Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt chuẩn bị gì để hội nhập AEC

Phát biểu tại Tọa đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra với nước ta từ năm 2015” mới đây tại TP.HCM, Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ lo lắng trước việc hiểu biết của người dân và doanh nghiệp (DN) Việt Nam về việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay còn thấp.

 

Hiện tại, độ mở của nền kinh tế nước ta đã rất lớn, với kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 160% GDP. Việt Nam cũng là nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp xây dựng AEC, đạt tỷ lệ 85% so với tỷ lệ trung bình của ASEA là hơn 80%. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, các DN cần làm gì trong xu thế hội nhập này để có thể tham gia và tranh thủ được tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất của khu vực ASEAN và toàn cầu?

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, để trả lời câu hỏi trên, bản thân các DN phải gấp rút nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh; chuẩn bị sẵn sàng nội lực để tham gia AEC. “Các DN phải là người đầu tiên nắm bắt được những cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế đem lại và cũng cần là những người đầu tiên biết cách vượt qua những khó khăn, thách thức sẽ gặp phải khi tham gia sâu rộng vào sân chơi khu vực và toàn cầu”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Một số thông tin mới cho thấy, các DN phía Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho hội nhập AEC vào cuối năm 2015.

Vào những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, thay vì chuẩn bị kế hoạch sản xuất để đáp ứng đơn hàng vào đầu năm cho đối tác Nhật Bản như nhiều năm trước, năm nay, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam lại có thêm công việc mới. Đó là việc chuẩn bị kế hoạch sản xuất đáp ứng yêu cầu của một đối tác “mới toanh” đến từ Thái Lan. Trước mắt, đối tác đặt hàng Thiên Nam cung cấp 2 chiếc thang máy/tháng như là để “thăm dò” khả năng sản xuất, chất lượng hàng hóa của Thiên Nam. Trên cơ sở đó, đối tác Thái sẽ xem xét nâng dần số lượng, giảm hoặc không đặt hàng nữa (tùy thuộc vào năng lực sản xuất của Thiên Nam).

“Mặc dù giá trị của hợp đồng này không lớn, nhưng hy vọng đây là bước mở ra cho Thiên Nam bước vào thị trường ASEAN”, ông Vũ nói và cho biết, để chuẩn bị cho hội nhập, Công ty đang tích cực tăng cường năng lực cạnh tranh. “Cụ thể, chúng tôi tìm hiểu kỹ các thủ tục, giấy phép… để có thể đáp ứng được những yêu cầu của các thị trường khu vực ASEAN. Ví dụ, như phải có C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), phải nâng chất lượng sản phẩm... Nếu như DN mình không đủ năng lực thì ngay như bước đầu không tốt, sẽ làm tổn hại cho những bước tiếp theo”, ông Vũ nói thêm.

Trong khi đó, các DN FDI còn tỏ ra sốt sắng hơn với AEC. Minh chứng là, tại hội nghị khách hàng thân thiết vào dịp Tết Dương lịch vừa qua, Công ty TNHH Bluescope Việt Nam (100% vốn của Australia), đã mời nhiều chuyên gia kinh tế đến để chia sẻ những thông tin mới về AEC, nhằm giúp Công ty Bluescope Việt Nam lẫn các đối tác có những ứng phó kịp thời với những tình huống cạnh tranh mới.

“Việc hình thành AEC vào cuối năm nay sẽ tạo ra cơ hội và thách thức cho cộng đồng DN. Các DN kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng như chúng tôi có những câu hỏi cần lời giải đáp, đó là liệu cơ cấu FDI vào Việt Nam trong giai đoạn sắp tới sẽ thay đổi như thế nào; liệu việc tham gia đấu thầu, thiết kế, thi công cho một dự án nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam có trở nên dễ dàng hơn so với hiện nay hay không… Với việc hình thành AEC, chúng tôi hy vọng, rào cản về thương mại, các biện pháp phòng chống bán phá giá, tự vệ thương mại sẽ giảm đi. Như vậy, sẽ tạo nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam”, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bluescope Việt Nam nói.

Báo Đầu tư
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo