Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chú trọng các nhóm ngành "dẫn đường" để bứt tốc phục hồi

DNVN - Theo các chuyên gia, tiến trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay đối mặt với nhiều rủi ro và chắc chắn mất nhiều thời gian. Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, khai thác các lợi thế từ các FTA cũng như chú trọng đến những nhóm ngành đóng vai trò "dẫn đường" để bứt tốc trong năm 2022.

Sản phẩm từ cây Chùm Ngây lên Sàn giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị / Doanh nghiệp vận tải hàng hóa tìm đủ cách xoay xở khi giá xăng dầu tăng cao

Rủi ro trong tiến trình phục hồi
Tại "Diễn đàn doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng" do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 23/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, đại dịch COVID-19 đang gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dẫn kết quả khảo sát mới đây của VCCI, ông Phòng cho hay, xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, tiến trình phục hồi của DN sẽ mất nhiều thời gian.
Do đó, việc Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” ngày 11/10 vừa qua được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.
Phân tích sâu về rủi ro trong tiến trình phục hồi, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chỉ rõ những rủi ro gồm dịch bệnh, sự thu hẹp hoặc dừng lại của các gói hỗ trợ khiến các gói lãi suất, ưu đãi giảm… khiến quá trình phục hồi khó khăn hơn. Bên cạnh đó là rủi ro tài chính như sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản và rủi ro nợ của thế giới lớn hơn bao giờ hết.
Về vấn đề này, Nguyễn Xuân Quang – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dự báo kinh trế xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho rằng, tiến trình phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo là rất khó và phức tạp vì điều kiện hoàn cảnh dịch bệnh đã đặt chúng ta vào bối cảnh mới.
Trong đó, với yếu tố nước ngoài, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới dự báo ít lạc quan hơn khoảng 4,9% nhưng sẽ có những tín hiệu tích cực đến từ việc mở cửa các quốc gia, điều này sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi sản xuất, hàng hóa, đầu tư trên toàn cầu. Với yếu tố trong nước, Việt Nam không thể coi thường nguy cơ áp lực lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, sẽ có sự tác động đến từ các yếu tố liên quan đến các gói kích thích tài khóa lớn trong nước, nới lỏng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích, thế giới bước vào năm 2022, bối cảnh địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nhiều thay đổi khó lường. Các thách thức vẫn tiếp diễn khi chuỗi cung ứng còn dấu hiệu gián đoạn sản xuất và đứt gãy. Số hóa là con đường bắt buộc phải trải qua do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác... thay đổi. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch, tham gia các hoạt động giải trí... dẫn đến doanh số của nhiều DN giảm sút..
Khai thác lợi thế từ các FTA và 5 nhóm ngành "dẫn đường"
Theo ông Hoàng Quang Phòng, trong bối cảnh mới hiện nay, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.
TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, sau gần 2 năm chống chọi với COVID-19, DN Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm thích ứng của các doanh nghiệp quốc tế trước tác động của đại dịch. Với Singapore, trong 2 năm đại dịch, các DN tập trung đầu tư vào số hóa, đào tạo lại kỹ năng để người lao động thích ứng với môi trường làm việc mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm giá trị cao.

Các diễn giả đưa ra nhiều khuyến nghị cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Trong khi đó, các DN Mỹ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sự nhanh nhẹ, tức là khả năng định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người và công nghệ một cách nhanh chóng; lập kế hoạch cho sự thay đổi trong thời kỳ khủng hoảng; xây dựng hệ sinh thái kết nối các nhà cung cấp, đối tác, khách hàng; tăng tốc dịch chuyển đến nơi có thị trường cho sản phẩm của DN.
Đưa ra khuyến nghị cho DN Việt Nam, TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, DN cần xem xét lại mô hình kinh doanh xem đã thích ứng với thương mại điện tử chưa. Mở rộng thị trường xuyên biên giới hoặc vào các khu vực hiện chưa được phục vụ tốt cũng là điều cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm. Đồng thời đầu tư nhiều hơn vào các cơ hội mới, dành hơn 90% chi tiêu ròng cho các phân khúc có tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận cao hơn.
Không đưa ra lời khuyên cụ thể cho DN, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dự báo kinh trế xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho biết, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể dao động từ khoảng 5,8 - 6,5%. Từ dự báo này, ông cho biết, DN cần lưu tâm đến 5 nhóm ngành sẽ đóng vai trò "dẫn đường" kinh tế Việt Nam năm 2022. Đó là nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công, nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn, nhóm ngành được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhóm ngành thương mại điện tử và logistics, nhóm ngành công nghệ thông tin.
Trong khi đó, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đánh giá, thời gian qua, các cam kết FTA vẫn đang được các doanh nghiệp phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại đã làm ảnh hưởng lớn đến các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Do đó, để khai thác lợi thế từ các hiệp định FTA và vượt qua khó khăn, Việt Nam cần tận dụng tốt những FTA và các nhóm hàng có lợi thế.
"Chúng ta cần phải tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược", ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm