Hỗ trợ doanh nghiệp

Quảng Ngãi: Khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái

DNVN - Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020, khi cả nước không có nguồn khai thác mới thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.

Đề nghị sớm thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam / Vì sao doanh nghiệp không mặn mà khi quảng cáo trên xe buýt?

Được biết, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, hộ gia đình sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời áp mái.

Với công suất thiết kế bình quân từ 8 - 10kWp/trụ sở doanh nghiệp, cơ quan, trường học và 3kWp/hộ gia đình, lượng điện thu được đủ sử dụng để thắp sáng và giải quyết quá trình sinh hoạt...

Công ty Điện lực Quảng Ngãi tính toán, chi phí lắp đặt điện năng lượng áp mái khoảng 26 triệu đồng/kWp. Đối với doanh nghiệp, trụ sở cơ quan, nếu lắp đặt công suất lớn hơn thì giá thành thi công sẽ giảm, nhưng sản lượng điện tạo ra lớn hơn, số tiền điện tiết giảm sẽ lớn tương ứng và thời gian hoàn vốn rút ngắn chỉ còn khoảng 5 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của điện năng lượng áp mái bình quân 25 năm.

là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền điện và hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời áp mái là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền điện cho doanh nghiệp (Ảnh: TL)

Tính đến tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 21 đơn vị, cá nhân sử dụng điện năng lượng áp mái. Trong đó gồm 5 cơ quan, doanh nghiệp, trường học và 16 hộ gia đình. Tổng công suất gần 100kWp. Sản lượng điện sử dụng thừa, bán cho ngành điện khoảng 12.500kW, với giá bán 2.086 đồng/kW.

Bên cạnh đó, hiện nay ngành điện Quảng Ngãi cũng đang xúc tiến thi công lắp đặt toàn bộ điện năng lượng áp mái tại 11 trụ sở điện lực các huyện, thành phố và trụ sở Công ty Điện lực Quảng Ngãi.

Việc triển khai hệ thống điện năng lượng áp mái đang được ngành điện khuyến khích phát triển, tận dụng diện tích mái tại các khu dân cư có cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối vào lưới điện và phát huy tối đa hiệu quả của tấm pin năng lượng.

Thực tế cho thấy, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời phát triển như Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Đặc biệt, để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán…, ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11/2017. Hiện tại, Bộ Công Thương đã gửi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 xin ý kiến các bộ, ngành. Các chính sách này đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam.

 

Chia sẻ vấn đề này, ông Đào Minh Hiển - Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 (TP.HCM) cho rằng, những lợi ích này là vô cùng lớn, khó có thể đong đếm bằng tiền cụ thể. Tuy nhiên, đầu tư một hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi chủ đầu tư phải có sẵn nguồn vốn ban đầu, thường tương đối cao và đây là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển rộng rãi của hệ thống điện mặt trời áp mái.

Bảo Hân - Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm