Đầu tư

Gần 1,7 tỷ USD FDI vào Việt Nam đầu năm mới, các chuyên gia nói gì?

DNVN - Tháng 1/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 1,7 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Đà Nẵng: Tổng vốn FDI đăng ký mới 10 tháng 2022 chưa bằng một nửa cùng kỳ 2021 / "Sếp" Savills Việt Nam: FDI là nguồn vốn đáng tin cậy cho doanh nghiệp bất động sản

Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/1, tính từ đầu năm đến ngày 20/1, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, có một điểm tích cực là Việt Nam đã cấp mới cho 153 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, kết quả thu hút các dự án mới trong tháng 1/2023 được đánh giá là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong năm 2023.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; Trung Quốc xếp thứ 2 với 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2023 có 3 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 126,6 triệu USD, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, có 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh thêm 140,4 triệu USD.

Gần 1,7 tỷ USD FDI đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1/2023.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 126,7 triệu USD - gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tháng đầu năm 2023, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng đây tiếp tục là tín hiệu sáng về FDI chất lượng cao của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong việc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất.

Theo đó, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới rất quan tâm tới Việt Nam. Không chỉ Apple, mà cả Micrsoft – khi tỷ phú Bill Gates dù dành khá nhiều tài sản để làm từ thiện nhưng vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và sẽ dành nguồn lực để đầu tư vào nước ta.

Những "ông lớn" khác như Foxconn, hay đặc biệt là Intel đang đầu tư và hợp tác với nhiều công ty công nghệ của Mỹ để đầu tư làm nhà máy sản xuất chất bán dẫn giống như ở Israel, Mỹ.

Tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel đã có giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD làm chip bán dẫn nguồn, họ cho biết là đây là nhà máy thứ 3 (ngoài Scotland và Israel) của Intel trên toàn cầu và dự kiến vào năm 2030 sẽ cung cấp 20% chip bán dẫn cho thế giới.

Ông Mại cho biết, thị trường sản xuất thiết bị chất bán dẫn ở Việt Nam sẽ rất sôi động trong năm 2023. Năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm bán dẫn nguồn mà thế giới cần được sản xuất ở Việt Nam và cung cấp ra thị trường thế giới.

Samsung đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, LG cũng rót thêm 1 tỷ USD. Cùng với đó, Ban quản lý khu công nghiệp của Hà Nội cấp phép cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sản xuất linh kiện cho Boeing, linh kiện tàu thuỷ, shinkansen, họ bắt đầu xây dựng và phát triển doanh nghiệp hỗ trợ lớn tại Việt Nam…

Tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel đã có giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD làm chip bán dẫn nguồn.

Ngân hàng HSBC tại Việt Nam nhận định, năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa sẽ tạo triển vọng tốt cho Việt Nam thu hút FDI.

Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu rót vốn vào sản xuất ở ASEAN, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI nói chung lớn nhất vào khu vực này.

Việt Nam, cùng với Indonesia và Thái Lan đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ trọng vốn FDI cho sản xuất từ Trung Quốc, vốn trước đây tập trung đầu tư nhiều vào bất động sản. HSBC dự báo dòng vốn FDI vào sản xuất từ Trung Quốc sau khi gián đoạn trong đại dịch sẽ tiếp tục phát triển thời gian tới.

Nhận định về chặng đường 35 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút và sử dụng FDI, TS Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị Việt Nam cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chí sàng lọc FDI để tận dụng lợi thế này.

Cụ thể, cần tập trung vào xây dựng ngay 4 nhóm tiêu chí liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện định hướng thu hút FDI có chất lượng cao.Tiêu chí chuyển giao công nghệ cần được đặt lên hàng đầu để hướng đến các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao từ các tập đoàn xuyên quốc gia.

Cùng với đó là tiêu chí về môi trường nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta đã xác định không thu hút FDI bằng mọi giá, nên cần nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Tiêu chí về suất đầu tư trên một diện tích đất cần được tập trung xây dựng nhằm góp phần loại bỏ ngay từ đầu các dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp nhưng sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí nguồn lực đất đai hiện đã trở nên khan hiếm, nhất là tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế của cả nước và tại cả các trung tâm kinh tế của các địa phương.

Ngoài ra là tiêu chí về an ninh quốc phòng, nhằm loại bỏ ngay từ đầu những dự án có nguy cơ xâm hại đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội, đến quốc phòng bằng các tiêu chí rõ ràng về lĩnh vực, ngành nghề không khuyến khích đầu tư, vùng và địa bàn không xem xét, tiếp nhận FDI.

Cũng theo ông Thắng, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến lao động nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI, cũng như tiêu chuẩn và số lượng lao động là người nước ngoài vào Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Xây dựng các tiêu chí nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm