Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Đinh Văn Hàng: Hài hoà lợi ích mới mang lại thành công

Sau một thời gian đi làm công với mong muốn tích luỹ cho mình một kinh nghiệm sống đó là nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Đinh Văn Hàng quyết định tự khởi nghiệp bằng việc mở công ty với số vốn hầu hết bằng tiền... vay mượn.

Nhờ xác định rõ mục tiêu phải hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, đại lý và người nông dân, chỉ sau 10 năm, doanh nhân Đinh Văn Hàng đã đưa công ty từ công suất vài chục tấn với công nghệ thô sơ lên hàng trăm ngàn tấn phân bón mỗi năm với thương hiệu Huy Bảo được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu từ Đức gần như tự động hoàn toàn…  

Dám nghĩ dám làm

Tốt nghiệp thủ khoa 2 trường, Đinh Văn Hàng (SN 1979) quyết định theo học ngành Nông học tại Đại học Nông Lâm TP.HCM. Anh cho biết, mới 1 tuổi đã theo cha mẹ từ Nha Trang vào Nông trường Cù Bị, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu để sinh sống với nghề cạo mủ cao su. Công việc vất vả, hàng ngày ba mẹ phải dậy đi làm từ 2-3 giờ sáng nhà lại đông anh em, Hàng cũng như bao trẻ em vùng quê khác đó là phải ăn độn, bữa đói bữa no…

Doanh nhân Đinh Văn Hàng và vợ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Lớn lên một chút, anh đã nhận thức làm nghề cao su cực quá lại phụ thuộc vào giá cả. Giá tăng thì lương công nhân cao một chút, còn giảm thì coi như đói quanh năm. Thấy vậy, anh quyết tâm học thật giỏi, tách hẳn ra với các bạn cùng trang lứa với mong muốn thoát khỏi vườn cao su.

Đậu thủ khoa Đại học Nông Lâm TP.HCM, khi ra trường Hàng đã được một công ty chuyên sản xuất phân bón vô cơ có quy mô nhận về làm với mức lương cũng khá nhưng áp lực rất lớn. Thế nên, 11 người được tuyển cùng với anh thì có tới 8 người đã phải nghỉ chỉ sau 3 tháng làm việc vì môi trường áp lực, chi phí nhiều.

Nhớ lại, có lần trong một chuyến chở 3 thùng phân bón lá băng qua suối để tìm thị trường. Hồi đó chưa có cầu nên anh quyết liều qua như những con suối trước. Ra tới giữa suối, nước chảy mạnh trôi cả xe, cả người và ba thùng hàng. Lúc đó các chai phân bón trôi lềnh bềnh khắp suối, anh phải lao người theo để vớt tới cả cây số mới vớt hết được. Nhiều chai trôi chui vô cả ngóc ngách bụi tre, bụi nứa bên suối cũng phải chui vô để lấy nếu không sẽ bị đền. Vớt hàng xong người ướt như chuột lột, lạnh căm, và chân tay trầy xước.

Công việc vất vả là vậy, nhưng với Hàng thì khác. Xác định đi làm để có kinh nghiệm, để lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu của đại lý và người nông dân mới là điều quan trọng. Nếu đi làm mà mình cứ quan tâm đến đồng lương bao nhiêu thì khó mà toàn tâm toàn ý để mà làm tốt được. Thế nên, dù mới làm được thời gian chưa đầy 3 năm nhưng các địa bàn như Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu rồi Bình Phước, Đăng Nông, Đăk Lăk… anh đều có mặt để đưa sản phẩm của công ty đến. Nhờ thế, chỉ một thời gian ngắn đi làm anh đã được công ty “đôn” làm “sếp”, quản lý vùng không còn là anh nhân viên thị trường lóc cóc đi đến từng đại lý năn nỉ họ lấy hàng nữa.  

Luôn đau đáu với công nghệ

Đang làm “sếp” một vùng bỗng đùng một cái năm 2008, Đinh Văn Hàng quyết định thành lập công ty riêng để thực hiện ý tưởng của mình khiến nhiều người tiếc nuối.

 

Chẳng là trong quá trình đi làm, anh nhận thấy có quá nhiều trại gà xung quanh với lượng chất thải khổng lồ. Với kiến thức được học và kinh nghiệm thực tế của mình, nếu biết tận dụng thì sẽ tạo ra phân bón và còn xử lý được môi trường không bị ô nhiễm. Hơn thế, trong quá trình đi làm trước đây, anh còn nhận thức rõ việc lâu nay người dân chỉ biết khai thác chất dinh dưỡng từ đất qua các vụ mùa mà quên tái tạo, trả lại dinh dưỡng. Thế nên, anh quyết định làm một công ty chuyên sản xuất phân bón hữu cơ với nguồn nguyên liệu là 100% phân gà ủ hoai được mua với giá rẻ của các trại gà xung quanh.

Nguồn chất thải chăn nuôi được Công ty Huy Bảo xử lý thành phân bón. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Ngày đầu, nguồn vốn chủ yếu bằng vay mượn nên công suất chỉ vài trăm tấn một năm với chất lượng không đều. Tuy nhiên, nhờ giá thành rẻ, lại được các đại lý quý mến cùng với nguồn phân bón có nguyên liệu từ phân gà và than bùn nên khi bón vào người dân đã thấy hiệu quả rõ rệt cho cây trồng và cải tạo đất nên sản phẩm của anh được tin tưởng.

Còn nhớ, năm 2012, trong một lần đi thị trường tại Đà Lạt, thấy một đại lý bán phân nở nhập khẩu từ Hà Lan, Đức, Úc với giá tới 12.000đ/kg. Lúc này, anh Hàng liền nói với chủ đại lý, sang năm tôi sẽ làm được sản phẩm này khiến đại lý bán tín bán nghi.

Trở về, anh đã nghiên cứu các quy trình, công nghệ để sản xuất phân nở nhưng công nghệ của Đức là tối ưu nhất nên đã quyết định nhập về để sản xuất. Chưa đầy một năm sau, anh đã cho ra sản phẩm phân nở y chang hàng nhập khẩu với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhưng chỉ bán với giá 9.000đ/kg khiến các hãng phân nhập khẩu trước đó lập tức giảm xuống bằng giá. Thấy giá bán 9.000đ còn cao, anh tiếp tục hạ xuống còn 7.000đ/kg thì các công ty nhập khẩu cũng tiếp tục giảm ngang bằng. Chỉ một kg phân nở trong một thời gian ngắn mà anh đã giúp người nông dân giảm được 5.000đ/kg.

Nhận thấy xử lý phân gà và xác chết động vật tạo ra phân bón là vấn đề sống còn của mình, do đó anh Hàng luôn mày mò tìm kiếm đầu tư nhiều chục tỷ đồng để trang bị những công nghệ mới, tối ưu và hiệu quả nhất. Mới đây, anh vui mừng cho biết đã đầu tư một hệ thống xử lý chất thải tiệt trùng 100% và khử mùi gần như hoàn toàn nhờ vậy xử lý được 90% lượng phân chuồng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ tiệt trùng, hiện anh Hàng được nhiều địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ có đàn gia súc, gia cầm lớn mời hợp tác trong việc xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, anh cho biết sẽ luôn đau đáu với việc nghiên cứu, nhập những công nghệ mới nhất để sản phẩm của mình có giá rẻ mà chất lượng cao. Theo đó hiện anh đã nâng cấp cho Công ty Huy Bảo của mình hệ thống sản xuất theo ISO 2015 (phiên bản mới nhất), ISO 14.000 về môi trường và hướng tới sản xuất các dòng phân bón hữu cơ Oganic với tiêu chuẩn của Mỹ.

Nên đọc
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo