Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp anh em họ Trịnh: “Ông trùm” thâu tóm dự án ở Thanh Hóa

Công ty Anh Phát của anh em ông Trịnh Văn Hiệu và Trịnh Xuân Nghiệm được coi là “trùm” thâu tóm dự án ở Thanh Hóa. Bởi từ bất động sản, khai thác khoáng sản, cho thuê mặt bằng, xăng dầu… cũng đều ghi dấu doanh nghiệp này.

Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát (Công ty Anh Phát) được thành lập từ tháng 6/2005 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Anh Phát. Sau 11 năm hoạt động, tháng 4/2016 công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: ông Trịnh Xuân Nghiệm góp 350 tỷ đồng, bà Đào Ngọc Dung (vợ ông Nghiệm) góp 100 tỷ đồng và ông Trịnh Văn Hiệu góp 50 tỷ đồng.

Tháng 11/2006, công ty Anh Phát có đơn xin thuê 962,5m2 đất của chi nhánh nông sản AGREXIM tại phường Phú Sơn. TP. Thanh Hóa để xây dựng trụ sở văn phòng giao dịch của công ty.

Chưa đầy 1 tháng sau, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý thu hồi thửa đất trên để cho công ty Anh Phát thuê lại với thời hạn đến năm 2018.

Cũng từ thời điểm này, Công ty Anh Phát trở thành ông trùm thâu tóm các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ dự án cây xăng dầu, khai thác khoáng sản, dự án bất động sản, khách sạn… cho đến dự án cung cấp nước tại Khu Kinh tế Nghi Sơn dù ở đây đã có một nhà máy nước của doanh nghiệp khác.

Dự án nhà máy nước Quế Sơn do liên doanh Anh Phát - Sông Chu làm chủ đầu tư.

Có thể nói, Công ty Anh Phát được UBND tỉnh Thanh Hóa ưu ái đặc biệt bằng việc công ty này “xin gì được nấy”. Một dẫn chứng điển hình là việc, ngày 24/6/2010, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định số 2242/QĐ-UBND giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty TNHH Anh Phát xây dựng khách sạnh 3 sao (3925,5m2) tại lô số 7. Trong khi đó, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Tây ga TP. Thanh Hóa được UBND tỉnh duyệt theo Quyết định số 2791/2002/QĐ-CT ngày 30/8/2002: Lô số 7 trên có chức năng là đất công trình dịch vụ, văn phòng.

Nhưng dường như Công ty Anh Phát “không thích xây khách sạn” nên chỉ vài tháng sau công ty này đã xin UBND tỉnh Thanh Hóa được chuyển Lô số 7 về đúng chức năng là đất công trình dịch vụ, văn phòng. Dù bị “quay” liên tục như vậy, nhưng Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khi đó vẫn “chiều” theo ý của Công ty Anh Phát bằng việc ra tiếp Văn bản số 2202/UBND-NN ngày 18/4/2011 đồng ý cho doanh nghiệp này chuyển mục đích sử dụng khu đất số 675 Nguyễn Trãi (Lô số 7), phường Phú Sơn từ khách sạn thành chung cư cao tầng kết hợp với văn phòng cho thuê.

Đây chỉ là một dự án trong rất nhiều dự án mà công ty của anh em họ Trịnh đang nắm giữ, trong đó có rất nhiều dự án “đất vàng” tại TP. Thanh Hóa.

Tháng 7/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 2675 về việc cho phép Công ty Anh Phát chuyển đổi 17.875,4m2 đất kinh doanh phi nông nghiệp tại số 34 Ngô Từ để thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại.

Sau khi thâu tóm được dự án 34 Ngô Từ, tháng 3/2016 công ty Anh Phát có công văn xin thuê lại 1.867m2 đất tại số 40 Lê Hoàn của Công ty Cổ phần lương thực Thanh Hóa để xây trung tâm thương mại - khách sạn, văn phòng làm việc và cho thuê. Tháng 6/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 2130 về việc thu hồi lô đất trên để giao cho Công ty Anh Phát thực hiện dự án.

 

Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau đó, Công ty Anh Phát đã xin trả lại lô đất số 40 Lê Hoàn cho UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài bất động sản, Công ty Anh Phát cũng ghi tên mình trong lĩnh vực khai khoáng với hàng loạt dự án khác thác đất, đất sét, quặng sắt ở khắp tỉnh Thanh Hóa. Công ty này cũng là “ông trùm” thâu tóm các khu đất để làm bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng, đặc biệt là ở Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Cụ thể, năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi 95.019m2 đất rừng phòng hộ Tĩnh Gia, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ sang đất khai thác khoáng sản và cho Công ty Anh Phát thuê để khai thác đất để làm vật liệu san lấp tại núi Xước, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Năm 2009, Công ty Anh Phát tiếp tục được thuê 220 nghìn m2 đất rừng tại xã Tùng Lâm và Tân Trường để khai thác đất.

Công ty Anh Phát cũng là “ông Trùm” thâu tóm các khu đất để làm bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng. Đáng chú ý nhất là việc doanh nghiệp này thâu tóm lại dự án Xây dựng hạ tầng KCN I và khu tập kết vật tư, thiết bị thi công Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn rộng 157ha từ PVC-TH. Cho đến nay, Công ty Anh Phát vẫn còn nợ PVC-TH 9 tỷ đồng tại dự án này.

 

Ngoài ra, doanh nghiệp của anh em họ Trịnh còn “thâu tóm” nhiều mỏ sắt trên địa bàn Thanh Hóa như: mỏ sắt tại xã Cát Tân và xã Yên Lễ, huyện Như Xuân; khai thác quặng sắt tại xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (dự án sau đó bị thu hồi do chủ đầu tư không triển khai). 

Công ty Anh Phát cũng chính là doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho phép xây dựng một nhà máy nước tại khu Kinh tế Nghi Sơn gây nhiều tranh cãi trong năm 2016. 

Không chỉ là chủ đầu tư hàng loạt dự án, doanh nghiệp của anh em họ Trịnh còn là chủ thầu của nhiều công trình lớn của tỉnh Thanh Hóa trong đó có dự án bảo tồn, phỏng dựng chính điện Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Chỉ là 2 sếp đã nghỉ việc của PVC Thanh Hóa, anh em ông Trịnh văn Hiệu - Trịnh Xuân Nghiệm lại có thể thâu tóm hàng loạt dự án lớn trên địa bàn tỉnh, không những vậy, anh em họ Trịnh còn có thể “quay” cả UBND tỉnh theo ý của mình khiến dư luận ở đây cũng phải ngả mũ.

Nên đọc
Theo TC Nhà Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo