Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Thái Hương: Người tạo “đế chế” sữa tươi

Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH là một trong 2 nữ doanh nhân của Việt Nam lọt vào danh sách quyền lực nhất châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn.

Trong căn phòng làm việc được xếp vào hàng “độc nhất vô nhị”, luôn rợp bóng mát của những vòm cây cổ thụ, tọa lạc trên một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô, vị Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Tập đoàn TH say sưa nói hàng tiếng đồng hồ về trang trại bò sữa TH true MILK của mình... như một người đi “truyền lửa”.

 

Bà Thái Hương

 

Vào những ngày này, nếu đi qua khu vực Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An, du khách sẽ không khỏi không choáng ngợp bởi một bức tranh thiên nhiên lộng lẫy sắc màu. Đó là màu nâu đỏ của cánh đồng hoa cao lương thẳng cánh cò bay, màu vàng rực rỡ của cánh đồng hoa hướng dương trải dài ngút tầm mắt, màu xanh mơn mởn của những cánh đồng ngô Mỹ, đậu tương, cỏ ghi-nê, cỏ mombasa rộng tới tận chân trời…
 
Cánh đồng rộng 4.000 ha thuộc trang trại quy mô tới 37.000 ha nằm bên dòng sông Sào êm ả này chính là đại bản doanh của “đế chế” sữa tươi sạch TH true MILK thuộc Tập đoàn TH mà bà Thái Hương làm chủ. “Ngoài những cánh đồng cỏ rộng mênh mông, đây cũng là nơi TH đặt nhà máy sữa có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm (đã hoàn thành giai đoạn I với công suất 200.000 tấn/năm)”, bà giới thiệu với vẻ mặt đầy tự hào.
 
Không tự hào sao được khi cách đây 5 năm, khu vực cao nguyên Phủ Quỳ này của huyện Nghĩa Đàn chỉ là vùng đất nghèo, hoang vắng. Tất cả đã thay đổi từ tháng 1/2009, khi Dự án Xây dựng trang trại bò sữa của Tập đoàn TH được khởi động. Nơi đây biến thành đại công trường náo nhiệt, máy móc và con người làm việc hết tốc lực, bất kể ngày đêm, để rồi 5 tháng sau, một trang trại sừng sững mọc lên.
 
Tiếp đó, tháng 2/2010, hàng ngàn con bò nhập khẩu từ New Zealand đã về đến Nghĩa Đàn và chỉ 7 tháng sau, dòng sữa tươi sạch TH true MILK chính thức ra đời, đánh dấu hành trình của một thương hiệu đình đám. Cho đến nay, trang trại bò sữa TH đã có tới 35.000 con bò. Theo kế hoạch, quy mô của trang trại sẽ tăng lên 137.000 con vào năm 2017, đáp ứng khoảng 50% nguồn nguyên liệu sữa tươi cả nước và đến năm 2020 là 203.000 con, bằng 50% tổng đàn bò cả nước.
 
Với quy mô lên tới 37.000 ha, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, đây là dự án lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Đây cũng là dự án bò sữa lớn, hiện đại và có năng suất cao nhất khu vực (30-40 lít/ngày/con). Việc đầu tư bài bản từ nuôi bò, trồng cỏ đến chế biến sữa đã biến TH là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chủ động được hoàn toàn sữa nguyên liệu đầu vào, không hề phải nhập khẩu.
 
Tại trang trại của TH, hầu hết các khâu đều được tự động và chuyên nghiệp hóa với công nghệ tiên tiến nhất của thế giới. Trong đó, khâu chăm sóc, quản lý bò được trực tiếp thực hiện bởi 2 công ty đa quốc gia: Công ty Afikim của Israel (quản trị đàn bò) và Công ty Totally Vets của New Zealand (quản trị về thú y).
 
Không chỉ thuê nhà tư vấn Israel, bà chủ TH còn chịu chơi đến mức thuê cả nông dân Israel về chăm sóc bò sữa trong giai đoạn đầu. “Cách làm của chúng tôi nói ngắn gọn là sự kết hợp giữa trí tuệ Việt - tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới”, bà Hương nói về cách “đi tắt” để vượt qua rất nhiều đối thủ trên thị trường sữa.
 
Lính mới làm thay đổi trật tự thị trường sữa
 
Thị trường sữa Việt Nam luôn được đánh giá là mảnh đất hấp dẫn, song cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất. Ở đó, những con cá mập sẵn sàng cấu xé và nuốt chửng những chú cá con mới chập chững ra khơi. Thế nhưng, chuyện hiếm thấy đã xảy ra khi “lính mới” TH true MILK không chỉ tồn tại, chiếm lĩnh được thị trường, mà còn làm thay đổi được cục diện thị trường, thay đổi cả thói quen của người tiêu dùng.
 
Theo các chuyên gia thị trường, sở dĩ làm được điều này là do bà Thái Hương đã chọn được lối đi riêng của mình, với chiến lược “đại dương xanh”, thay vì lối mòn “đại dương đỏ”. Đại dương đỏ là thị trường thông thường, đã được khai thác rất sâu và bị lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh, rất ít cơ hội cho những doanh nghiệp mới. Còn đại dương xanh là những thị trường hoặc những khoảng trống thị trường chưa được khai phá, chưa có cạnh tranh.
 
Còn nhớ năm 2012, khi trả lời một tờ báo rằng: “Có người nói, tôi có hai đối thủ lớn nhất trên thị trường. Nhưng tôi khẳng định, tôi không có đối thủ”, bà Thái Hương đã làm cho không ít doanh nghiệp ngành sữa “cay mũi”. Thời điểm đó, bà chủ TH cũng chịu không ít lời thị phi từ dư luận và các đối thủ, khi “tay ngang” từ ngân hàng chuyển sang nuôi bò, chế biến sữa mà lại tự tin đến vậy.
 
Thế nhưng, lời tuyên bố đó là sự thực. Bà Thái Hương không có đối thủ, bởi TH không chọn lối đi của đại đa số các doanh nghiệp trên thị trường sữa bấy giờ là nhập khẩu sữa bột về bán, mà lao vào nuôi bò, trồng cỏ để sản xuất sữa tươi thật. “Tôi cảm ơn Vinamilk và các hãng sữa khác đã tạo cho người dân Việt Nam thói quen uống sữa. Tôi muốn làm bạn với họ, song tôi không đi chung con đường với họ”, bà Thái Hương tự tin nói.
 
Sự tự tin của bà Thái Hương xuất phát từ quá trình nghiên cứu ngành sữa từ trước đó. Khi ấy, bà thấy rằng, 92% nguồn nguyên liệu sữa tại Việt Nam được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài (năm 2008), sữa nước trên thị trường chủ yếu là sữa hoàn nguyên, tức là doanh nghiệp nhập sữa bột về, pha chế thành sữa nước, chứ không phải sữa tươi. Vì vậy, bà chọn cho mình một con đường hoàn toàn riêng biệt: sản xuất sữa tươi sạch.
 
“Tôi có thể tự hào khẳng định, mình là người đặt viên gạch đầu tiên về sản xuất sữa tươi sạch trên thị trường. Tôi không cần lấy thị trường của người khác, mà tự tạo ra một lớp khách hàng mới. Hiện chỉ có 20-25% người dân Việt Nam uống sữa, dư địa để tăng thị phần còn nhiều lắm, không phải tranh giành của ai”, bà Thái Hương chia sẻ.
 
Thực tế, chỉ vài năm sau, những lời thị phi đã nhường chỗ cho sự thán phục. Bởi chỉ sau 5 năm thành lập Công ty, bà Thái Hương đã gây dựng thành công thương hiệu TH true MILK nổi đình, nổi đám. Sản phẩm sữa TH true MILK đã được người tiêu dùng đón nhận và nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế số một trên thị trường sữa tươi, doanh thu liên tục tăng nhanh. Doanh thu thuần năm 2013 của Tập đoàn đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, TH sẽ đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017.
 
Bà Thái Hương từng nói: “Nếu niềm tự hào của người Đức là BMW, người Nhật là Sony, thì người Việt Nam cũng có quyền tự hào về TH true MILK. Thực tế, tôi đã tư vấn cho TH làm ra những ly sữa tươi sạch chất lượng thế giới như sữa tươi mà công dân số một của các nước trên thế giới đang dùng. Điều đó người dân Việt Nam có quyền tự hào, chứ không phải riêng TH”.
 
Trên thị trường sữa, bà chủ TH lại làm nên kỳ tích mà các doanh nghiệp trước đó chưa làm được: thay đổi trật tự thị trường sữa. Sự xuất hiện của TH true MILK, cùng với nỗ lực truyền thông về minh bạch nguồn nguyên liệu sữa đã khiến thói quen sử dụng sữa tươi của người dân tăng lên và các hãng sữa khác phải rốt ráo nhảy vào cuộc đua đầu tư vùng nguyên liệu. Vì vậy, từ chỗ ngành sữa phải nhập khẩu 92% nguyên liệu trước năm 2009, đến năm 2014, con số nhập khẩu giảm chỉ còn 72%.
 
Chưa hài lòng với sữa tươi tiệt trùng hoàn toàn nguyên chất, bà chủ Tập đoàn TH còn nuôi tham vọng sẽ cung cấp sữa tươi thanh trùng (loại sữa có giá trị dinh dưỡng cao nhất đang được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển) ra thị trường. Đây là quyết định vô cùng táo bạo, vì loại sản phẩm này có thời hạn sử dụng ngắn, đòi hỏi phải có hệ thống bảo quản, giữ lạnh tốt và tiêu thụ nhanh, nếu làm không được sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh thua lỗ. Tuy nhiên, với hệ thống 110 cửa hàng TH truemart được đầu tư bài bản, hiện đại ở các thành phố lớn và vẫn đang tiếp tục được mở rộng, cùng với dịch vụ giao hàng tận nhà ưu việt, chắc chắn bà chủ TH sẽ
thành công.
 
Ép đất đẻ vàng không khó
 
Đã từng hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như sắt thép, ngân hàng…, rồi mới đầu tư vào ngành sữa từ một cơ duyên rất tình cờ, song sản xuất sữa lại là dự án bài bản, nghiêm túc và tâm huyết nhất của bà Thái Hương. Bà nhận ra rằng, ông cha ta từng nói “đất nước ta rừng vàng, biển bạc” là không hề sai, có điều chúng ta chưa biết cách để ép đất đẻ ra vàng. Với việc áp dụng công nghệ cao, TH true MILK đã làm được điều đó.
 
Cho đến nay, khó khăn chưa phải đã hết, song bà chủ Thái Hương luôn có niềm tin chắc chắn vào mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Bà cũng có niềm tin rằng, TH sẽ đạt doanh thu tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng ba năm tới.
 
Sự thành công của TH đã khiến rất nhiều nhà đầu tư lừng danh thế giới như Temasek, Goldman Sachs đặt vấn đề liên doanh, song bà Thái Hương đều từ chối. Có hai lý do để từ chối, thứ nhất là các nhà đầu tư này luôn đưa ra những điều kiện bất lợi cho Việt Nam. Thứ hai, bà Thái Hương luôn tâm niệm, không bao giờ trao lợi thế đất đai của Việt Nam cho nước ngoài mà chỉ mua công nghệ của họ.   
 
Ít ai biết, trong quá khứ, nữ doanh nhân có vóc dáng nhỏ bé này đã nhiều lần chiến thắng oanh liệt trên bàn đàm phán với đối tác ngoại. Phi vụ thứ nhất, TH true MILK thương thảo hợp đồng mua bò sữa với New Zealand vào đúng lúc Công ty đang ồ ạt xây dựng trang trại, nhà máy để đón đàn bò, chuẩn bị sản xuất. Biết được tình hình này, đối tác bán bò sữa đã đưa ra một bản hợp đồng với các điều kiện hoàn toàn bất lợi cho TH True MILK. Đọc xong các điều khoản, bà Thái Hương đã gạt hợp đồng sang một bên và yêu cầu nhà tư vấn tìm ngay đối tác khác ở Australia, Canada, Uruguay… 
 
Thái độ cương quyết của bà Hương khiến 3 ngày sau, Chủ tịch HĐQT của đối tác New Zealand đã phải bay sang Việt Nam và mọi điều khoản của hợp đồng được thỏa thuận lại, đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của TH. Có lẽ, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ bản lĩnh “lật ngược thế cờ” như vậy trong đàm phán với đối tác ngoại.
 
Phi vụ thứ hai là vụ mua lại Nhà máy Đường Tate & Lyle (Anh) có trụ sở tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Tỉnh Nghệ An đã đề nghị doanh nghiệp này bán lại cho một doanh nghiệp trong tỉnh, vì trước đó, Nghệ An đã góp vốn bằng đất đai cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, do vào thời điểm ký hơp đồng góp vốn, Nghệ An thiếu kinh nghiệm đàm phán với đối tác ngoại, nên không đưa ra điều kiện ràng buộc gì. Vì vậy, Tate & Lyle đã “phớt lờ” đề nghị của Nghệ An và chào đấu giá công khai với 20 nhà thầu quốc tế.
 
Thế nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, TH đã nhanh tay đăng ký quy hoạch toàn bộ vùng nguyên liệu của Nghĩa Đàn, trong đó có vùng mía. Điều này có nghĩa là, bất kỳ đối tác nào mua Tate & Lyle cũng phải “qua tay” TH mới có vùng nguyên liệu sản xuất. Nước cờ cao tay này đã khiến TH chiến thắng 20 nhà thầu quốc tế, chính thức sở hữu Tate & Lyle. Thương vụ này đã được bình bầu là thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài “khủng” nhất trên thị trường trong năm 2011.
 
Hiện nay, dự án của TH ở Nghĩa Đàn đã vào quỹ đạo, song chưa dừng lại ở đó, bà Thái Hương còn nuôi tham vọng mở rộng dự án chuỗi trang trại ở các địa phương khác, trong đó có Tây Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang… “Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi”, câu nói của bà Thái Hương đã khiến rất nhiều địa phương ở Tây Nguyên muốn mời TH về đầu tư, trong đó có Đắk Lắk.
 
Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tập đoàn TH đang định đầu tư dự án 72.000 con bò, với tổng vốn khoảng 500 triệu USD vào Đắk Lắk. Dự án được thiết kế theo chuỗi, đầu tư nuôi bò sữa, xây dựng nhà máy chế biến sữa, trồng dược liệu, phát triển rừng… 
 
Được biết, ngoài lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa, theo đúng kế hoạch đề ra từ đầu, bà Thái Hương đang triển khai dự án trồng dược liệu, sản xuất thực phẩm chức năng. Sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, song sẽ được đăng ký thương hiệu tại Mỹ. Theo dự kiến, tháng 7/2015, Tập đoàn sẽ tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm dược liệu tại Mỹ và sẽ bán sản phẩm dược liệu TH tại Việt Nam vào tháng 10/2015.
 
Thành công của TH và câu chuyện của bà Thái Hương chỉ ra rằng, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là “con gà đẻ trứng vàng”. Tuy nhiên, để cuộc cách mạng này thành công, cần có tư duy đột phá, sau đó là phải có quỹ đất, có sự ủng hộ của chính quyền, nhưng trước hết, cần phải có đội ngũ doanh nhân đủ tâm, trí, lực, dám nghĩ, dám làm.
 
 
Theo Bảng vàng doanh nhân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo