Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt làm gì để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường ngoại?

Có những sản phẩm doanh nghiệp Việt bán rất chạy, rất thành công ở Việt Nam nhưng khi sang thị trường ngoại rất có thể sẽ ế ẩm, không bán được hàng.

Xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Đây là ý kiến của ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương tại chương trình Hội thảo - Tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài. Vậy doanh nghiệp Việt cần làm gì để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường ngoại?

Hàng hoá doanh nghiệp Việt dù đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn như BigC của Central Group, Aeon…nhưng không đồng nghĩa sẽ nghiễm nhiên được đưa vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp này tại Thái Lan và Nhật Bản.

 


Ông Shiotani Yuichiro - Tổng Giám đốc Aeon Topvalu nói: "Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của Việt Nam, tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản còn có những quy định khá là khắt khe về chất lượng thành phần nguyên liệu, tỷ lệ các chất phụ gia của sản phẩm. Doanh nghiệp Việt không nên cạnh tranh theo hướng giá rẻ mà nên chú ý gia tăng giá trị cho sản phẩm".

Theo đại diện Central Group, doanh nghiệp sở hữu hệ thống BigC tại Việt Nam, có những sản phẩm doanh nghiệp Việt bán rất chạy, rất thành công ở Việt Nam nhưng khi sang Thái Lan rất có thể sẽ ế ẩm không bán được hàng.

Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội Central Group Việt Nam nói: "Ở thị trường Thái Lan hiện đã tràn ngập các loại mì gói nên họ lại thích những loại mì gói có bao bì đơn giản đừng quá nhiều màu sắc".

Để nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng của từng thị trường, Bộ Công Thương đã tổ chức những tuần lễ hàng Việt tại nhiều quốc gia để doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Bộ Công Thương đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo để các chuyên gia của các tập đoàn lớn hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt về những kiến thức về thị trường, về thị hiếu của người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho từng thị trường hướng tới".

Cà phê, trà, mì ăn liền, miến, trái cây sấy khô và nhiều sản phẩm nông sản, thủ công đang rất hấp dẫn người tiêu dùng Thái Lan, Nhật Bản. Tuy nhiên, để định hình thương hiệu tại nước ngoài doanh nghiệp Việt cần am hiểu hơn sở thích tiêu dùng của họ.

Nên đọc
Theo VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo