Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng Nai: Doanh nghiệp sẵn sàng vừa sản xuất, vừa đảm bảo phòng dịch

DNVN - Nhằm giúp doanh nghiệp trở lại hoạt động sau thời gian dài đóng cửa, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản cho phép doanh nghiệp đang dừng hoạt động do không thực hiện "3 tại chỗ" trước đây được sản xuất trở lại, với lựa chọn có thể đăng ký phương án "3 tại chỗ" hoặc tổ chức cho người lao động đi về.

Doanh nghiệp đề xuất cho thuyền viên cách ly tại khách sạn / Kết quả tích cực từ Chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Sản xuất phải đảm bảo công tác phòng dịch

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp không có F0 trong 14 ngày phải có phương án sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng chống dịch. Những doanh nghiệp này cũng phải bố trí nơi tạm thời cách ly F0, F1 dự phòng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.

Doanh nghiệp "3 tại chỗ" được yêu cầu quản lý chặt chẽ việc ra vào doanh nghiệp của người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tiếp xúc với người bên ngoài; không cho người lao động về địa phương hoặc đón người lao động vào doanh nghiệp khi địa phương chưa đồng ý…

Trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”, nếu phát hiện ca mắc COVID-19 doanh nghiệp phải kích hoạt ngay phương án phòng, chống dịch và thông báo cho cơ quan chức năng; dừng ngay hoạt động tại phân xưởng có F0, chủ động thực hiện cách ly F0, truy vết F1, F2.

Người lao động tham gia sản xuất phải ở vùng xanh, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Người đi về hàng ngày bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ôtô dưới 9 chỗ đảm bảo đi đúng lộ trình từ nơi cư trú đến doanh nghiệp và ngược lại.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai yêu cầu người lao động chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch làm lây lan dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đang lên phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trong tình hình mới với các biện pháp đảm bảo an toàn chống dịch.

Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đang lên phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trong tình hình mới với các biện pháp đảm bảo an toàn chống dịch.

Trường hợp doanh nghiệp tổ chức đưa đón tập trung phải thông báo danh sách lao động đến UBND cấp xã nơi lao động cư trú để phối hợp giám sát; phương tiện đưa đón đã đăng ký hoặc được cấp mã QR.

Doanh nghiệp cho lao động đi về hàng ngày bằng phương tiện cá nhân bắt buộc làm việc với UBND cấp xã để thống nhất việc đi về của lao động. Người lao động cần có giấy xác nhận do chính quyền ký - được xem như giấy đi đường.

Về phương án sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp "3 tại chỗ" tiếp tục thực hiện phương án đã đăng ký; đồng thời được hoán đổi và bổ sung lao động, cho người lao động đi về hàng ngày.

Đối với doanh nghiệp đang dừng hoạt động do không thực hiện “3 tại chỗ”, nếu có nhu cầu hoạt động trở lại có thể lựa chọn đăng ký phương án “3 tại chỗ” hoặc tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng hoạt động trở lại, song vẫn lo lắng vì chi phí xét nghiệm

Sau khi tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và lao động trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tỏ ra rất phấn khởi, bởi sau thời gian dài đóng cửa “sức khoẻ” của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Việc hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Từ hôm qua đến nay bà Lý Huê Hương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại May Thập Nhất (TP Long Khánh, Đồng Nai) đang chuẩn bị những công đoạn hồ sơ cuối cùng để hơn 200 nhân viên của cơ sở mình đi tiêm vaccine phòng COVID-19 trong những ngày sắp tới.

Theo bà Hương, từ ngày 20/7 đến nay, toàn bộ công nhân của doanh nghiệp mình phải tạm ngừng việc do không thể sản xuất vì dịch bệnh. Để người lao động an tâm chờ ngày sản xuất trở lại, từ lúc đóng cửa đến nay công đoàn cùng công ty đã nỗ lực hỗ trợ chăm lo cho người lao động, nhất là những lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, sống ở nơi cách ly, phòng toả bằng việc tổ chức nhiều đợt thăm và tặng quà. Bên cạnh đó, công ty cũng đã hỗ trợ thêm nguồn lực để góp phần cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh.

“Hơn 2 tháng ngưng sản xuất, “sức khỏe” của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Xác định rõ vai trò then chốt của việc tiêm ngừa vaccine có tác động quan trong để doanh nghiệp trở lại hoạt động khôi phục sản xuất, thời gian qua doanh nghiệp đã tích cực tuyên truyền về chính sách tiêm vaccine cho người lao động, từ đó để người lao động hiểu rõ, đó là một điều kiện tiên quyết để được sớm trở lại làm việc.

Hiện cả doanh nghiệp và người lao động đều đang rất mong ngóng được đi làm lại bình thường. Rất may mắn TP Long Khánh đang là “vùng xanh” nên công ty đã xây dựng hoàn chỉnh các phương án để đảm bảo an toàn cho người lao động khi trở lại làm việc như bố trí các xe đưa rước công nhân đi làm theo từng khu vực theo yêu cầu của cơ quan chức năng đưa ra ngày 26/9. Bên cạnh đó, hiện công ty cũng đã bố trí nhiều phòng ốc đầy đủ tiện nghi để cách ly F0, F1 dự phòng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra”, bà Hương nói và cho biết, doanh nghiệp rất mong tỉnh, thành phố trong thời gian tới tiếp tục tháo gỡ bớt khó khăn, để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong đó, điều doanh nghiệp mong muốn nhất là chính quyền đẩy mạnh việc tiêm phủ vaccine cho tất cả người lao động trên địa bản tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án sản xuất trở lại sau thời gian dài đóng cửa.

Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án sản xuất trở lại sau thời gian dài đóng cửa.

Tương tự, bà Trương Thị Mỹ Châu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Định Thành (TP Biên Hoà, Đồng Nai) cũng cho hay, do dịch diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 7/2021 đến nay hoạt động sản xuất của công ty đã dừng toàn bộ. Sau khi có kế hoạch 11102 về từng bước phục hồi kinh tế xã hội mà tỉnh Đồng Nai đã ban hành ngày 15/9 để hỗ trợ doanh nghiệp sau thời gian dài đóng cửa, song vì nhiều lý do như người lao động chưa tiêm vaccine, thị trường chính là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương chưa thể mở cửa nên doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động trở lại.

Sau khi thông tin TP Hồ Chí Minh mở dần hoạt động kinh tế từ ngày 1/10 nên doanh nghiệp đã chuẩn bị mọi nguồn lực để bảo hành lại máy móc nhằm chuẩn bị mở cửa trong những ngày sắp tới. “Phần lớn người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp ở trong “vùng xanh” và hầu hết họ đã tiêm xong mũi 1 vaccine nên việc trở lại xưởng làm việc trong những ngày sắp tới rất khả quan. Để an toàn hơn, trong quá trình hoạt động, công ty sẽ tổ chức xe đưa đón công nhân theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”, song song với đó công ty sẽ tổ chức đi chợ thay cho công nhân vào những ngày cuối tuần”, bà Mỹ Châu nói.

Bên cạnh đó, bà Mỹ Châu cho hay, việc chính quyền địa phương thời gian qua đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh là một điều rất đang hoan nghênh. Tuy nhiên, tại văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và lao động trong tình hình mới vừa được UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra vẫn còn một số tiêu chí doanh nghiệp khó hoàn thành, đó là: bắt buộc xét nghiệm COVID-19 theo định kỳ đối với người lao động, hay hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tiếp xúc với người bên ngoài.

“Bởi hiện tại qua thời gian dài đóng cửa, doanh nghiệp đã kiệt quệ, việc xét nghiệm COVID-19 thường xuyên sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí. Không chỉ thế, trong quá trình hoạt động, để ký hợp đồng sản xuất thì đối tác sẽ đến trụ sở doanh nghiệp, họ thường đi ít nhất là 3 người và đa phần ở địa phương khác đến nên việc yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài mà chính quyền đưa ra sẽ rất khó”, bà Mỹ Châu kiến nghị.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm