Cạnh tranh

Tăng giá mua điện có dễ gọi vốn vào điện gió?

Sau gần 8 năm áp dụng mức giá điện gió tương đương 7,8 UScent/kWh theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, Chính phủ đã quyết định tăng giá điện gió trên đất liền lên mức 8,5 UScent/kWh và 9,8 Uscents/kWh đối với các dự án trên biển nhằm thu hút đầu tư năng lượng tái tạo.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp / “Bắt mạch” lỗ ảo của doanh nghiệp FDI

Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, đây là một tín hiệu quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào thị trường điện gió ở Việt Nam
Đại diện Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, tăng giá mua điện gió là một tín hiệu quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào thị trường điện gió ở Việt Nam

Điện gió sẽ dễ gọi vốn hơn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số quy định trước đó về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ quyết định sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện gió nối lưới, trong đó bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh).

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Như vậy sau gần 8 năm áp dụng mức giá điện gió tương đương 7,8 UScent/kWh theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, Chính phủ đã quyết định tăng giá điện gió nhằm khuyến khích phát triển loại hình năng lượng này.

Phản ứng trước Quyêt định tăng giá mua điện gió của Chính phủ Việt Nam, ông Tobias Cossen, Giám đốc Chương trình Hỗ trợPhát triểnNăng lượngcủa Tổ chức hợp tác phát triểnĐức(GIZ) cho rằng, GIZ hoan nghênh sự điều chỉnh của Chính phủ, đây là một tín hiệu quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào thị trường điện gió ở Việt Nam, vốn hiện chỉ chiếm 200 MW công suất lắp đặt (và khoảng 100 MW đang được xây dựng. ).

Thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, điển hình là điện gió gặp khó khi các nhà đầu tư cho rằng, giá bán điện gió tại Việt Nam quá thấp, chưa bù đắp được chi phí đầu tư. Đây chính là lý do nhiều dự án được cấp phép nhưng rất ít dự án được triển khai.

Giá điện gió cả trên đất liền và ngoài khơi lâu nay bị các nhà đầu tư "chê" là quá thấp, khiến họ gặp khó khăn thu xếp vốn vay ngân hàng, lợi nhuận thấp.

Nhiều nhà đâù tư cho rằng, giá bán điện gió phải ở mức trung bình khoảng 10 UScent/kWh, thì nhà đầu tư mới mặn mà triển khai dự án.

Trước thời điểm Chính phủ tăng giá mua điện gió không lâu, UBND tỉnh Trà Vinh mới đây đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Dự án do 3 nhà đầu tư góp vốn với tổng mức đầu tư khoảng 150 triệu USD (gần 3.400 tỷ đồng), trong đó 80% là vốn vay từ ngân hàng Đức, 20% vốn góp nhà đầu tư.

Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh có công suất thiết kế 78 MW, gồm 18 - 19 cột tua bin gió công suất 4,2 MW; triển khai xây dựng trong 2 năm và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2020.

Ông Ti Chee Liang, Giám đốc Công ty Janakuasa Pte.Ltd (Singapore), một trong 3 nhà đầu tư dự án cho biết, dù được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế đất...nhưng mức giá mua điện gió hiện ở mức 7,8 cent/kWh vẫn thấp. "Mức giá 7,8 cent với điện gió là khá thấp, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong thu xếp vốn. Theo ông Liang, mức giá khoảng 9,8 cent một kWh sẽ là khả thi với điện gió.

Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam cũng đang từng bước coi việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, điện gió để giải quyết bài toán về an ninh năng lượng, qua đó góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện nay, Việt Nam đang chủ yếu dựa vào thủy điện và nhiệt điện nhưng với giá than ngày càng tăng thì đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ tạo ra nguồn năng lượng phục vụ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Việc điều chỉnh tăng giá mua điện sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn vào điện gió mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, giúp các mục tiêu phát triển điện gió đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sớm thành hiện thực. Dự kiến tổng công suất điện gió năm nay khoảng 456 MW và sẽ tăng lên 800 MW vào 2020.

Chỉ khởi công khi có hợp đồng mua bán điện

Một trong những quy định mới tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg là điều kiện khởi công xây dựng công trình điện gió.

Theo đó, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi đáp ứng các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, có hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện, có Thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện và có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng.

Số lượng các dự án điện gió được cấp phép đầu tư trong thời gian qua đã tăng lên đáng kể, nhưng thực tế không có quá nhiều dự án được triển khai và nếu có thì cũng không ít dự án chậm tiến độ.

Ninh Thuận, địa phương hút nhiều dự án đầu tư điện gió cũng thừa nhận thực tế này.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 15 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, 12 dự án với tổng công suất hơn 748 MW, vốn đăng ký trên 22.500 tỷ đồng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, hiện mới có 3 dự án bảo đảm tiến độ. Trong đó, Nhà máy Điện gió Đầm Nại xây dựng tại 2 huyện Ninh Hải, Thuận Bắc (công suất 40 MW) đã hoàn thành lắp đặt 3 tua-bin, tổng công suất 6 MW, đang thi công giai đoạn 2. Dự kiến, dự án này hoàn thành vào cuối năm 2018.

Hai nhà máy điện gió Phước Dinh có công suất 37,6 MW xây dựng tại huyện Thuận Nam, Nhà máy Điện gió Trung Nam ở huyện Thuận Bắc có công suất hơn 105 MW đều bảo đảm tiến độ theo đúng cam kết.

Nhưng, cũng có không ít dự án điện gió trong tình trạng ì ạch, dù được các cơ quan hữu quan ở Ninh Thuận nhắc nhở nhiều lần.

Điển hình là dự án điện gió Phước Hữu, công suất 50 MW, được khởi công từ tháng 10-2010, nhà đầu tư cam kết đến tháng 12/2011 hoàn thành. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, hiện dự án chỉ mới xong công đoạn san lấp mặt bằng của trạm biến áp, chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; chưa hoàn tất thủ tục xây dựng… Mặc dù UBND tỉnh Ninh Thuận nhiều lần có văn bản nhắc nhở, đôn đốc, gia hạn, chủ đầu tư nhiều lần cam kết đẩy nhanh tiến độ nhưng dự án vẫn… giẫm chân tại chỗ.

Các dự án điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 (công suất 30 MW), Lợi Hải 2 (công suất 30 MW), Win Energy Chiến Thắng (công suất 50 MW), Phước Minh (công suất 27 MW)… cũng chậm tiến độ.

Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm