Hỗ trợ doanh nghiệp

An Giang: Không đủ thời gian chuẩn bị, doanh nghiệp lo phải đóng cửa trước yêu cầu đưa hàng vào điểm kiểm tra tập trung

DNVN - Nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Khu kinh tế Cửa Khẩu Khánh Bình (An Giang) đứng trước nguy cơ bị đóng cửa, hàng trăm công nhân thất nghiệp trước yêu cầu đưa tất cả hàng hoá vào điểm kiểm tra tập trung “gấp rút”...

Doanh nghiệp gặp khó khi tìm hiểu thông tin giảm phát thải / Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Doanh nghiệp đang điêu đứng trước những khó khăn dồn dập

Doanh nghiệp lo nguy cơ đóng cửa

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, đại diện 3 doanh nghiệp lớn hoạt động hoạt động tại Khu kinh tế Cửa khẩu (KKTCK) Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) gồm Công ty TNHH MTV Ngân Ý An Phú, Công ty TNHH MTV Huỳnh Kim Mỹ và Công ty TNHH TM Đức Thành Long Bình cho biết: Ngày 7/7/2022, Tổng cục Hải quan có công văn số 2777 gửi cho Cục Hải quan tỉnh An Giang về việc công tác quản lý, giám sát hải quan tại các cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh An Giang.

 Dự án này có quy mô hơn 15.000m2, tổng vốn đầu tư là 45 tỷ đồng, trong đó vốn góp để công ty thực hiện dự án là 18 tỷ đồng.

Dự án của doanh nghiệp Ngân Ý An Phú được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang cấp phép, quy mô hơn 15.000m2, tổng vốn đầu tư là 45 tỷ đồng, trước nguy cơ bị đóng cửa.

Để triển khai công văn này, ngày 4/8, Chi cục Hải quan Cửa khẩu (HQCK) Khánh Bình tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp: Dương Lan, Hải Thịnh Phát, Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ, Trương Minh Hải, Đào Tài Lộc cùng UBND, công an huyện An Phú, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Khánh Bình, Ban Quản lý KKTCK Khánh Bình.

“Tại cuộc họp, Chi cục HQCK Khánh Bình, Ban Quản lý KKTCK Khánh Bình đã nêu 3 địa điểm để lựa chọn kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá, xuất nhập khẩu qua biên giới. Trong đó 1 địa điểm do Nhà nước quản lý (không thu phí) và 2 địa điểm do tư nhân quản lý (có thu phí). Cũng tại cuộc họp này, chúng tôi có nêu lên những khó khăn, vướng mắc và xin gia hạn để hoàn thiện các thủ tục theo quy định, được nhiều ý kiến đồng tình. Qua đó, chủ trì cuộc họp đề nghị các doanh nghiệp làm văn bản kiến nghị để được xem xét”, các doanh nghiệp cho biết.

Ngay sau cuộc họp, đồng loạt các doanh nghiệp: Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ có đơn kiến nghị xin gia hạn gửi đến Cục Hải quan An Giang, Chi cục HQCK Khánh Bình, Ban Quản lý KKT tỉnh An Giang để trình bày những khó khăn và xin gia hạn thêm 3 tháng để hoàn thành thủ tục theo quy định.

"Nhưng chưa được phản hồi bằng văn bản thì ngày 12/8, chúng tôi nhận được điện thoại của đại diện Chi cục HQCK Khánh Bình yêu cầu kể từ ngày 15/8 phải thực hiện việc đưa tất cả hàng hoá vào điểm kiểm tra tập trung của 2 doanh nghiệp tư nhân khác. Việc thực hiện một “mệnh lệnh” bằng điện thoại một cách khẩn cấp như vậy khiến chúng tôi trở tay không kịp, đứng trước nguy cơ đóng cửa và hàng trăm công nhân phải thất nghiệp. Đáng nói hơn, nếu theo công văn 2777 thì còn một điểm tập kết của nhà nước (không thu phí) nhưng họ bảo chưa đủ điều điều kiện hoạt động, liệu bắt chúng tôi vào 2 doanh nghiệp tư nhân kia thì có hợp lý không?”, các doanh nghiệp cùng chung lo lắng.

Đại diện doanh nghiệp Ngân Ý An Phú, ông Nguyễn Văn Đượm cho rằng: “Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ mọi quy định của pháp luật, đáng lẽ ra, cơ quan chức năng phải tạo điều kiện hướng dẫn để doanh nghiệp chúng tôi hoàn thiện các thủ tục, chứ không nên áp dụng quá đột xuất như thế này, trong khi chúng tôi đầu tư vào đây theo kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh”, ông Đượm khẳng định và cho biết thêm từ trước tới giờ chưa được cơ quan chức năng nào thông báo cũng như hướng dẫn thủ tục công nhận đủ điều kiện bãi tập kết.

Theo ghi nhận của phóng viên, bắt đầu từ ngày 15/8 đến nay, các phương tiện của các doanh nghiệp đã bị lực lượng Hải quan chặn lại yêu cầu điểm kiểm tra tập trung, có lúc tập trung nhiều phương tiện chờ kiểm tra đã xảy ra ùn tắc cục bộ.

Ông Đượm lo lắng: Đến nay, 100% phương tiện của ông bị chăn lại đưa vào bãi kiểm tra tập trung. “Do hàng hóa chủ yếu là nông sản, rau củ quả nên những lúc ùn ứ xe phải đậu ngoài nắng, hàng hóa bị khô héo không đảm bảo chất lượng cho tiểu thương để xuất khẩu, về lâu về dài cứ như vậy thì mất hết khách hàng”.

Đồng loạt “kêu cứu”

Theo các doanh nghiệp, theo lời kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh An Giang, nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng vào dự án của mình tại đây. Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay, các công ty đều phối hợp tốt với các cơ quan doanh nghiệp trên khu kinh tế cửa khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đượm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Ý An Phú cho biết: Ngày 4/10/2019, ông được Ban Quản lý dự án Khu kinh tế (KKT) tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án số: 7586341540, hoạt động Khu dịch vụ phục vụ du lịch và khu trưng bày, kinh doanh, phân phối các mặt hàng xuất khẩu… Dự án này có quy mô hơn 15.000m2, tổng vốn đầu tư là 45 tỷ đồng, trong đó vốn góp để công ty thực hiện dự án là 18 tỷ đồng.

“Nhiều năm qua, chúng tôi gây dựng được nhiều khách hàng, giờ chuyển qua địa điểm mới vô cùng khó khăn họ sẽ chấm dứt làm ăn, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa và hàng trăm công nhân tại đây cũng sẽ thất nghiệp”, ông Đượm nói.

Kho tập kết nông sản của doanh nghiệp Ngân Ý An Phú được đầu tư

Kho tập kết nông sản của doanh nghiệp Ngân Ý An Phú được đầu tư được đầu tư khang trang.

Cùng chung nỗi lo, ông Đặng Ngọc Đức - Giám đốc Công ty TNHH TM Đức Thành Long Bình cho biết: Ngày 15/8 triển khai là quá bất ngờ, doanh nghiệp không đủ thời gian để hoàn thiện các thủ tục. “Doanh nghiệp chúng tôi có diện tích là 6.000m2, được đầu tư cơ sở khang trang, tổng chi phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng để kinh doanh mặt hàng thuỷ sản, giờ bắt chuyển qua điểm tập kết khác coi như mất trắng”.

Đứng trước nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ đồng loạt ký đơn gửi đến Cục Hải quan An Giang, Chi cục HQCK Khánh Bình, Ban Quản lý KKT tỉnh An Giang để trình bày những khó khăn, vướng mắc và xin gia hạn 3 tháng để hoàn thành các thủ tục theo quy định.

Theo đơn trình bày: “Do tính chất đặc thù của ngành nghề kinh doanh công ty là kinh doanh rau củ quả và thuỷ sản tươi sống. Hàng hoá được thu gom từ các hộ nông dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh vận chuyển về các bãi tập kết của doanh nghiệp để thực hiện trao đổi với cư dân Campuchia.

Bên cạnh đó, hàng hóa vận chuyển về bãi tập kết của doanh nghiệp phải được thực hiện ngay công việc phân loại, sắp xếp, đóng gói để kịp thời gian giao hàng nhằm đảm bảo cho hàng hoá trong tình trạng tốt nhất. Đây là phương pháp hợp tác giao kết mua bán hiện nay của công ty đã được đối tác và thương nhân Campuchia chấp nhận.

Tuy nhiên việc tập trung các doanh nghiệp chúng tôi đến 3 địa điểm thông báo đủ điều kiện là không khả thi thực hiện. Cụ thể, tại những nơi này chưa có mái che, nguồn nước sạch không đủ đáp ứng, lực lượng công nhân và phương tiện tập trung quá đông dễ gây mất an toàn lao động, giao thông…".

diện tích là 6.000m2, được đầu tư cơ sở khang trang, tổng chi phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng để kinh doanh mặt hàng thuỷ sản

Doanh nghiệp Đức Thành Long Bình có diện tích là 6.000m2, được đầu tư mái che, hệ thống nước sạch với tổng chi phí khoảng 6 tỷ đồng để kinh doanh mặt hàng thuỷ sản.

Nói về khó khăn, vướng mắc, ông Đặng Ngọc Đức - đại diện doanh nghiệp Đức Thành Long Bình cho rằng: "Nếu hàng hóa doanh nghiệp của tôi chuyển qua các địa điểm kia thì chắc chắn nguồn nước không đáp ứng được, bởi có xe phải sử dụng nước sông, có xe phải dụng nước giếng. Đó là chưa nói đến nguồn nước bên những chỗ tập kết khác có đảm bảo chất lượng hay không. Đồng thời, điều kiện làm việc của lực lượng công nhân phải có mái che mới đảm bảo sức khỏe và hệ thống điện dự phòng cũng bắt buộc phải có”.

Còn đại diện doanh nghiệp Ngân Ý An Phú, ông Nguyễn Văn Đượm nói: "Hiện doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ gửi đến Tổng cục Hải quan để được công nhận đủ điều kiện tập kết hàng hóa theo quy định. Trong thời gian này, chỉ mong muốn lực lượng hải quan đến trực tiếp bãi tập kết của doanh nghiệp để kiểm tra, chúng tôi sẵn sàng chịu chi phí cho việc này".

Trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Về vấn đề này, ông đã có trao đổi với phía hải quan, do đây là chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục Hải quan xuống nên địa phương chỉ phối hợp. Còn khó khăn của các doanh nghiệp, tỉnh sẽ họp lại với phía hải quan để thống nhất phương pháp triển khai sao cho tiện lợi...

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm