Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp phấn khởi trước “món quà đầu năm” của Chính phủ

Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm được Chính phủ ban hành ngày 2/2/2018 được xem là “món quà đầu năm” dành tặng DN. Bởi Nghị định đã sửa đổi, đơn giản hóa nhiều thủ tục liên quan đến thực phẩm, nên các DN đều tỏ ra hết sức phấn khởi, ủng hộ những đổi mới này của Chính phủ.

Không còn giấy phép con

Về những điểm mới của Nghị định 15, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, Nghị định 15 đã có những thay đổi căn bản trong phương thức quản lý của Nhà nước đối với an toàn thực phẩm, chuyển hẳn hoạt động quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, DN được tự công bố thủ tục liên quan tới an toàn thực phẩm, không còn phải thông qua Bộ Y tế như trước đây.

Nghị định này còn cho phép DN khi NK sản phẩm sản xuất nội bộ hoặc sản xuất XK thì không phải thực hiện thủ tục tự công bố, mà đã bổ sung thêm các trường hợp được miễn tự công bố; phân cấp nhiều hơn cho cơ quan quản lý ở địa phương trong việc quan lý an toàn thực phẩm, quản lý chủ yếu dựa trên quản lý rủi ro, dựa trên sự tuân thủ pháp luật của DN…Vì thế, bà Thảo cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 90% sản phẩm được tiết giảm về thủ tục, điều này sẽ giúp tiết kiệm được chi phí lớn cho DN, cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng được sử dụng hàng hóa giá rẻ nhưng đảm bảo chất lượng. Hiện vẫn chưa tính toán được cụ thể con số tiết kiệm được nhưng bà Thảo cho rằng, nếu dựa trên 90% sản phẩm được tiết giảm thì con số có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công.

DN thực phẩm thở phào trước các quy định về công bố an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: H.Dịu.

Đồng quan điểm, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước đây, Nghị định 38/2012/NĐ-CP nặng về cấp phép, giấy tờ mà không đảm bảo về quản lý nhà nước, khiến DN mất nhiều chi phí, thời gian, nhân lực. Đến nay, Nghị định 15 đã khắc phục được những nhược điểm này. Bởi theo Nghị định cũ, DN khó chủ động về thời gian, việc chờ công bố xác nhận phải mất hàng tuần, hàng tháng, thậm chí có DN “than thở” mất thời nửa năm nên DN tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Rõ ràng, việc ban hành và cho thi hành ngay Nghị định 15 của Chính phủ rất được cộng đồng DN hoan nghênh. Bởi những bất cập của Nghị định cũ đã được cộng đồng DN nhiều lần, nhiều nơi, nhiều năm kêu than. Theo đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Nghị định 38 cũ có cách quản lý không phù hợp với thông lệ quốc tế, trong thủ tục hành chính thì hồ sơ quá nhiều, điều kiện không rõ ràng thậm chí rất tuỳ tiện, gây phiền hà, tốn kém rất nhiều cho DN. Thậm chí có DN cho rằng, cách quản lý cũ, như việc công bố giấy phép an toàn thực phẩm hoàn toàn là thủ tục hành chính, không đánh giá được sản phẩm có an toàn cho người sử dụng hay không, thực chất là cơ chế xin – cho chứ không đóng vai trò quản lý được tình hình an toàn thực phẩm. Do đó, việc Nghị định 15 để DN đủ tiêu chuẩn tự công bố và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, thậm chí miễn tự công bố trong một số trường hợp đặc biệt giúp các DN “thở phào” nhẹ nhõm, chứng tỏ sự lắng nghe, tinh thần cầu thị, sửa đổi vì DN của cơ quan quản lý.

Tăng trách nhiệm

Có thể thấy, những cải cách của các cơ quan quản lý là một nỗ lực rất lớn để tăng quyền chủ động và tạo thuận lợi cho DN. Nên vấn đề là phải làm thế nào để tăng trách nhiệm của DN trong việc tuân thủ pháp luật và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Vì thế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, để DN tự công bố giấy phép an toàn thực phẩm đồng nghĩa với việc DN phải chịu trách nhiệm cao hơn khi xảy ra vi phạm. Vì thế, Chính phủ và Bộ Y tế đang soạn thảo chế tài xử phạt nặng tay hơn nếu DN không đảm bảo theo những cam kết, có hành vi gian dối.

 

Ngoài ra, việc chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm của Nghị định 15 cũng rất được các DN hoan nghênh. Theo quy định của Nghị định mới này, cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra xác suất 5% các lô hàng và chỉ kiểm tra về hồ sơ, giấy tờ, không kiểm tra bằng cảm quan. Các DN cho rằng, việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nhưng bên cạnh sự chủ động và trách nhiệm cao của DN, các cơ quan quản lý cũng cần thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra để dù kiểm tra xác suất nhỏ nhưng cũng không thể để sót lọt những mặt hàng vi phạm, gây hại cho người tiêu dùng.

Như vậy, pháp luật càng thông thoáng thì trách nhiệm của người quản lý và người thực thi phải càng được nâng cao, bởi nếu không, sự cải cách, cải thiện của Chính phủ sẽ trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, với những nỗ lực đổi mới của các bộ, ngành cùng niềm tin vào môi trường kinh doanh, các DN đều hy vọng vào những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước. Hơn nữa, như ông Đậu Anh Tuấn nói, Bộ Y tế làm được thì sẽ là bài toán đặt ra cho các bộ, ngành khác cũng phải mạnh mẽ thay đổi, tạo thành hành động thực chất, chính sách cụ thể cho hoạt động kinh doanh của DN cũng như đảm bảo thuận lợi cho an sinh xã hội của toàn dân. 

Nên đọc
Theo Báo Hải Quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo