Đầu tư

Bình Định huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển

DNVN - Bước vào năm 2023, tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế.

Về Bình Định thưởng thức song thằn - đặc sản bún tiến vua cực quý hiếm thời xưa / Quyết định sai lầm của trọng tài trận HAGL - Bình Định giúp Hà Nội FC thế nào?

Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc – Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất, thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn.

Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế – xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 46.942 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước đạt 16.694 tỷ đồng, tăng 15,7%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 28.216 tỷ đồng, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.031 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Bình Định huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong năm, UBND tỉnh đã tổ chức các Hội nghị về triển khai, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ đạo xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình trọng điểm như: Tuyến đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh; đường vào Sân bay Phù Cát (giai đoạn 2); Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt...

Cùng với đó là khởi công tuyến đường kết nối đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ, thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn; đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân; đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn).

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Đường ven biển (đoạn Đề Gi - Mỹ Thành), đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại...

Công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh được tích cực triển khai thực hiện.

Ước đến ngày 31/1/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 8.505/9.349 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm. Trong đó, kế hoạch vốn phân cấp về cho các địa phương thực hiện có giá trị giải ngân là 2.771/2.850,1 tỷ đồng, đạt 97,2%, kế hoạch vốn do tỉnh thực hiện có giá trị giải ngân là 5.734/6.499 tỷ đồng, đạt 88,2%.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư luôn được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong năm 2022, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022”, “Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức”, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh đã tổ chức một đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư – thương mại tại Hàn Quốc nhằm quảng bá thông tin, tiềm năng, điều kiện thuận lợi, cơ hội đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là Becamex VSIP Bình Định.

Ngoài ra, đã tổ chức các Hội thảo trực tuyến Xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá tiềm năng và lợi thế của Bình Định, trực tiếp mời gọi doanh nghiệp Mỹ, Hà Lan, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)... đầu tư vào tỉnh.

Đồng thời, cung cấp thông tin các dự án mời gọi đầu tư cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Về đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2022, toàn tỉnh thu hút mới 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4 triệu USD. Có 5 trường hợp điều chỉnh tăng vốn với tổng mức điều chỉnh tăng 16,04 triệu USD.

Đến nay, cả tỉnh có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD; trong đó có 39 dự án trong khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đăng ký trên 860 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký trên 285 triệu USD.

Tỉnh Bình Định có khoảng 8.200 doanh nghiệp hoạt động, vốn đăng ký bình quân 15 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Về đầu tư trong nước, toàn tỉnh thu hút được 71 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 16.457 tỷ đồng, trong đó có 20 dự án trong KKT và các KCN với tổng vốn đăng ký trên 3.160 tỷ đồng; 51 dự án ngoài KKT và các KCN với tổng vốn đầu tư trên 13.297 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm 19.476 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký bình quân 15 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Kế thừa những thành quả đã đạt được năm 2022, tỉnh Bình Định bước vào năm 2023 với phương châm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát.

Đó là tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cùng cả nước thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) khoảng 7,0%-7,5%.

Trong đó, tập trung xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế.

Tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ số; phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, văn hoá, thể thao và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm