Hỗ trợ doanh nghiệp

Gần 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chưa chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp 4.0

(DNVN) - Kết quả khảo sát trên được đưa ra tại Hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 22/11.

Doanh nghiệp là trung tâm để xây dựng đô thị sáng tạo / Công nghệ lạc hậu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Tại hội thảo này, các chuyên gia có chung nhận định rằng, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại nhiều thách thức nhưng cũng sẽ tạo động lực lớn để doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tư duy về sản xuất và thị trường.
TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương phát biểu, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đây sẽ là một trong những thách thức lớn, khi lao động dần được thay thế bằng robot và các nhà máy thông minh sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo). Do vậy, sẽ có tác động không nhỏ đến vấn đề việc làm trong ngành công nghiệp đặc biệt ngành công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày), tiểu thủ công nghiệp trong trung và dài hạn.
Hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” . (Ảnh: Báo Đầu tư)

Hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” . (Ảnh: Báo Đầu tư)

Điều đáng lo ngại là dù nhiều khó khăn và thách thức từ bối cảnh mới đang ngày càng gia tăng, song nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nay còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho thấy, có đến 79% doanh nghiệp cho biết chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp hiện mới đang bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai các biện pháp ứng phó.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm đáng kể lao động, đặc biệt là lao động giản đơn trong một số ngành như dệt may, da giày, điện tử... Những công việc có tính chất lặp lại như lễ tân, kế toán, tư vấn luật cũng có nguy cơ được thay thế bằng AI (trí tuệ nhân tạo).
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF, cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của kinh tế xã hội.
Với mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác lợi thế về tài nguyên, gia công lắp ráp và phát triển sản xuất, xuất khẩu những ngành thâm dụng lao động và có kỹ năng thấp thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ ngày càng kém đi bởi những lợi thế này đang mất dần đi.
Do đó, Giám đốc NCIF cho biết mỗi ngành, lĩnh vực và toàn bộ xã hội đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế tối thiểu thách thức trước cuộc cách mạng này.
Bà Phan Thị Minh Hiền, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia nói phát biểu, Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra làm cho một số nghề và lĩnh vực có nguy cơ bị robot thay thế như công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, nhân viên chăm sóc khách hàng, lái xe taxi và phi công...
Dựa vào đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tỷ lệ lao động trong một số ngành có nguy cơ bị robot thay thế, Việt Nam sẽ có khoảng 20-40% lao động có khả năng bị chuyển đổi sang các nghề khác, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong tiến trình phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong tiến trình phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, mọi hành vi nghề nghiệp, cách thức kinh doanh trên thế giới số sẽ thay đổi, biến đổi hoàn toàn so với hiện nay và trí tưởng tượng của chúng ta.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm