Hỗ trợ doanh nghiệp

Còn dư địa để đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, tác động của dịch COVID-19 đã khiến sức chống chịu của doanh nghiệp tới ngưỡng.

COVID-19 làm con đường khởi nghiệp sáng tạo càng thêm chông gai / Gỡ khó kinh doanh hậu COVID-19: Cần "cấp cứu" dòng tiền cho doanh nghiệp

Vì vậy, để tiếp sức cho doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục trong trạng thái mới, ngoài tiếp tục các chính sách đang triển khai, cần “mạnh tay” hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, chúng ta còn nhiều dư địa để thực hiện việc này.
Theo Bộ Tài chính, nếu tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thông qua, ban hành và thực hiện từ đầu năm 2021, cùng với một số chính sách đề xuất bổ sung, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là hơn 138 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,19% GDP.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, cần phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch. Chính sách tài khóa phải phù hợp tình hình, linh hoạt, sáng tạo. Các bộ quản lý vĩ mô sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng, có hiệu quả; nghiên cứu tăng tỷ lệ nợ công bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cùng với đó là các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất, giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực sản xuất cho mùa cao điểm cuối năm. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành…

Đẩy mạnh chi để phục hồi kinh tế

Ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa


Hoan nghênh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phản ánh, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch tiếp cận được các gói hỗ trợ chưa cao. Đặc biệt, cản trở chính khiến doanh nghiệp dù thực sự khó khăn nhưng chưa dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng chính sách là không thoả mãn điều kiện xin hỗ trợ. Vì lẽ đó, đại diện Hiệp hội DNNVV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường rà soát các điều kiện để các gói hỗ trợ đến được với doanh nghiệp dễ dàng, nhanh chóng hơn nữa.

“Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các tổ chức tín dụng đánh giá lại toàn bộ khoản nợ đã cơ cấu, phân loại mức độ rủi ro, kèm theo đánh giá triển vọng của doanh nghiệp. Qua đó, khoanh nợ, hoặc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), và không tính lãi cho khoản nợ khoanh này, để doanh nghiệp có điều kiện vay mới, như vậy, doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi và phát triển”, ông Hùng đề xuất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phân tích rõ hơn, suy cho cùng, gốc của lãi suất vẫn là hiệu quả sản xuất kinh doanh, đây là quan hệ nhân quả, là tính cơ bản, cốt lõi của làm kinh tế. Khi nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, việc hỗ trợ của các ngân hàng thương mại qua lãi suất cho vay cần được vận dụng theo hướng giảm, để tiết giảm chi phí tài chính cho người vay. Ông đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đang có các biện pháp điều hành lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tái chiết khấu theo xu hướng giảm, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại giảm chi phí giao dịch cho khách hàng.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, các nước tung ra các gói hỗ trợ chưa từng có, bình quân thế giới khoảng 16% GDP, hiện những nước đang phát triển như Việt Nam là 7,7% GDP. Trong đó, tài khóa luôn là chủ yếu, chiếm khoảng 50-60%, tiền tệ chiếm khoảng 30-40%. Một số nước chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, vì họ tư duy có tiền phải tiêu để cứu nền kinh tế. “Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ này không phải thực thi một cách bừa bãi mà đi kèm với lộ trình và sự kiểm soát rất chặt chẽ”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Phân tích cơ cấu của các gói hỗ trợ quốc tế, chuyên gia này lưu ý một số điểm khác biệt quan trọng và cũng là bài học cho Việt Nam. Đó là giãn, hoãn thuế của các nước khác rất ít. Nhìn chung, về cấu trúc hỗ trợ tài khóa của quốc tế, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chiếm 23%, hỗ trợ lãi suất 9,5%, mua tài sản khoảng 6,6% và đầu tư cho y tế khoảng 12,6%. Còn đối với cấu trúc hỗ trợ tiền tệ, riêng bảo lãnh tín dụng chiếm 60,6%. Các nước hiện nay rất tập trung vào bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy định về quản lý nợ công không cho phép Chính phủ bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ quốc tế có cả ngắn hạn và dài hạn, còn Việt Nam chủ yếu là ngắn hạn.

Trong 18 tháng qua, nợ công toàn cầu tăng 20 điểm phần trăm, thâm hụt ngân sách tăng 7 điểm phần trăm. Vì vậy, theo ông Cấn Văn Lực, trong bối cảnh chung quốc tế và tình huống cấp bách như hiện nay, có thể chấp nhận nới lỏng, sau đó có lộ trình kiểm soát và củng cố tài khóa lâu dài.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đề xuất, giai đoạn này, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa. Đồng thời, cần khơi thông “ điểm nghẽn” về phân bổ và huy động nguồn lực, củng cố các động lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực sao cho hợp lý, đúng đối tượng.

Cho rằng nước ta cần mạnh dạn chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung lý giải, dư địa chính sách chúng ta vẫn còn và tốt hơn nhiều so với trước đây, thể hiện qua lạm phát thấp và ổn định, hệ thống tài chính tuy còn rủi ro nhưng vững và ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Cùng với đó, bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép, cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ cao gấp 4-5 lần so với 10 năm trước. Về tiền tệ, ngoài lãi suất, nên tập trung mở cung tiền, tăng tín dụng nhiều hơn và có những gói tín dụng đặc biệt. Đây có thể là những giải pháp tài khoá hữu hiệu.

Coi trọng cả sinh kế và sinh mạng của người dân

Hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Chính phủ, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “trong quá trình dần mở cửa lại kinh tế, tổ chức sản xuất của doanh nghiệp phải an toàn, thích ứng với dịch bệnh”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh sinh kế và sinh mạng là tiên quyết, là hai mặt của một vấn đề, bổ sung cho nhau, gắn liền với nhau, không nên cực đoan hoặc coi nhẹ yếu tố nào.

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

 


Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua đại dịch và phục hồi, ông Cung đề xuất hỗ trợ thanh khoản và tiếp cận tín dụng cần tập trung, cô đọng và thiết thực hơn. Tiếp đến là hỗ trợ về giảm chi phí, nên miễn hoặc giảm tất cả những khoản phí hiện nay doanh nghiệp đang phải nộp mà không phụ thuộc vào mức độ và kết quả kinh doanh. Đơn cử như miễn phí đường bộ trong 2 năm, đây là những loại phí doanh nghiệp không kinh doanh hoặc kinh doanh thua lỗ cũng phải nộp. Bên cạnh đó, nên xem xét hỗ trợ tất cả các loại phí liên quan đến công tác phòng chống dịch hoặc miễn phí công đoàn trong 3 năm.

“Đặc biệt, cần có chương trình hỗ trợ tín dụng riêng cho doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực bị khó khăn trong thời gian dài do tác động của đại dịch COVID-19 như du lịch, hàng không”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất.

Cũng theo ông Cung, bối cảnh càng khó khăn thì càng phải cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn thông qua sửa đổi, hoàn thiện thể chế, kiên trì mở rộng quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ rào cản và loại bỏ thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Hành chính ngày càng minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nền tảng quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, song song với cải cách về pháp luật và phân bổ sử dụng nguồn lực, cần quan tâm xây dựng và phát triển khuôn khổ cho khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tạo nên khuôn khổ mới để khơi dậy nguồn lực của một cộng đồng doanh nghiệp năng động và đầy tiềm năng”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm