Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cà Mau: Chủ động xây dựng chuỗi cung ứng các mặt hàng chủ lực

DNVN - Ngày 18/9, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2021. Tại đây, nhiều tập đoàn mong muốn tỉnh Cà Mau xây dựng chuỗi cung ứng đối với các mặt hàng chủ lực.

CLB Doanh Nhân Đồng Hương Bạc Liêu - Cà Mau Tại TP. HCM: Họp Mặt Ngày Doanh Nhân Việt Nam / Cà Mau: Phó chủ tịch Hiệp hội DN trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 300.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha. Hàng năm, sản lượng tôm đạt khoảng 250.000 tấn; diện tích đất trồng lúa khoảng 110.000 ha, sản lượng đạt 500.000 tấn, bảo đảm tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD/năm (chủ yếu là tôm).

Thời gian gần đây, do các doanh nghiệp chế biến thủy sản không đáp ứng được điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 phải tạm ngưng hoạt động. Doanh nghiệp giảm công nhân, công suất do thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” khiến giá tôm nguyên liệu giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và thu hoạch tôm trong các hộ nuôi.

Theo ghi nhận, khoảng 1 tuần trở lại đây, giá mặt hàng trên đã bắt đầu tăng trở lại. Riêng việc thu hoạch, tiêu thụ vụ lúa Hè Thu nhìn trung có khó khăn nhưng chưa bị ùn tắc nhiều. Theo đó, khó khăn chủ yếu là các đại lý, doanh nghiệp ngoài tỉnh khó đến được các vùng nguyên liệu thu mua. Nguyên nhân do các đơn vị này còn lúng túng trong việc xin giấy phép vận chuyển.

Bà Trần Kim Nga- Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết rất ấn tượng với kết quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Cà Mau trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc địa phương tăng cường kiểm soát dịch bệnh đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa. “Tôi hy vọng Cà Mau sẽ có các giải pháp cụ thể để các nhà sản xuất không bị gián đoạn trong cung ứng hàng hóa, tránh tình trạng nơi sản xuất thừa còn những nơi cần thì lại thiếu” bà Nga chia sẻ.

Ông Đỗ Quốc Huy- Giám đốc Marketing Saigon Co.op cũng đề nghị phía Bộ NN&PTNT và các địa phương nên có một định hướng, hướng dẫn thu hoạch nông, thủy sản làm sao đừng để bị dồn vào một lúc, dẫn đến bà con gặp khó khăn. Bên cạnh đó, phải làm sao để con tôm Cà Mau đến TP Hồ Chí Minh có giá hợp lý nhất và chất lượng tươi ngon nhất. Ngoài ra, để đạt được điều đó thì phải chuẩn từ khâu nuôi trồng, sơ chế, đến đóng gói, bảo quản và xa hơn nữa là bao bì hình thức, mẫu mã làm sao thu hút khách hàng.

Nhiều tập đoàn mong muốn mặt hàng chủ lực của Cà Mau cần xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, vấn đề đặt ra hiện này là làm sao xây dựng được chuỗi giá trị để cho các nhà bán lẻ, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gần gũi hơn với vùng nguyên liệu; gần gũi hơn các nhà lãnh đạo địa phương để cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn.

“Vừa qua, chúng tôi cũng đã kết nối 1.400 đầu mối. Trong đó, có các đầu mối doanh nghiệp, hợp tác xã của Cà Mau để cung ứng lên TP Hồ Chí Minh thông qua các túi combo được người tiêu dùng đánh giá cao. Trong thời gian tới, Bộ vẫn tiếp tục giữ vai trò kết nối tiêu thụ nông, thủy sản, rất mong nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, hợp tác xã...”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin.

Ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ghi nhận những đánh giá của lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng như ý kiến đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh Cà Mau sẽ cùng các nhà thu mua thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa cho các đơn vị theo mong muốn.

Thái Cường - Hồng Ngọc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm