Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO ActionCOACH PRO Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ 15 “bí kíp” giúp doanh nghiệp sống sót trong đại dịch Covid-19

DNVN – Trong bối cảnh kinh doanh suy giảm do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, CEO ActionCOACH PRO Nguyễn Thị Thu Hiền khuyến cáo doanh nghiệp cần kiểm soát dòng tiền, tăng cường tối đa chuyển hoá thành tiền mặt, định vị doanh nghiệp trong suy thoái và cải thiện năng suất.

Lâm Đồng: Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho chủ doanh nghiệp / Tổ chức huấn luyện doanh nghiệp ActionCOACH khai trương văn phòng tại Lâm Đồng

Được đánh giá là một trong những Nhà huấn luyện doanh nghiệp có uy tín tại xứ sở xương mù Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, CEO ActionCOACH PRO, hiện là Trưởng Ban Đào tạo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

_

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền vừa là CEO của một doanh nghiệp, vừa là Nhà huấn luyện, tư vấn doanh nghiệp được tín nhiệm tại Lâm Đồng

Là chủ doanh nghiệp, đồng thời là Nhà tư vấn, huấn luyện, nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp, trăn trở trước những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Thu Hiền đã đúc kết và dành tặng cho cộng đồng doanh nghiệp 15 hành động cần làm ngay trong điều kiện kinh doanh suy giảm. Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chị để hiểu rõ hơn về 15 “bí kíp” này.

Thưa chị, xuất phát từ đâu chị đúc kết được 15 hành động cần làm ngay để giúp doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng do Covid-19 gây ra?

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền: Suốt mấy tháng nay, kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của cuộc sống trên quy mô toàn cầu, là một nhà đào tạo, tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tôi luôn trăn trở, đau đáu khi chứng kiến cảnh doanh nghiệp trong nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, đang phải đứng trước nguy cơ phá sản, rơi vào tình thế lao đao, người lao động bỗng dưng bị thất nghiệp

Tôi đã chứng kiến cảnh một chủ doanh nghiệp tại Đà Lạt sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, đã quyết định phát cho mỗi nhân viên một triệu đồng rồi cho nghỉ việc hàng loạt từ 10 ngày, đến nửa tháng, rồi đến vô thời hạn.

_

Chị Thu Hiền hiện là Trưởng Ban Đào tạo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng

 

Theo tôi, việc sa thải nhân viên kiểu này chỉ là biện pháp đường cùng thôi. Bởi vì chủ doanh nghiệp cần tính đến lúc dịch bệnh được khống chế, lúc ấy doanh nghiệp phải đứng trước nguy cơ thiếu nhân sự trầm trọng. Bởi vì những nhân sự này đã thạo việc, lành nghề, đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đào tạo.

Và rất nhiều tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản bởi kinh doanh ế ẩm, sản phẩm làm ra không có đầu ra, không thể xuất khẩu… Đó là những thực tiễn khiến tôi phải trăn trở để đúc kết ra 15 hành động cần làm ngay giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, để dành tặng cho cộng đồng doanh nghiệp.

15 hành động doanh nghiệp cần làm ngay trong lúc này gồm những gì, thưa chị?

Theo tôi, 15 hành động chủ doanh nghiệp cần thực hiện trong lúc này thuộc 4 nội dung chính, đó là: Kiểm soát dòng tiền, giảm thiểu và chậm chi tiền ra; Tăng cường tối đa chuyển hoá thành tiền mặt; Định vị công ty sẽ như thế nào trong suy thoái; Cải thiện năng suất. Cụ thể:

 

Kiểm soát dòng tiền, giảm thiểu và chậm chi tiền ra bằng các giải pháp như: Thương lượng giảm tiền thuê mặt bằng, văn phòng. Thương lượng nhà cung cấp giảm giá, đàm phán lại về doanh số, thời hạn thanh toán… Đây cũng là lúc để doanh nghiệp hiểu được đối tác nào sẵn lòng đồng hành cùng mình trong lúc khó khăn, qua đó, chúng tôi đo lường được, phân loại xếp hạng A, B, C, D nhà cung cấp.

Cắt giảm các chi phí không cần thiết (Ví dụ: Ngừng vinh danh, tri ân khách hàng, teambuiding...). Thay vì tính toán Điểm hoà vốn, hãy tính toán “Điểm sinh tồn” là mức doanh số tối thiếu để Doanh nghiệp đủ để sinh tồn trong giai đoạn này. Chuyển sang phương án thuê thay vì mua. Thương lượng các khoản phải trả thêm thời gian tín dụng, mở rộng các khoản tín dụng.

Tăng cường tối đa chuyển hoá thành tiền mặt bằng các biện pháp như: Cắt ngắn thời gian cho nợ, chủ động giảm thêm 1-2% để cắt ngắn thời gian thu tiền: Luôn nhớ Doanh số là lý thuyết, Lợi nhuận là Thực tế, Tiền mặt là Vua.Chủ động giữ khách hàng hiện hữu, đừng vì quá cắt giảm chi tiêu mà không duy trì dịch vụ tốt: giai đoạn này khách hàng cũ sẽ là nguồn mang lại 80% doanh thu của Doanh Nghiệp. Đừng tiết kiệm chi phí lúc này để giữ những khách hàng tốt nhất của bạn: Chi phí để có 1 khách hàng mới cao hơn rất rất nhiều so với chi phí để 1 khách hàng cũ quay trở lại mua hàng.

Doanh nghiệp cũng cần định vị công ty sẽ như thế nào trong suy thoái: Giảm giá trị tồn kho, chuyển sang giữ tiền mặt. Xem xét lại các thông điệp tiếp thị: Đồng cảm, thấu hiểu, hiện diện online thường xuyên hơn và lưu ý viral Mar. Nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới để nhảy vọt: trong nguy luôn có cơ, hay luôn nghĩ khác đi, đây là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi hình thức kinh doanh và tìm ra những ngách thị trường mới cho doanh nghiệp.

Việc cải thiện năng suất cũng cần phải được chú trọng: Nếu phải cắt giảm nhân sự cho sự sống còn của công ty, phải tính toán để cắt giảm một lần, kẻo 6 tháng sau lại phải cắt. Giảm giờ làm trước khi giảm lương. Cắt lương của bạn trước, chia sẻ cùng đội ngũ Quản lý cấp trung và cấp cao, cùng hiểu thực trạng của doanh nghiệp và sẵn lòng chia sẻ gánh vác 1 phần cùng Doanh nghiệp giai đoạn khó khăn này. Truyền thông rõ ràng về tình trạng công ty, để đảm bảo mọi người đều cùng hiểu đúng về hiện trạng.

 

Các doanh nghiệp đã đón nhận và áp dụng các “bí kíp” này như thế nào, thưa chị?

Thực tế, trong thời gian qua tôi đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng, cùng ban điều hành, các chủ doanh nghiệp, lên 3 tình huống xấu nhất có thể xảy ra với doanh nghiệp, từ đó áp dụng chiến lược phù hợp từng giai đoạn, giúp doanh nghiệp đối mặt với khó khăn một cách chủ động. Với cách này, ban điều hành các doanh nghiệp mà tôi đồng hành cùng trong giai đoạn này đều ở tư thế sẵn sàng và hầu như mọi việc đều đang trong tầm kiểm soát tốt.

Chẳng hạn, việc cắt ngắn thời gian cho nợ, chủ động giảm thêm 1-2% để giảm thời gian thu tiền, tôi đã tư vấn và một số doanh nghiệp nông sản tại Lâm Đồng đã áp dụng, chấp nhận lợi nhuận ít hơn, nhưng chủ động được việc thu tiền mặt về. Bên cạnh đó chú trọng khách hàng hiện hu. Vì trong bối cảnh này, không biết doanh nghiệp nào sẽ bị vỡ nợ, đóng cửa và tồn tại.

_

Chị Thu Hiền thường xuyên dành thời gian tư vấn 1-1 với các chủ doanh nghiệp, đặt biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp

 

Hay một doanh nghiệp chuyên cung ứng hải sản cho hệ thống nhà hàng, vì Covid-19, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên đầu ra bị tắt, trong khi đó chi phí mặt bằng vẫn phải trả, nhân viên không nỡ cắt giảm... Doanh nghiệp này đã chủ động mua sắm dụng cụ về tự hấp, mua bao bì về đóng gói, cử nhân viên mình ship đến tận nhà cho khách hàng. Nhờ đó, công ty vẫn đang sống sót qua đại dịch.

Trong lúc này cần tối ưu các tài sản doanh nghiệp đang sở hữu. Ví dụ,tôi đã tư vấn cho một doanh nghiệp là một nhà máy với diện tích 5ha, khai thác tối đa các tài sản của doanh nghiệp bằng cách sử dụng mái nhà xưởng và diện tích 5ha của doanh nghiệp để hợp tác với đối tác làm điện áp mái để vừa có điện sử dụng cho doanh nghiệp với giá thành rẻ vừa bán được cho ngành điện.

15 hành động tôi đúc kết chỉ là công thức chung cho các doanh nghiệp giữa bối cảnh kinh doanh duy giảm do Covid-19. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có một nội lực và khó khăn khác nhau nên cần thời gian để chia sẻ, tư vấn cụ thể, xác thực và hiệu quả hơn. Do đó, trước khi trông chờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì mỗi doanh nghiệp cần tự phát huy nội lực trong nghịch cảnh thì mới tồn tại và phát triển được. Đây là lúc mà chỉ số AQ (Advanture Quote) – Chỉ số vượt qua nghịch cảnh, khó khăn - trong mỗi chủ doanh nghiệp phát huy, Bởi ông bà ta đã dạy: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Xin cảm ơn chị!

 

Tâm An (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm