15/9, ông Đoàn Nguyên Đức  - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, công ty của ông sẽ phải bán 20.000ha cao su cho đối tác Trung Quốc giảm nợ trong trường hợp không được Nhà nước hỗ trợ...

Theo bầu Đức, HAGL Agrico đang xem xét bán đi khoảng 20.000 ha cao su cho một số đối tác Trung Quốc và các đối tác cũng đã nghiên cứu và xem xét. Theo ông Đức, sau khi bán xong cùng với việc bán mảng mía đường sẽ thu về một khoản tiền lớn.

“Có nghĩa là đang cân nhắc để 2017 chúng tôi sẽ giải quyết nợ một cách cơ bản và hiện đang chờ tái cấu trúc của Chính phủ và ngân hàng. Hai trường hợp có thể xảy ra đó là, nếu nhà nước hỗ trợ chúng tôi tái cấu trúc thì cơ bản không bán gì. Còn nếu có trục trặc sẽ bán 20.000 ha cao su, chúng tôi đã gặp nhiều đối tác Trung Quốc xem xét, nghiên cứu”, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Theo tiết lộ của ông Đức, nếu bán đi 20.000 ha cao su và mía đường, tình hình vay nợ của Hoàng Anh Gia Lai Agrico sẽ được cải thiện đang kể và HAGL vẫn còn khoảng 60.000ha đất, đây vẫn là con số rất lớn mà nhiều doanh nghiệp lớn chú ý.

Đánh giá về động thái này của bầu Đức trên báo Phụ Nữ, PGS.TS Lê Cao Đoàn - nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong kinh doanh được ăn lỗ chịu; doanh nghiệp kinh doanh kém, bị thua lỗ là việc của doanh nghiệp; vắng cô thì chợ vẫn đông. Thế nhưng ở đây có sự "kết duyên" giữa Nhà nước với doanh nghiệp nên doanh nghiệp mới dám làm mình làm mẩy với Nhà nước.

Ông Đoàn cũng cho rằng, Trung Quốc đã phát triển đến giai đoạn có thể mang vốn ra đầu tư ở nước ngoài và có các hợp tác với nước ngoài, không còn gói gọn trong nội địa nữa. Về mặt kinh tế, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác đó là chuyện đơn thuần về kinh tế, do thị trường quyết định, làm ăn theo luật pháp.

Nhưng Trung Quốc thì khác, ngoài câu chuyện kinh tế đó còn là công cụ hữu hiệu để họ bành trướng. Chẳng hạn, Trung Quốc sử dụng ngân hàng AIIB, sáng kiến Nhất đới, nhất lộ, cho các nước vay tiền tưởng là rẻ nhưng hóa ra đắt, buộc nước khác phụ thuộc vào Trung Quốc và Trung Quốc trở thành kẻ bóp nặn người khác.

Theo ông Đoàn, đối với Việt Nam, Trung Quốc mua đất, thậm chí ở cả những vị trí có tính chất chiến lược rồi đưa người sang. Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp tư nhân được kỳ vọng rất nhiều nhưng thực chất đây chưa phải là tư nhân thực sự, họ dùng các áp lực để Nhà nước phải hỗ trợ họ, tức cho tiền họ.

 

HAGL tuyên bố bán đất cao su ở Lào cho Trung Quốc. Họ muốn bán cho ai thì bán, đấy là việc của họ nhưng ở Việt Nam, dư luận về việc cho người Trung Quốc trúng thầu hàng loạt, trúng thầu gần hết rất mạnh mẽ và không hề đơn giản. HAGL  đã biết lợi dụng điểm yếu này để gây sức ép với Nhà nước, trục lợi cho mình.

"Nguyên nhân sâu xa của việc này xuất phát từ việc hệ thống kinh tế Nhà nước ở trong nền kinh tế Việt Nam quá lớn, làm cho tư nhân không trưởng thành lên thành những nhà tư bản tử tế như phương Tây được", ông Đoàn nói.

Từ những luận điểm trên, ông Đoàn khẳng định, không thể để xảy ra chuyện doanh nghiệp đi mặc cả với Nhà nước. Hơn nữa, việc dậm dọa này cũng không thể làm khó được Nhà nước.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo